Nằm ở vùng biên viễn, Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, với hơn 84% đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo nên một kho tàng văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc.
Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc, góp phần xây dựng Lai Châu phát triển toàn diện, bền vững.
Độc đáo văn hóa các dân tộc
Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu đều có những giá trị bản sắc văn hóa độc đáo riêng được thể hiện qua không gian kiến trúc nhà ở, chữ viết, âm nhạc, ẩm thực, các nghề truyền thống (dệt, đan lát, rèn) và văn hóa văn nghệ.
Điển hình như đồng bào dân tộc Mông, chiếm hơn 23% dân số toàn tỉnh Lai Châu với năm ngành Mông chính, sinh sống ở tám huyện, thành phố.
[Đặc sắc Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu của đồng bào dân tộc Thái Lai Châu]
Từ bao đời nay, người Mông luôn giữ được những giá trị bản sắc văn hóa độc đáo trong trang phục, tiếng nói, đặc biệt là không gian kiến trúc nhà ở vô cùng đặc sắc.
Anh Mùa A Mang, dân tộc Mông ở xã Tà Mung, huyện Than Uyên (Lai Châu), chia sẻ nhà của người Mông thường được làm bằng gỗ theo kiểu nhà 3 gian, 2 chái, để tránh cái nóng của thiên thiên.
Bên trong nhà quan trọng nhất là bàn thờ, mang nét độc đáo riêng bởi chỉ có một mảnh giấy và ba chỏm lông gà để thờ thổ địa, tâm linh.
Trong kiến trúc của người Mông, nhà có ba cửa, cửa chính thường là để mở tài, mở lộc, đón khách, đón anh em, bạn bè, đón sự suôn sẻ vào nhà; hai cửa phụ gia đình thường để đi lại hàng ngày.
Điều đặc biệt là nếu nhà nào bị kiêng thì cửa chính phải đóng, còn cửa phụ thì đón khách vào bình thường.
Bên cạnh nét văn hóa kiến trúc nhà ở của dân tộc Mông, trong đời sống hàng ngày, phụ nữ các dân tộc Lai Châu còn có những phong tục, tập quán rất hấp dẫn.
Nếu như phụ nữ Giáy có tục vấn khăn trên đầu, phụ nữ Dao đỏ đội mũ hình nón, thì phụ nữ người Lự có một nét riêng trong việc làm đẹp là tục nhuộm răng đen.
Phụ nữ răng càng đen, càng bóng thì càng đẹp, càng hấp dẫn. Tục này có từ bao giờ không ai biết, họ chỉ biết rằng đây là nét đẹp trong văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác.
Trước đây, người Lự có quy định con gái từ 13-14 tuổi trở lên đều phải nhuộm răng đen với ý nghĩa làm cho răng chắc và thể hiện nét đẹp của người con gái. Việc nhuộm răng thường được thực hiện sau khi ăn cơm tối.
Chị Lò Thị Khăn, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, chia sẻ: “Tôi nhuộm răng lúc 15 tuổi, thường ngày tôi đi nương, đi rừng chặt được cây ngứa, cây chè mang về nhuộm răng. Ngày nào ăn tối xong tôi sẽ đi đánh răng rồi tiến hành nhuộm răng. Dân tộc chúng tôi rất yêu tục nhuộm răng này.”
Hiện người Lự là dân tộc chủ yếu cư trú ở Lai Châu và đang sinh sống tập trung ở huyện Tam Đường, Sìn Hồ, chiếm gần 1,5% dân số của tỉnh.
Ngoài tục nhuộm răng đen, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Lự phải kể đến thêu thùa, dệt vải và những bộ trang phục độc đáo.
Hầu hết các gia đình người Lự đều có khung dệt vải và các công cụ se sợi, quay sợi dệt vải. Người con gái dân tộc Lự trước khi lấy chồng phải thành thạo việc thêu thùa, dệt vải để tự may đồ cho mọi người trong gia đình. Sản phẩm dệt của người Lự khá phong phú về chủng loại như váy, áo, khăn, túi.
Trang phục của người Lự hết sức ấn tượng bởi được làm thủ công với những họa tiết hoa văn hết sức tinh xảo, độc đáo.
Áo nhuộm chàm, xẻ ngực, vạt trái đè lên vạt phải và được buộc thắt bởi những dây tua sặc sỡ.
Váy được thêu và dệt hoa văn 3 tầng, phần trên được dệt với những họa tiết hình quả trám, phần dưới là vải chàm đen, phần gấu váy có điểm thêm màu khác trông rất đẹp mắt.
Chiếc khăn đội đầu cũng là vật không thể thiếu của người phụ nữ Lự, khi đội khăn cuốn nghiêng về phía trái để lộ mặt trước với những đường viền thêu hoa văn màu trắng, kẻ sọc.
Bảo tồn các giá trị văn hóa
Những năm qua, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc ở Lai Châu như các lễ hội tín ngưỡng dân gian, hội thi liên hoan văn hóa các dân tộc; tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ… đã và đang được Lai Châu bảo tồn, phát triển.
Tuy nhiên, dưới sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin hiện nay, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền đang có xu hướng lấn át, làm mờ nhạt văn hóa bản địa.
Một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số không còn được lưu giữ, hoặc bị biến đổi, không đúng nguyên gốc.
Do vậy, thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04 về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đến nay, Lai Châu có năm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật múa Xòe, Trò chơi kéo co của dân tộc Thái, Lễ Tủ Cải của đồng bào dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của người Mông và Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lự.
Tỉnh cũng tổ chức hàng chục lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc; phục dựng, bảo tồn 16 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc và duy trì thường niên 40 lễ hội hàng năm.
Điển hình như Lễ cúng Thánh thạch của người Hà Nhì; Lễ mừng cơm mới của người Si La; lễ hội Hạn khuống và lễ hội nàng Han của đồng bào Thái, lễ hội Xên Mường…
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, cho biết hàng năm, tỉnh phấn đấu mỗi dân tộc được bảo tồn ít nhất một di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp. Trong đó, tỉnh ưu tiên cho các lễ hội truyền thống, chữ viết, ẩm thực, trang phục, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian.
Mặt khác, tỉnh tiếp tục bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là nghệ thuật Xòe Thái và thực hành Then của người Thái được UNESCO ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vui, động lực để tỉnh tiếp tục phát huy truyền dạy trong cộng đồng, đem giá trị văn hoá phi vật thể phát triển.
Đồng thời, tỉnh hướng tới xây dựng bộ sưu tập hiện vật và phim tư liệu vùng văn hóa các dân tộc qua hệ thống sưu tập của bảo tàng.
Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục triển khai hiệu quả đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030,” nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của từng dòng họ, tộc người, đặc biệt là các dân tộc chỉ có ở Lai Châu.
Tỉnh gắn công tác bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh thiên nhiên, con người Lai Châu đến với du khách trong và ngoài nước; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới./.