Bốn di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Bình Thuận

Xem bài viết

Bốn di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Bình ThuậnNghi lễ cúng cầu an trong Lễ hội Katê thường niên của đồng bào Chăm Bình Thuận tại di tích Tháp Chăm Pô Sah Inư, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Tỉnh Bình Thuận hiện có 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm lễ hội Katê, nghề làm gốm thủ công của người Chăm, lễ hội Dinh Thầy Thím và lễ hội cầu ngư ở Vạn Thủy Tú.

Các di sản này đã góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa của tỉnh Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung, thúc đẩy hoạt động du lịch địa phương.

Lễ hội Katê

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở tỉnh Bình Thuận được phục dựng từ năm 2005 tại Di tích cấp quốc gia Pô Sah Inư với đầy đủ các nghi thức và các giá trị văn hóa dân gian truyền thống, mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Chăm.

Lễ hội Katê có quá trình hình thành, tồn tại từ rất lâu đời và được duy trì đến ngày nay. Lễ hội Katê thể hiện sự thành kính, biết ơn đối với các vị thần linh, ông bà, tổ tiên đã bảo bọc, chở che cho con cháu khỏe mạnh, cuộc sống bình an, no ấm và hạnh phúc; thể hiện khát vọng của cộng đồng luôn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời, đây cũng là dịp thắt chặt tinh thần đoàn kết, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên trong cộng đồng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa nhưng về cơ bản lễ hội Katê vẫn được gìn giữ, duy trì theo đúng tập tục truyền thống như: Lễ Nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư dưới sự điều hành của các chức sắc tôn giáo, mở cửa tháp chính, tắm bệ thờ Linga-Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính…

[Bình Thuận: Lễ hội Dinh Thầy Thím trở thành di sản văn hóa phi vật thể]

Phần hội của lễ hội Katê thường diễn ra các hội thi và các trò chơi mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Chăm như thi trưng bày và trang trí lễ vật trên Thôn la; thi làm bánh gừng, giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật…

Với những giá trị và ý nghĩa về lịch sử, văn hóa đặc sắc, tiêu biểu đó, ngày 4/4/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghề gốm thủ công của người Chăm

Theo các nghiên cứu, trước đây, người Chăm ở Bình Thuận đã làm nhiều nghề thủ công để sinh sống như làm gốm, dệt vải, đóng thuyền…Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn nghề làm gốm được người Chăm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình lưu giữ và phát triển. Nghề làm gốm không biết có từ bao giờ bởi nghề làm gốm cứ được nối tiếp từ đời này sang đời khác “mẹ truyền con nối” hàng trăm năm qua.

Bon di san van hoa phi vat the cap quoc gia cua tinh Binh Thuan hinh anh 2(Nguồn: TTXVN)

Nét độc đáo nghề gốm của người Chăm là người làm không dùng bàn xoay hiện đại mà khi tạo hình, người làm gốm xoay mình, đi vòng quanh sản phẩm thay vì sản phẩm xoay tròn như cách làm gốm ở nhiều nơi khác. Gốm làm xong, được quét lên một lớp nước đất sét đỏ để màu gốm sau khi nung sẽ đẹp hơn. Thêm nữa kỹ thuật nung gốm lộ thiên là nét đặc trưng hiếm có của gốm Chăm bởi mang tính cộng đồng cao.

Khoảng 3-4 ngày người dân mới tập trung nung gốm một lần. Bãi nung là bãi đất trống để đón nắng đón gió và vị trí gần mương nước. Gốm sau khi nung vừa lấy ra khỏi lò được vảy lên một loại nước từ trái thị hoặc vỏ hạt điều ngâm, tạo ra những vết loang lấm tấm đen.

Cách trang trí này khiến gốm Chăm khác biệt với các sản phẩm gốm khác. Sản phẩm gốm của người Chăm không nhiều hoa văn trang trí, hình dáng đơn giản, mộc mạc nhưng lại thu hút du khách và người tiêu dùng bởi có nét độc đáo.

Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Nghề làm gốm của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghề thủ công truyền thống.

Những năm gần đây, trước tác động của cơ chế kinh tế thị trường cùng sự phát triển của khoa học, công nghệ nên nghề gốm của người Chăm đã và đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Vì vậy, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình.

Ngoài mục tiêu bảo tồn phương thức, kỹ thuật, nguyên liệu làm gốm truyền thống và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, Đề án còn hướng tới việc xây dựng và phát triển các tour, tuyến du lịch đến tham quan, khám phá, trải nghiệm làng gốm Chăm Bình Đức; phấn đấu đến năm 2030, số hộ duy trì nghề gốm tăng từ gần 11% lên hơn 15%, số nghệ nhân duy trì nghề gốm tăng từ gần 12% lên hơn 16%.

Lễ hội Dinh Thầy Thím

Lễ hội Dinh Thầy Thím ở xã Tân Tiến, thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) ra đời, duy trì và tồn tại gắn liền với lịch sử hình thành các tập quán liên quan đến tín ngưỡng thờ Thầy Thím của cộng đồng người dân địa phương hơn 130 năm qua.

Bon di san van hoa phi vat the cap quoc gia cua tinh Binh Thuan hinh anh 3Lễ hội văn hóa du lịch Dinh Thầy Thím tại Khu di tích văn hóa Dinh Thầy Thím, xã Tân Tiến, thị xã La Gi (Bình Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Lễ hội nhằm ôn lại công đức của vị đạo sỹ giàu lòng nhân ái, có nhiều nghĩa cử cao đẹp, giúp dân đóng thuyền, bốc thuốc chữa bệnh, giúp dân chài trong sóng to gió lớn, cảm hóa được cả thú dữ… được dân làng mến mộ.

Dinh Thầy Thím tọa lạc giữa khu rừng dầu tĩnh mịch trên khu cát trắng, nay thuộc xã Tân Tiến, cách trung tâm thị xã La Gi vào khoảng 12km về hướng Tây Bắc.

Di tích Dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27/9/1997.

Ngoài các nghi thức truyền thống như lễ nghinh Thần, rước sắc phong, lễ nhập điện an vị, thỉnh thực, giỗ Tiền Hiền và cúng binh gia, Lễ hội Dinh Thầy Thím hằng năm còn có các trò chơi dân gian đậm nét xứ biển như khiêng thúng ra khơi, hội thi gánh cá, đan lưới, kéo co, đánh cờ người.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, Lễ hội Dinh Thầy Thím đã trở thành “điểm đến” có sức thu hút du khách. Trong những năm gần đây, lượng du khách đến Dinh Thầy Thím ngày càng tăng lên, ước khoảng 600.000 lượt khách mỗi năm.

Lễ hội dinh Thầy Thím được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 62/QĐ-BVHTTDL ngày 12/01/2022.

Lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú

Vạn Thủy Tú, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận được tạo dựng vào năm Nhâm Ngọ (1762), là ngôi vạn được ra đời sớm, có quy mô, kiến trúc bề thế so với các lăng vạn khác ở Bình Thuận.

Bon di san van hoa phi vat the cap quoc gia cua tinh Binh Thuan hinh anh 4Dinh Vạn Thủy Tú là khu di tích cấp quốc gia tọa lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đây là nơi gìn giữ giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ thần Nam Hải hay cá ông/cá voi của ngư dân Bình Thuận đồng thời lưu trữ trên 100 bộ xương cá voi lớn nhỏ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Cũng như những lăng vạn khác, nơi đây thờ phụng cá Ông (cá Voi), các vị Hải Thần, Thủy tổ nghề biển và là thiết chế văn hóa truyền thống, tín ngưỡng ngư nghiệp của ngư dân ven biển vùng đất Phan Thiết.

Hiện nay, tại vạn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn trên 100 bộ xương cốt Ông, trong đó có hàng chục bộ xương lớn với niên đại trên 250 năm, thể hiện lòng tôn kính của các thế hệ ngư dân làng Thủy Tú đối với “Ông.”

Đặc biệt, vạn còn lưu giữ bộ xương cá Ông có xương hàm dài 2,7m, rộng 1m; xương sườn dài 1,4m; xương sọ dài 2,28m, cao 1,12m và toàn thân dài 22m, nặng khoảng 64 tấn.

Bộ xương cá Ông này đã được Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết đầu tư kinh phí và phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang nghiên cứu lắp ráp nguyên trạng, xây dựng Nhà Trưng bày giới thiệu cho du khách trong khuôn viên vạn Thủy Tú từ năm 2003 đến nay; năm 2005, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập đây là bộ xương cá Voi lớn nhất Việt Nam.

Tại vạn Thủy Tú hàng năm diễn ra 3 kỳ lễ hội chính, cụ thể: Lễ hội Cầu ngư đầu mùa diễn ra vào ngày 20 tháng Tư Âm lịch; Lễ hội Cầu ngư chính mùa diễn ra vào ngày 19- 22 tháng Sáu âm lịch (trong đó, tổ chức lễ hội Cầu ngư theo nghi thức Đại lễ là quan trọng nhất, định kỳ 3 năm đáo lệ cúng chay một lần); Lễ hội Cầu ngư mãn mùa diễn ra vào ngày 23 tháng Tám Âm lịch.

Lễ hội cầu ngư phản ánh đặc trưng của tín ngưỡng ngư nghiệp, thể hiện khát vọng chính đáng của ngư dân cầu mong cho hoạt động kinh tế biển bình an và được mùa; lòng biết ơn biển, trong đó cá Ông và các vị hải thần đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, là chỗ dựa để họ đặt niềm tin và an tâm khi lao động trên biển. Giá trị của lễ hội hướng về cội nguồn, duy trì phong tục tập quán truyền thống, bảo tồn và phát huy nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng ngư dân các làng chài.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4614/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019./.

(Vietnam+)