Nhận thấy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Ca Dong rất phong phú, đa dạng song lại có xu hướng mai một theo thời gian, anh Đinh Văn Siêng (sinh năm 1988), xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực sưu tầm các loại nhạc cụ, vật dụng của đồng bào mình để góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc.
Năm 2010, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê, anh Đinh Văn Siêng thấy nhiều nhạc cụ, vật dụng lao động, sinh hoạt vốn gắn liền với người Ca Dong đang bị mai một.
Nhiều người đã đem bán những bộ chiêng, các loại đàn vốn là linh hồn của người Ca Dong. Ngoài ra, hầu hết giới trẻ thích những nhạc hiện đại như nhạc Pop, Rap… ít quan tâm đến âm nhạc dân tộc. Trong khi đó, cồng chiêng được xem là tài sản quý của đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong.
Trong những lễ hội truyền thống của người Ca Dong như mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu, lễ mừng năm mới, cúng Yàng… đều không thể thiếu tiếng chiêng.
Theo Đinh Văn Siêng, nếu tình trạng này kéo dài, không lâu nữa thế hệ trẻ đồng bào Ca Dong không còn nghe tiếng chiêng, tiếng đàn, những bài ca, câu hát truyền thống của đồng bào mình.
[Chuyện khởi nghiệp của những chàng trai đam mê giữ lửa sáo Mông]
Từ đó, anh Siêng bắt đầu nghĩ cách sưu tầm để lưu giữ lại những nhạc cụ truyền thống của đồng bào mình. Ngoài giờ làm việc, anh đi khắp các bản làng, đến từng nhà dân để động viên gia đình có nhạc cụ truyền thống, có chiêng, biết biểu diễn nhạc cụ dân tộc Ca Dong gìn giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ. Người nào có ý định bán những nhạc cụ quý báu ấy, anh hỏi mua mang về nhà lưu giữ.
Cứ thế, đến nay, anh đã có một “bảo tàng” thu nhỏ với nhiều loại nhạc cụ, vật dụng truyền thống của đồng bào Ca Dong. Những nhạc cụ này đã được góp mặt trong các dịp Liên hoan cồng chiêng hay liên hoan nhạc cụ dân tộc do huyện, tỉnh tổ chức.
Với mong muốn đóng góp một phần nhỏ công sức để bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình nên ngoài sưu tầm các loại nhạc cụ, anh Siêng còn sưu tầm vật dụng truyền thống trong lao động, sinh hoạt của người Ca Dong như gùi, nỏ, dụng cụ đánh cá, cơi trầu, nồi đồng…
Theo anh Siêng, những vật dụng này anh dùng để trang trí, lưu giữ lại cho thế hệ trẻ, đồng thời phục vụ khách du lịch.
Biết được ý định này, thay vì bán một số già làng đã tặng gùi, nỏ, nồi đồng cho anh với mong muốn anh giữ lại cho thế hệ trẻ, anh Siêng chia sẻ.
Hiện nay, anh Siêng đang xây dựng khu trưng bày hiện vật truyền thống của đồng bào Ca Dong, kết hợp bán càphê để từng bước hình thành điểm du lịch cộng đồng. Công trình này nằm ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long, trên cung đường Đông Trường Sơn.
Theo anh Siêng, không gian khu trưng bày này sẽ tái hiện sinh động cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất và nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây.
Còn căn phòng nhỏ – nơi đang lưu giữ những nhạc cụ, vật dụng truyền thống của đồng bào Ca Dong do anh Siêng sưu tầm đã trở thành điểm sinh hoạt, luyện tập văn nghệ, học cách đánh cồng chiêng của Đoàn thanh niên xã Sơn Long.
Chị Đinh Thị Hành, Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Sơn Long cho rằng những nhạc cụ, vật dụng của đồng bào Ca Dong hiện không còn nhiều. Do đó, việc sưu tầm, lưu giữ của anh Siêng là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, tại địa phương hiện không còn nhiều người biết đánh cồng chiêng, do đó các đoàn viên mong muốn chính quyền hỗ trợ để nghệ nhân truyền dạy lại.
Huyện Sơn Tây hiện có hơn 19.000 người, trong đó, khoảng 90% là đồng bào Ca Dong. Theo thống kê sơ bộ của Phòng Văn hóa-Thông tin, toàn huyện chỉ có khoảng 50 người biết sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc và 40 hộ còn lưu giữ các loại nhạc cụ, rất ít người biết làm nhạc cụ dân tộc.
Ông Lê Phương Nam, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sơn Tây cho biết địa phương đang thực hiện Đề án bảo tồn văn hóa phi vật thể. Do đó, việc sưu tầm các loại nhạc cụ, vật dụng của đồng bào Ca Dong của anh Đinh Văn Siêng là rất đáng trân quý.
Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Ca Dong, Phòng đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện thường xuyên tổ chức liên hoan cồng chiêng và đàn hát dân ca ngay cấp xã, đến huyện; thành lập các Câu lạc bộ truyền dạy cồng chiêng, tạo điều kiện cho giới trẻ có thêm môi trường để rèn luyện, giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong việc tập đánh bài chiêng cổ, trau dồi kỹ năng múa làn điệu dân ca của dân tộc mình. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và khơi dậy tình yêu, niềm đam mê đánh cồng chiêng trong thế hệ trẻ./.