Khi nền tảng trò chuyện cùng trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT ra đời, những lời bàn tán về công nghệ mới này đã lan rộng trong xã hội, vượt ra ngoài lĩnh vực công nghệ. ChatGPT có thể sáng tác thơ, văn, bài luận, bài báo, tin tức… bằng tiếng Việt, tuy còn ngô nghê và nhiều sai sót về mặt thông tin.
Giới chuyên gia dự báo AI sẽ sớm trở nên thông minh hơn, mang đến cho con người nhiều bất ngờ hơn nữa. Từ đó, nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng liệu AI có khiến các nhà văn, nhà thơ, nhà báo “mất việc” và những người sáng tạo nội dung sẽ phải làm gì để giữ được bản sắc của mình trong thời đại công nghệ hiện nay?
Không thể thay lao động sáng tạo
Trước nguy cơ AI đe dọa đến “cuộc mưu sinh” của những người làm nghề viết, nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cho rằng quả thực lo lắng đó là có cơ sở.
Anh đã dùng thử ChatGPT và cảm thấy rất thú vị khi chatbot này biết làm thơ, có thể tạo ra những câu văn có ý nghĩa, có thể trò chuyện với người dùng một cách logic và đặc biệt là có khả năng học hỏi rất nhanh.
Anh cho rằng đối với những người có kỹ năng viết chưa thực sự giỏi, chưa thể tạo ra những câu chữ giàu cảm xúc, giàu hình ảnh thì mức độ ảnh hưởng của ChatGPT là rất lớn.
Cùng chung quan điểm đó, Tiến sỹ Nguyễn Thị Quý Phương, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế QP Việt Nam phân tích hàng chục triệu người dùng đang cung cấp thông tin cho kho dữ liệu khổng lồ của ChatGPT nên khả năng trích xuất thông tin và sử dụng ngôn ngữ của ứng dụng này sẽ ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, khả năng sáng tạo của con người không chỉ bắt đầu từ dữ liệu, dù thông tin phong phú và hiểu biết sâu sắc về văn hoá-xã hội là điều kiện bắt buộc đối với người cầm bút.
“Sáng tạo đến từ cảm xúc chân thành, từ những rung cảm của những người mang ‘lương tri của thời đại’ đối với thời cuộc và thân phận con người, từ những trải nghiệm sống, từ sự hướng thiện, từ đôi mắt biết nhìn thấy cái đẹp trong cuộc sống này… Đó là nguồn cảm hứng không thể lập trình. Nếu nhà văn, nhà báo, những người làm nội dung không còn khả năng sáng tạo từ nguồn cảm hứng đó, thì ChatGPT sẽ thực sự là mối đe dọa đối với họ,” Tiến sỹ Nguyễn Thị Quý Phương nhận định.
Trao đổi vấn đề này với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Tiến sỹ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ cho rằng thực tế thì trí tuệ nhân tạo thể hiện sự phát triển của khoa học công nghệ, phiên bản ra đời sau luông ưu việt bản xuất hiện trước. Dù vậy, đây vẫn chỉ là máy móc do con người tạo ra nên không thể thay thế được lao động sáng tạo của con người.
Theo Tiến sỹ Đỗ Anh Vũ, để cho ra đời một tác phẩm, tác giả phải có trải nghiệm cá nhân, từ đó sáng tạo là những câu chữ có sự “run rẩy” của cảm xúc, lay động trái tim người đọc.
“Những sáng tạo mang tính chất riêng biệt như vậy thì chỉ có thể là con người làm được và mãi mãi thì không có máy móc nào có thể thay thế. Tôi cho rằng các nhà văn, nhà thơ không có gì phải lo lắng,” Tiến sỹ Đỗ Anh Vũ nêu quan điểm.
Như vậy, đa số các chuyên gia đều cho rằng ChatGPT không gây ảnh hưởng lớn với những người đang nghiêm túc đi theo nghề viết, bởi họ sáng tạo bằng chính trái tim và khối óc của mình. Tuy nhiên, thực tế là sự phát triển của công nghệ cũng đặt ra thách thức rằng các tác giả phải tìm tòi, khai phá câu chữ nhiều hơn, phải sáng tạo không ngừng.
Nên biến AI thành “trợ lý”
Nhà thơ Văn Công Hùng, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng sự xuất hiện của ChatGPT cũng gây ngạc nhiên như khi chiếc máy vi tính đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Ông cho rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà công nghệ phát triển như vũ bão, do đó, thay vì sợ hãi, con người cần phải thích nghi, học hỏi và tận dụng ưu điểm của máy móc để phục vụ cho cuộc sống. Nhà thơ cho rằng bản thân ChatGPT là máy móc, công cụ, sử dụng ra sao là quyền của con người.
“Cảm xúc thì vẫn là của con người, chỉ có thể là con người. Máy tính vẫn là máy tính và thơ vẫn là thơ. Nhà thơ chưa thành máy tính và máy tính cũng vẫn cần nhà thơ sử dụng, điều khiển. Có chăng, công nghệ giúp giọng nói ‘biến’ thành chữ. Cá nhân tôi cũng sẽ nghiên cứu kỹ ChatGPT xem có giúp ích gì cho công việc của mình không,” nhà thơ chia sẻ.
[Công nghiệp văn hóa: Tiềm năng đang chờ được “đánh thức”]
Nói về việc ứng dụng ChatGPT trong cuộc sống, nhà thơ Nguyễn Phong Việt đánh giá đây là công cụ tuyệt vời để tham khảo. Chẳng hạn, khi anh được đặt hàng viết bài truyền thông thương hiệu hay thực hiện một chiến dịch truyền thông về một vấn đề gì đó, anh sẽ tham khảo ChatGPT để có góc nhìn đa dạng hơn.
“Trước một chiến dịch truyền thông, tôi đặt câu hỏi mình sẽ phải làm gì, cho đối tượng nào, triển khai như thế nào. ChatGPT với kho dữ liệu khổng lồ sẽ cho tôi nhiều thông tin, từ đó tôi sẽ tinh gọn lại để tìm ra những nội dung phù hợp với công việc của mình,” nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ.
Tiến sỹ Đỗ Anh Vũ thì đề cập đến việc các tòa soạn báo có thể sử dụng AI để viết những bản tin một cách nhanh chóng, chẳng hạn như bản tin thời tiết, tổng hợp số ca mắc COVID-19 hay cập nhật diễn biến thể thao. Song, phóng viên-biên tập viên không thể tin tưởng tuyệt đối vào nội dung mà AI viết.
“Sau khi giao cho AI viết một tin tức, một con người bằng xương bằng thịt vẫn phải đọc lại toàn bộ văn bản đó, để kiểm tra tính chính xác, rồi sau đó biên tập, bổ sung, trau chuốt cho ‘nhuận sắc’ thêm. Như vậy, AI có thể giúp chúng ta rút ngắn thời gian làm việc, và đạt những hiệu quả tích cực,” Tiến sỹ Đỗ Anh Vũ nêu ý kiến.
Đánh giá ưu điểm của ChatGPT, Tiến sỹ Nguyễn Thị Quý Phương cho rằng kho dữ liệu khổng lồ và tốc độ xử lý nhanh chóng là ưu điểm khiến ChatGPT sẽ là “người trợ lý” đắc lực cho những người cần xử lý, tổng hợp, phân tích lượng lớn thông tin cho công việc.
ChatGPT đưa ra các lựa chọn theo các tiêu chí chung, bao gồm tiêu chí về tính chuẩn xác, logic và quan niệm đúng sai phổ quát của xã hội (common sense). Do đó, các câu trả lời của ChatGPT có thể là một kênh thông tin hữu dụng để kiểm chứng.
Bà Phương cho rằng tính năng này khiến ChatGPT khá an toàn khi được dùng trong giáo dục như một nguồn tài liệu tham khảo có sẵn phân tích, tổng hợp cho người học cũng như người nghiên cứu. ChatGPT cũng có thể là một thư ký hoàn hảo cho những giao dịch văn bản thông thường như thư trả lời đối tác cho những xác nhận đơn giản mang tính thủ tục, xã giao.
“Cá nhân tôi cho rằng một cách sử dụng tích cực của ChatGPT là coi trí thông minh nhân tạo như sự thách thức của trí thông minh con người, để mỗi người hứng thú hơn với việc luyện tập bộ não mỗi ngày: Đọc nhiều hơn, viết nhiều hơn, tự đặt ra nhiều câu hỏi hơn. Sao cho chính tác phẩm hay những phát hiện mới của mình về cuộc sống xung quanh làm mình ngạc nhiên chứ không phải là các bài văn, thơ và những câu trả lời có vẻ giống con người của ChatGPT,” bà Phương nói.
Có thể thấy rằng sự tiện lợi của ChatGPT đang dẫn đến một số rủi ro như đưa thông tin sai sự thật, đạo văn, thiếu sự sáng tạo và bản sắc cá nhân. Do đó, các chuyên gia đưa ra nhận định chung rằng nếu bạn luôn là con người sáng tạo, luôn tự làm mới mình thì không trí thông minh nhân tạo nào có thể thay thế./.