Từ bảo tàng nghệ thuật Prado ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) cho tới Trung tâm nghệ thuật và văn hóa quốc gia Georges-Pompidou ở Paris (Pháp) và Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở thành phố New York (Mỹ), Pháp và Tây Ban Nha đã lên kế hoạch tổ chức hàng loạt cuộc triển lãm “chưa từng có” như một phần trong hoạt động tưởng nhớ 50 năm ngày mất của danh họa Pablo Picasso (8/4/1973).
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Văn hóa Tây Ban Nha Miquel Iceta cho biết được Pháp và Tây Ban Nha chuẩn bị trong suốt 18 tháng, sáng kiến “Năm của danh họa Picasso” sẽ bao gồm 42 cuộc triển lãm trên khắp châu Âu và Mỹ để quảng bá di sản nghệ thuật của danh họa.
Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Rima Abdul Malak cho biết mục đích của sáng kiến này là nhằm “trưng bày mọi khía cạnh” của danh họa Picasso.
[Tranh Picasso treo tại nhà hàng ở Mỹ gây sốc với mức giá 100 triệu USD]
Với sự tham gia của 38 cơ sở nghệ thuật lớn ở châu Âu và Mỹ, “Năm của danh họa Picasso” sẽ bắt đầu vào ngày 23/9 tại Mapfre Foundation ở Madrid với cuộc triển lãm mang tên “Pablo Picasso và sự phá cách của nghệ thuật điêu khắc.”
Chuỗi sự kiện này sẽ kéo dài đến tháng 4/2024 với cuộc triển lãm bế mạc tại Petit Palais ở Paris. Mặc dù hầu hết các sự kiện sẽ diễn ra ở Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ, một số cuộc triển lãm khác cũng được tổ chức ở Đức, Thụy Sĩ, Romania và Bỉ. Ngoài ra, một loạt các cuộc thảo luận và chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Picasso cũng sẽ được tổ chức song song.
Pablo Picasso là một họa sĩ và nhà điêu khắc Tây Ban Nha nổi bật nhất trên thế giới của thế kỷ 20. Ông cũng là một trong 10 họa sĩ vĩ đại nhất trong top 200 nghệ sĩ tạo hình lớn nhất thế giới thế kỷ 20 do tạp chí The Times của Anh bình chọn. Qua đời tại Pháp năm 1973, Picasso đã để lại cho nhân loại số lượng lớn tác phẩm có tầm ảnh hưởng, trong đó có các bức họa, tác phẩm điêu khắc và tác phẩm gốm./.