Không ngoa khi gọi Vivienne Westwood là “nữ hoàng punk” của làng mốt, bởi bà là nhà thiết kế hiếm hoi đưa chất punk ngạo nghễ, phóng túng vào thời trang cao cấp Anh Quốc – vốn nổi tiếng với niềm tự hào di sản Bourgeois (thời trang tư bản) sang trọng, quý phái.
Nhà thiết kế người Anh Vivienne Westwood nổi lên như một hiện tượng vào những năm 1970, khi sáng lập cửa hàng SEX, chuyên trang phục punk cùng Malcolm McLaren, quản lý ban nhạc Sex Pistols. Bà cũng là một nhà hoạt động chính trị lâu năm. Bà liên tục đấu tranh bảo vệ môi trường, chống lại chủ nghĩa tiêu dùng, và phản đối việc bất bình đẳng tiền lương.
Vivienne Westwood và Malcolm McLaren
“Tượng đài thời trang punk” Vivienne Westwood vừa qua đời vào 29/12/2022, hưởng thọ 81 tuổi. Đại diện của nữ nhà thiết kế cho biết bà đã ra đi “bình yên bên gia đình” ở Clapham, Nam London.
Hơn 5 thập kỷ mang đến các giá trị thẩm mỹ vượt thời gian, nhà thiết kế sinh năm 1941 để lại cho địa hạt thời trang nhiều di sản vô giá. Dù vậy, mấy ai biết được hết những câu chuyện thú vị đằng sau “nữ tướng” thời trang Anh này.
Từng là giáo viên trước khi trở thành một nhà thiết kế lẫy lừng
Westwood lớn lên tại thị trấn Glossop ở Derbyshire, Anh. Bà từng học tại Trường Nghệ thuật Harrow và Đại học Westminster. Bà học được một kỳ, theo chuyên ngành thời trang và rèn bạc, trước khi bỏ học để tập trung vào công việc.
“Tôi không biết làm thế nào một cô gái thuộc tầng lớp lao động như tôi có thể kiếm sống trong thế giới nghệ thuật,” nữ nhà thiết kế tâm sự. Vì thế, bà trở thành giáo viên tiểu học và thiết kế đồ trang sức khi rảnh rỗi. Đến những năm 1970, bà kiếm sống bằng việc kinh doanh đồ do mình thiết kế.
Không mặc nội y khi diện kiến Hoàng gia… tận hai lần
Năm 1992, Westwood được mời đến Cung điện Buckingham để trao tặng OBE (Huân chương của Đế quốc Anh) vì những đóng góp của bà cho ngành thời trang. Trong chuyến thăm, bà đã gây chú ý khi tiết lộ mình không mặc nội y.
“Tôi đã gặp một người đàn ông từng làm việc với Nữ hoàng, hóa ra là bà cũng khá thích thú với điều đó,” Westwood chia sẻ. Khi bà trở lại vào năm 2006 để được phong tước Quý bà (Dame), điều tương tự đã xảy ra. “Đừng hỏi nhé!” bà cho hay. “Bạn sẽ nhận được cùng một câu trả lời thôi. Tôi không mặc nội y cùng với váy.”
Con trai là nhà sáng lập thương hiệu nội y Agent Provocateur
Agent Provocateur là một trong những thương hiệu nội y nổi tiếng nhất thế giới, do Joseph Corré, con trai của Westwood, thành lập. Cha của anh là Malcolm McLaren, quản lý của ban nhạc punk Sex Pistols và cũng là cộng sự cùng Westwood điều hành cửa hàng quần áo SEX ở London vào những năm 1970.
Corré đã mô tả những thiết kế của mẹ từ thời đó: “Những bộ quần áo mà bà thiết kế vào thời điểm đó là thứ quyến rũ nhất mà bạn từng thấy. Nhưng đồng thời, bà cũng như một người ngoài hành tinh xuống Trái đất, bởi vì bạn chưa từng thấy ai như vậy.”
[5 nàng thơ, chàng thơ giúp Michele xây dựng nên đế chế Gucci hùng mạnh]
Corré thành lập thương hiệu nội y của mình vào năm 1994 tại London. Theo trang web của thương hiệu, sự khởi đầu của nó “đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong phong trào phản văn hóa của Anh bằng cách lật đổ cách đàn ông dị tính nhìn người phụ nữ theo hướng tính dục hóa để trao quyền cho nữ giới.”
Không biết Emma Watson là ai khi trao giải
Là một biểu tượng punk đích thực, không có gì đáng ngạc nhiên khi Westwood không theo kịp văn hóa đại chúng hiện đại, và do đó bà thừa nhận mình không biết ngôi sao “Harry Potter” là ai khi trao giải cho cô vào năm 2011.
“Tôi hỏi, ‘Emma Watson là ai?’ Tôi không bao giờ xem tivi, tôi không đọc tạp chí thời trang. Họ nói rằng cô ấy từng đóng ‘Harry Potter’, và tôi trả lời, ‘Tôi chưa bao giờ xem ‘Harry Potter’.” Họ nói rằng cô đóng vai Hermione và tôi nói, ‘Ồ ra thế – cô ấy thật đáng yêu.’ Tôi chắc hẳn đã ấn tượng ít nhiều với cô ấy. Vì vậy, tôi muốn trao giải thưởng này cho Emma, người mà tôi mới gặp,” Westwood nói khi trao giải cho Watson.
Thiết kế chiếc mũ nâu nổi tiếng của Pharrell Williams
Một trong những khoảnh khắc thời trang đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Pharrell là khi anh bước trên thảm đỏ Grammy 2014 với chiếc mũ nâu quá khổ. Đến cuối buổi lễ trao giải, chiếc mũ đã có một tài khoản Twitter, hiện nay nó vẫn tồn tại và có đến hơn 12.000 người theo dõi.
CNN đã xác định chiếc mũ này là Mũ Buffalo của Westwood và McLaren trong show diễn Thu Đông 1983, “Nostalgia of Mud.”
Làm đầm cưới cho Carrie Bradshaw trong “Sex and the City”
Trong phim, Carrie (do biểu tượng thời trang Sarah Jessica Parker thủ vai) vốn dĩ không muốn có một đám cưới hay chiếc đầm xa hoa, nhưng khi nhìn thấy tác phẩm này của Westwood, cô đã phải lòng ngay lập tức. Westwood đã gửi cho Carrie chiếc đầm kèm theo một bức thư viết tay, và mặc dù đám cưới không diễn ra như kế hoạch, cô vẫn trông thật lộng lẫy.
Tuyệt vời đến nỗi Parker một lần nữa được phát hiện mặc chiếc đầm khi quay phần thứ hai của “And Just Like That.” Để kỷ niệm 10 năm bộ phim, Westwood đã cho ra mắt phiên bản may sẵn lấy cảm hứng từ chiếc đầm./.