Với người dân Tây Nguyên, cồng chiêng là linh hồn cuộc sống, báu vật của cộng đồng. Trong các ngày lễ cúng, ma chay, cưới hỏi, cồng chiêng là món ăn tinh thần không thể thiếu.
Họ quan niệm rằng làng nào, gia đình nào có nhiều chiêng thì có nhiều thần chiêng phù hộ, con cái học hành giỏi giang, mùa màng bội thu, cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, cồng chiêng còn được người Tây Nguyên xem như sợi dây kết nối giữa con người và thần linh, để mỗi lần cúng tế đều phải có âm thanh cồng chiêng vang vọng, báo cáo với các vị thần về những thành quả đạt được của người dân.
Kết thúc phần diễn tấu cồng chiêng trong Lễ hội Đua thuyền trên sông Pô Kô, anh Rơ Lan Huân (dân tộc Jrai, làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai) cho hay với người dân tộc Jrai, cồng chiêng là văn hóa cộng đồng, linh hồn dân tộc, là “món ăn tinh thần” không thể thiếu.
Người Jrai có nghèo đến mấy cũng không bán cồng chiêng, chỉ cần thấy cồng chiêng là biết đó là tài sản của cộng đồng người Tây Nguyên.
Cuộc sống hiện đại có nhiều loại âm nhạc thay thế nhưng với đồng bào dân tộc Bahnar, không âm thanh nào có thể thay thế được âm vang cồng chiêng.
[Gia Lai: Vang vọng thanh âm đại ngàn giữa lòng phố núi Pleiku]
Vào các dịp lễ, Tết, con người có thể không có áo mới nhưng cồng chiêng lúc nào cũng được đan áo mới, túi mới để được bảo quản. Những gia đình có điều kiện, khi xây nhà, đều dành riêng một phòng để cất giữ cồng chiêng.
Không chỉ với người Jrai, cồng chiêng cũng là báu vật linh thiêng của đồng bào dân tộc Bahnar tại Gia Lai, những cộng đồng người dân tộc thiểu số có cuộc sống gắn bó với cồng chiêng từ ngàn đời nay, không tách rời.
Theo già Đinh Blich (già làng K’giang, xã Kong Lơng Khơng, huyện Kbang), mỗi dân tộc trên đất Tây Nguyên sẽ có những bản diễn tấu cồng chiêng riêng hoặc có cách bảo tồn giá trị văn hóa riêng.
Với người Bahnar trước đây, cồng chiêng được cất giữ, bảo quản thật kín đáo trong nhà rông thì nay đã được mang ra để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.
Từ đó, người già, thanh niên, thậm chí là phụ nữ, trẻ em nay cũng đã biết diễn tấu cồng chiêng, niềm vui khi những tiếng cồng chiêng đã có mặt trong tất cả sự kiện vui buồn của dân làng và được lan tỏa ra cộng đồng ngày một mạnh mẽ.
Sở dĩ già Blich nói như vậy là vì tại xã Kong Lơng Khơng, nay các đội cồng chiêng nhí, cồng chiêng nữ, cồng chiêng nam đều được anh Đinh A Ngưi tập hợp, biểu diễn cho du khách tại homestay của mình, mang về thu nhập cho bà con trong làng. Từ đó, văn hóa cồng chiêng được lan tỏa, được bảo tồn và phát huy giá trị vốn có.
Năm 2021, theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, tại 1.192 làng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh hiện còn lưu giữ 5.655 bộ cồng chiêng (dân tộc J’rai có 3.373 bộ; dân tộc Bahnar có 2.282 bộ) và 932 bộ cồng chiêng quý hiếm.
Tỉnh Gia Lai cũng có khoảng 900 nghệ nhân giỏi, hơn 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng và đã có 23 nghệ nhân được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú.
Có thể nói, đây là những “báu vật sống” đang đóng góp thầm lặng để bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng trên mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn.
Từ góc nhìn một nhà quản lý, một người nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, bà Nguyễn Thị Phương Loan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin – Thể thao huyện Ia Grai, cho biết trong những lời kể của các già làng, thời kháng chiến chống Mỹ, người Tây Nguyên còn cõng cả chiêng đi đánh giặc, họ bỏ nhà để chạy giặc nhưng phải cõng chiêng theo.
Họ xem chiêng như máu thịt của mình, cuộc sống khó khăn đến mấy cũng không bán, dù gian lao thế nào cũng không bỏ. Với người Tây Nguyên, người còn thì chiêng còn, người mất thì chiêng mất…
Và đến khi người Kinh vào Tây Nguyên sinh sống và làm việc thì họ cũng đã từng bước hòa mình vào thế giới của người bản địa. Họ cũng xem cồng chiêng như một phần văn hóa đời sống tinh thần.
Với nhiều ý nghĩa, cồng chiêng trong tâm thức người Jrai, người Bahnar hay người Kinh trên mảnh đất Gia Lai đều tuyệt đẹp.
Những năm gần đây, Gia Lai đã chú trọng khai thác các yếu tố của không gian văn hóa cồng chiêng để phát triển du lịch, kết hợp lễ hội với yếu tố di sản thiên nhiên, xây dựng các tour du lịch cộng đồng.
Đây là hướng đi mới, giúp cộng đồng bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch dịch vụ, xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.
Từ kinh nghiệm triển khai các mô hình du lịch dựa vào di sản hiện nay, có thể nói Gia Lai đang có những bước đi đúng hướng, góp phần cùng với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên./.