Sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã dẫn tới sự thay đổi về nhiều mặt của văn hóa như quản lý di sản, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật-nhiếp ảnh-triển lãm và quảng cáo.
Trước những vấn đề đặt ra như phổ biến phim trên không gian mạng, bản quyền tranh do robot vẽ, quản lý nhà hát online…, ngày 29/7, Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo để tìm giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa trong bối cảnh mới.
Đừng biến sân khấu thành ‘nồi lẩu’
Theo ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến nền văn hóa Việt Nam đặc biệt là khi chúng ta đang xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa.
Ông Liêm đặt vấn đề rằng pháp luật sẽ ứng xử thế nào trong việc xác định quyền sở hữu trí tuệ hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm do robot hoặc ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) tạo nên.
Bối cảnh mới đòi hỏi hệ thống pháp luật cần phải có những điều chỉnh tương ứng. Chính vì vậy, Vụ trưởng cho rằng việc nghiên cứu, đánh giá hệ thống pháp luật về văn hóa để tìm kiếm những định hướng, giải pháp, nguyên tắc chung mang tính đồng bộ, khả thi và có lộ trình cụ thể cho những ứng xử của pháp luật về văn hóa đối với những tác động kinh tế-xã hội của công nghệ mới là thực sự cần thiết.
Dẫn chứng về độ trễ của quy định pháp luật, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho hay trước đây, Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định “Buộc tiêu hủy hàng hóa, văn hóa phẩm có nội dung độc hại.”
Ứng dụng thực tế, cơ quan quản lý có thể tiêu hủy một cuốn phim nhựa rất dễ dàng, nhưng trong thời đại ngày nay, Chính phủ đã phải bổ sung Nghị định 38 (năm 2021) làm rõ: “Buộc tiêu hủy phim, băng, đĩa hoặc vật liệu chứa nội dung phim; bản ghi âm, ghi hình có nội dung nghệ thuật biểu diễn.”
“Đến nay, chúng tôi nhận thấy rằng nội dung vi phạm có thể tồn tại dưới dạng một đường link, vậy thì tiêu hủy ‘vật liệu chứa’ như chiếc điện thoại thông minh hay chiếc thẻ nhớ là chưa đủ, đường link vẫn tồn tại trên các nền tảng kỹ thuật số,” bà Hà đưa ra vấn đề.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định rằng cần tiếp tục bổ sung quy định pháp luật để quản lý văn hóa trong thời kỳ mới.
Từ kinh nghiệm quản lý của mình, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đồng tình với những quan điểm trên.
Theo ông, trong xu hướng toàn cầu hóa, công nghiệp văn hóa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã, đang phải đối chọi với sự xâm nhập của các sản phẩm ngoại.
Một số nghệ sỹ trẻ mới vào nghề, với khả năng tiếp thu công nghệ nhanh chóng, có thể rơi vào trình trạng quá lạm dụng phần mềm, công nghệ, làm mất đi giá trị chân-thiện-mỹ, tức là làm mất đi bản sắc và giá trị truyền thông trong tác phẩm nghệ thuật.
“Trên thực tế đã cho thấy, không ít chương trình áp dụng công nghệ quá nôn nóng và vội vã đã biến sân khấu thành ‘nồi lẩu’ thập cẩm. Những nỗ lực hướng đến không chỉ là cạnh tranh thị trường mà còn phải giữ gìn bản sắc, vốn liếng bản địa…,” ông trăn trở.
Quản lý các hình thái biểu diễn mới
Theo ông Đỗ Đình Hồng, việc đánh giá thực trạng hoạt động văn hóa lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cũng như thực trạng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực sẽ giúp đưa ra các giải pháp để định hướng phát triển đúng hướng, giảm thiểu những tác động tiêu cực, tiếp cận nhanh công nghệ tiên tiến và bắt kịp sự phát triển của các lĩnh vực nghệ thuật của khu vực và trên thế giới.
“Để định hướng thẩm mỹ, phát huy được bản sắc Việt Nam và tạo thương hiệu quốc gia, Nhà nước cần có cơ chế thích hợp vào việc phát triển nội dung văn hóa số mang tính dân tộc, hiện đại và có khả năng tạo sản phẩm cạnh tranh tại thị trường nước ngoài,” ông nói.
[‘Trùng tu’ Luật Di sản để văn hóa Việt Nam tiệm cận với thế giới]
Bên cạnh đó, Giám đốc Đỗ Đình Hồng cho rằng muốn có những tác phẩm đạt chất lượng cao, cập nhật với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu của công chúng cần phải tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức hội thảo và tọa đàm nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm, tạo hướng mới cho sáng tác đồng thời cần có chính sách ưu tiên cụ thể cho các nghệ sỹ, diễn viên có nhiều cống hiến và đạt danh hiệu cao.
Đóng góp ý kiến, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng để tận dụng các lợi thế của Việt Nam, đón đầu cơ hội và giảm thiểu bất lợi trước các thách thức của xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cần thực hiện một số giải pháp mang tính đột phá.
Theo ông Dương, cần ưu tiên đầu tư kinh phí để thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại nhằm phát triển nội dung sáng tạo trên một số lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của ngành văn hóa nghệ thuật Việt Nam như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn để không bị tụt hậu và kịp thời nắm bắt cơ hội mà Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại.
Tiếp theo, cần đổi mới giáo dục một cách toàn diện theo hướng thúc đẩy tư duy sáng tạo và đổi mới cũng như liên kết, kết nối giữa những người ở các ngành nghề khác nhau sẽ giúp tăng cường tính hiệu quả, giảm chi phí và có nhiều cơ hội để nảy sinh ý tưởng đổi mới sáng tạo, tiếp cận thị trường và thành công về kinh tế.
Ông Dương nói thêm rằng cơ quan quản lý cũng phải hoàn thiện khung pháp lý nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, quản lý hiệu quả thương mại điện tử và tăng cường hiệu quả công tác thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thực và môi trường số.
“Từ giai đoạn dịch bệnh, chúng ta đã thấy sự phát triển của mô hình nhà hát online, các buổi hòa nhạc tại gia (home concert), những giọng ca tài năng không qua đào tạo. Theo tôi, pháp luật cần phải song hành với đời sống để nâng cao chất lượng quản lý các hình thái biểu diễn mới để nghệ thuật nảy nở và phát triển,” ông nói./.