Tháng Tám này đối với nhiều người hâm mộ trên khắp thế giới là một dấu mốc không thể quên. Vào ngày 31/8 cách đây 25 năm, Công nương Diana – huyền thoại bất tử trong lòng công chúng – đã đột ngột qua đời ở tuổi 36 trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Paris (Pháp).
Tuy 1/4 thế kỷ đã trôi qua, nhưng những câu chuyện hạnh phúc lẫn khổ đau về cuộc đời của bà vẫn là nguồn đề tài bất tận cho lĩnh vực sách báo, truyền hình, điện ảnh hay nhạc kịch.
Vào ngày 13/8, bộ phim tài liệu mới của HBO với tựa đề “The Princess” với đạo diễn là Ed Perkins từng được đề cử Oscar một lần nữa sử dụng các video và âm thanh lưu trữ để nói về cuộc đời của Công nương Diana.
Việc sử dụng các cảnh quay chân thực, cùng những góc nhìn từ người thân thiết với cố công nương đã khiến bộ phim tài liệu mới này nhận được sự quan tâm hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, còn có “Spencer” – một bộ phim về cái kết đầy biến động trong cuộc hôn nhân giữa Thái tử Charles và Công nương Diana hay series phim truyền hình “The Crown” đình đám trên Netflix cũng tập trung vào Công nương Diana trong những phần phim gần đây.
Cũng đã có rất nhiều cuốn sách, vô số bài báo và nhiều chương trình truyền hình đề cập cuộc phỏng vấn gây tranh cãi năm 1995 giữa Công nương Diana và BBC. Thậm chí sân khấu danh tiếng Broadway còn có một vở diễn mang tên “Diana, The Musical.”
[BBC bồi thường người đã vạch trần vụ bê bối phỏng vấn Công nương Diana]
Nhà văn Andrew Morton – tác giả của cuốn tiểu sử năm 1992, lần đầu tiên phơi bày những chia rẽ sâu sắc trong cuộc hôn nhân của Công nương Diana và mối tình bí mật của bà trước khi qua đời – cho biết: “Công nương Diana vẫn còn có tầm ảnh hưởng rất lớn, vẫn còn những bộ phim tài liệu xoay quanh bà tiếp tục được sản xuất, vẫn còn những câu chuyện viết về bà, mọi người vẫn bị hấp dẫn bởi người phụ nữ này. Bà là người có sức hút mãnh liệt, vượt ngoài danh xưng hoàng gia – đó là một con người phi thường.”
Hai năm trước ngày mất vì tai nạn giao thông, Công nương Diana từng phát biểu trên truyền hình rằng bà muốn trở thành nữ hoàng. Tuy nhiên, đó không phải vị trí có được nhờ cuộc hôn nhân với Thái tử Charles, mà bà muốn trở thành nữ hoàng trong lòng người dân.
Bà đã dùng danh tiếng của mình để nâng cao nhận thức về nhiều vấn đề, từ bệnh phong, bạo lực gia đình cho tới sức khỏe tâm thần.
Năm 1987, Công nương Diana đã xuất hiện trên nhiều trang báo với hình ảnh bắt tay một bệnh nhân AIDS – hành động nhằm xóa tan định kiến HIV/AIDS có thể lây khi chạm tay.
Hồi tháng 1/1997, bà đến bãi mìn ở miền Nam châu Phi theo lời mời của Tổ chức Hỗ trợ cuộc sống ở khu vực nguy hiểm (HALO Trust) có trụ sở tại Anh.
Bà cũng đã đến thành phố Huambo ở Angola – đất nước lâm vào nội chiến từ năm 1975 đến năm 2002. Mặc đồng phục của tổ chức từ thiện và đeo kính bảo hộ, Công nương Diana một mình đi bộ qua bãi mìn chưa bị vô hiệu hóa…
Đối với các thành viên Hoàng gia Anh, Công nương Diana vẫn luôn hiện hữu ở khắp mọi nơi, không chỉ riêng với hai con trai của bà – Hoàng tử William (40 tuổi) và Harry (37 tuổi), vốn là những người luôn chia sẻ về những tác động tâm lý mà họ đã trải qua sau cái chết của mẹ.
Khi Công nương Diana qua đời, Hoàng tử William và Hoàng tử Harry mới chỉ 15 và 12 tuổi.
Hoàng tử William chia sẻ: “Mỗi ngày, chúng tôi lại ước rằng mẹ vẫn đang ở bên cạnh mình.”
Trong khi đó, Hoàng tử Harry cho biết: “Tôi cảm thấy sự hiện diện của mẹ trong hầu hết mọi việc tôi đang làm.”
Nhà làm phim Ed Perkins nhận định: “Cái chết của Công nương Diana thực sự là một khoảnh khắc chấn động khi toàn bộ thế giới dường như chỉ tập trung vào sự kiện này. Cuộc hôn nhân và mối tình lãng mạn như cổ tích của bà đã đến với sân khấu cộng đồng và thắp lên trong rất nhiều người những tia sáng hy vọng, về những điều mà họ thực sự yêu thích và muốn dấn thân.”
Trong khi đó, nhà văn Andrew Morton đánh giá: “Liệu Công nương Diana có phải là nữ hoàng trong lòng người dân hay không? Chỉ cần nhìn vào những bằng chứng thực tế. Những núi hoa kia đã chứng minh rằng người dân tưởng nhớ đến bà như thể một người thân trong gia đình mình vậy”./.