Xuân Quý Mão 2023, các lễ hội trên cả nước sẽ trở lại sau thời gian dài “nằm im” để phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, năm nay chắc chắc các lễ hội sẽ thu hút rất đông du khách thập phương, nhân dân cùng tham gia. Các địa phương nơi diễn ra lễ hội đã có những phương án chuẩn bị tốt nhất để đảm bảo lễ hội Xuân diễn ra an toàn, văn minh.
Lượng người du Xuân, trẩy hội sẽ đông hơn mọi năm
Lễ hội khai ấn Đền Trần-Nam Định thường diễn ra dịp đầu Xuân nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm và tưởng nhớ công đức của bậc tiền nhân.
Sau thời gian tạm ngừng do dịch COVID-19, lễ hội năm nay sẽ diễn ra từ ngày 1-6/2/2023 (tức ngày 11-16 tháng Giêng năm Quý Mão), trong đó từ 23 giờ 15 phút ngày 14 tháng Giêng sẽ diễn ra nghi thức khai ấn.
Theo Ban tổ chức, năm nay, lễ hội dự kiến sẽ thu hút lượng khách đông hơn rất nhiều so với mọi năm. Ủy ban Nhân dân thành phố Nam Định khuyến cáo nhân dân, du khách thập phương thực hiện đúng quy định của Ban tổ chức khi tham dự lễ khai ấn và đi lễ đầu năm tại Đền Trần.
Ban tổ chức bố trí 4 điểm phát ấn, lượng ấn sẽ đáp ứng nhu cầu của du khách tham gia xin lộc đầu Xuân. Lực lượng an ninh trật tự, công an đã tập dượt, triển khai các phương án đảm bảo an ninh lễ hội. Sẽ có 5 vòng an ninh được thực hiện trong lễ khai ấn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, du khách thập phương dự lễ hội đầu Xuân.
Lễ hội Xuân Yên Tử năm 2023 sẽ khai hội vào ngày 10 tháng Giêng, năm Quý Mão (ngày 31/1/2023) tại thành phố Uông Bí và kéo dài suốt 3 tháng đầu năm. Dự kiến, năm nay sẽ có hơn 1 triệu phật tử, nhân dân và khách du lịch về Yên Tử trong thời gian lễ hội. Mọi công tác chuẩn bị khai hội Xuân Yên Tử năm 2023 đã hoàn tất. Đây được coi là lễ hội lớn nhất dịp đầu Xuân trong cả nước, trở thành điểm hẹn của du khách đến tham quan, chiêm bái, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị, quảng bá hình ảnh của Khu di tích và danh thắng Yên Tử.
Phần hội năm nay hứa hẹn mang đến cho du khách không khí Xuân mới, vui tươi, phấn khởi với nhiều hoạt động đặc sắc như: Đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ, văn hóa ẩm thực…
Thủ đô Hà Nội với hàng ngàn lễ hội, chủ yếu là vào mùa Xuân, là nơi diễn ra nhiều lễ hội nhất cả nước. Đáng chú ý nhất là Lễ hội chùa Hương năm 2023 (diễn ra từ ngày 23/1 đến ngày 23/4 tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4/3 âm lịch) với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn-văn minh-thân thiện.” Lễ khai hội sẽ diễn ra vào ngày 27/1, tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão…
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2023. Sở đề nghị Ban tổ chức lễ hội không tổ chức tốn kém, lãng phí; không lợi dụng lễ hội để trục lợi. Ban tổ chức lễ hội cần nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan; tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm cấm lưu hành; tổ chức trò chơi có tính chất cá cược, đánh bạc dưới mọi hình thức và hình thức đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực lễ hội. Khu vực lễ hội không quảng cáo bằng loa, đài gây tiếng ồn quá mức quy định…
Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn số 1240/VHCS-NSVH gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão.
[Hà Nội chuẩn bị cho một mùa lễ hội giàu bản sắc và lành mạnh]
Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các Sở Văn hóa-Thông tin; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, biến tướng trong dâng sao giải hạn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội…
Ban tổ chức lễ hội cần xây dựng, triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội. Trường hợp xảy ra ẩu đả, mất an ninh, trật tự trong lễ hội, phải yêu cầu dừng tổ chức cho đến khi ổn định tình hình; có phương án an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch COVID-19. Cục Văn hóa cơ sở đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền về nét đẹp văn hóa, ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội tới cộng đồng và công chúng…
Có phương án tổ chức lễ hội khoa học, hiệu quả
Trao đổi về công tác tổ chức lễ hội Xuân Quý Mão, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ninh Thị Thu Hương nêu rõ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lễ hội chỉ diễn ra phần lễ còn phần hội đông người tham gia gần như bị hạn chế. Năm nay, các địa phương đều có phương án chuẩn bị tổ chức lễ hội truyền thống và chắc chắn sẽ thu hút được số lượng người khá đông tham gia lễ hội, thậm chí là có thể đột biến về số lượng người tham gia cũng như các hoạt động.
Cục Văn hóa Cơ sở đã làm việc với một số địa phương có hoạt động lễ hội còn hiện tượng gây tranh luận cũng như ý kiến trái chiều trong việc tổ chức ở các mùa lễ hội trước đây. Những lễ hội này cần phải có những biện pháp, kế hoạch phương án kịch bản để tổ chức sao cho tốt nhất.
Cục Văn hóa cơ sở đã có văn bản gửi các địa phương, trọng tâm là Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…
Cục Văn hóa Cơ sở đề nghị các địa phương phải căn cứ vào thực tiễn, quy định trong Nghị định 110/2018/NĐ-CP về tổ chức, quản lý lễ hội; sớm thành lập Ban tổ chức, xây dựng kịch bản, phương án tổ chức lễ hội khoa học, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân.
Hiện nay, Cục đã nhận được một số kịch bản, về cơ bản phương án đảm bảo cho người dân tham gia lễ hội đã được các địa phương chú trọng. Cục còn yêu cầu tăng cường các giải pháp về thanh tra, kiểm tra trước và sau lễ hội; nâng cao ý thức và triển khai biện pháp quản lý của chính quyền địa phương.
Trước đó, năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2139/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, để thu thập các thông tin cơ bản nhằm rà soát, đánh giá thực trạng lễ hội ở Việt Nam, phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Việt Nam.
Giai đoạn 1 từ 2021-2022, cơ quan chức năng tiến hành điều tra, thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam; đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam; số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội truyền thống.
Giai đoạn 2 từ 2023-2025, các bên liên quan sẽ tiến hành số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về lễ hội Việt Nam; đào tạo tập huấn khai thác sử dụng phần mềm; duy trì, vận hành. Mục tiêu cụ thể của Đề án nhằm số hóa 100% dữ liệu các loại hình lễ hội truyền thống…
Bà Ninh Thị Thu Hương chia sẻ đơn vị vừa hoàn thành cổng thông tin điện tử liên quan tới cơ sở dữ liệu về lễ hội, hệ thống hóa tất cả các lễ hội trên toàn quốc. Cổng thông tin điện tử hoạt động, mọi người có thể truy cập tất cả các thông tin của các lễ hội gần như là tổng thể lễ hội các cấp. Các địa phương cần phải căn cứ vào số lượng lễ hội hiện nay của địa phương để đưa ra biện pháp phân cấp quản lý.
Bà Ninh Thị Thu Hương cho rằng các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hoá truyền thống thể hiện hoạt động lễ hội Xuân cũng như thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự Phật giáo.
Các di tích, Ban quản lý các lễ hội cần phải xem xét và quan tâm đến cơ sở vật chất ở những nơi tổ chức lễ hội để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn ở địa phương.
Trước đó, vào tháng 12/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn số 5256/ BVHTTDL-VP về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch mừng Xuân Quý Mão 2023. Công văn nêu rõ địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui Xuân, kỷ niệm ngày truyền thống… thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.
Việc tổ chức lễ hội truyền thống phải theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Mặt khác, các đơn vị chức năng cần phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội, di tích; vận động, thuyết phục người dân, du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội./.