Tôi hẹn gặp đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama vào một trưa mùa Thu tại Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội). Anh đến đúng giờ, chuẩn tác phong của một người Nhật. Thong thả gạt chân chống chiếc xe đạp, anh mỉm cười: “Tôi vừa đi vừa ngắm phố cổ. Trời Thu Hà Nội thật đẹp…”
Tranh thủ thời gian trước giờ tập, đạo diễn trò chuyện với tôi về 6 năm làm việc với các nghệ sỹ sân khấu Việt Nam. Anh say sưa với viễn cảnh xây dựng một diện mạo nghệ thuật trẻ trung dành cho khán giả trẻ và thanh thiếu nhi tại đây.
Tìm cách kể chuyện cho khán giả trẻ
– Chào đạo diễn Sugiyama, trước tiên anh hãy kể về cơ duyên của mình với sân khấu Việt Nam?
Đạo diễn Sugiyama: Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là năm 2016, nhân dịp Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm lần thứ III. Tôi đã mang vở “Chim hải âu” (Chekhov) đến tham dự liên hoan và giành giải Nhất.
[Liên hoan sân khấu thử nghiệm: ‘Điểm hẹn’ của những màu sắc mới lạ]
Đây là một tác phẩm kinh điển được chúng tôi đã dàn dựng lại theo một phong cách hiện đại hơn. Tôi còn nhớ, sân khấu lúc đó chật kín khán giả, rất đông trong số đó là khán giả trẻ.
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ lúc đó là ông Trương Nhuận đã mời tôi tham gia một buổi giao lưu với nghệ sỹ của nhà hát, tiếp đó là lời mời hợp tác với nhà hát để dựng vở “Cậu Vanya.” Kể từ đó, tôi có 4 năm gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ (2016-2020) ở vai trò đạo diễn và cố vấn nghệ thuật.
Dần dần, tôi quyết định gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ nói riêng và sân khấu Việt Nam nói chung thông qua việc giới thiệu những cách thể hiện mới, phù hợp với khán giả trẻ.
– Thời gian đầu làm việc tại Việt Nam, anh có gặp những khó khăn nào hay không? Và làm thế nào để anh vượt qua chúng?
Đạo diễn Sugiyama: Khó khăn lớn nhất là ngôn ngữ. Thứ hai là cách giao tiếp và phong cách sống Nhật Bản-Việt Nam cũng có chút khác biệt.
Để khắc những khó khăn này, trước tiên là tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo và tập thể diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ. Bên cạnh sự khác biệt thì giữa chúng tôi cũng có nhiều điểm tương đồng. Có lẽ đó là bởi nền giáo dục về nghệ thuật sân khấu Việt Nam theo trường phái của Nga và may mắn là tôi cũng đã học đạo diễn tại Nga. Do đó, chúng tôi làm việc với nhau khá suôn sẻ.
Gieo mầm cảm xúc
– Hiện nay, anh đang dựng vở “Hedda Gabler” cho Nhà hát Tuổi trẻ. Anh có thể chia sẻ đôi chút về quá trình thực hiện vở diễn này?
Đạo diễn Sugiyama: Tôi đã dành đến vài tuần để các diễn viên tự thể hiện vai của mình. Hiện tại, chúng tôi đang cùng nhau khám phá tác phẩm.
Thông thường, đạo diễn sẽ chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên, nhưng tôi trao cơ hội cho các diễn viên để họ có thể tự tìm hiểu và cảm nhận về nhân vật, giống như gieo những hạt mầm cảm xúc vào tâm hồn và sau đó, họ sẽ tự nảy nở những suy nghĩ và cách xử lý của riêng mình. Cá nhân tôi luôn tôn trọng sự sáng tạo của diễn viên. Trong quá trình tập, họ còn dạy lại cho tôi rất nhiều điều.
– Anh có thể kể một kỷ niệm hay một ấn tượng nào đó khi làm việc với các nghệ sỹ Việt Nam?
Đạo diễn Sugiyama: Có một kỷ niệm mà tôi không thể quên được. Đó là lúc dựng vở “Cậu Vanya,” đôi khi tôi cũng thấy bế tắc, không nghĩ ra cách nào để có thể diễn tả ý tưởng của mình hay tìm ra hướng đi ở một phân cảnh nào đó. Tôi phát cáu và bực dọc với mọi người. Các diễn viên cũng rất mệt mỏi, căng thẳng nhưng không ai tỏ thái độ khó chịu mà ngược lại, họ kể chuyện cười, nói vài câu bông đùa để tôi và tất cả cùng cười vui vẻ. Rồi chúng tôi cùng vượt qua những lúc khó khăn đó. Đây là trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, thú vị, mà tôi chưa từng thấy trước đây khi ở Nhật.
Tôi nghĩ đây là điều đặc biệt trong tính cách của người Việt Nam. Ngay cả khi ở trong tình huống khó khăn, mọi người không bao giờ bị xuống tinh thần mà ngược lại, họ dùng tiếng cười, sự hài hước, lạc quan để vượt qua. Điều này khiến tôi thực sự thấy thoải mái, dễ chịu khi làm việc ở đây. Chính tinh thần Việt Nam truyền cảm hứng cho tôi tìm ra hướng đi trong sáng tạo của mình.
– Với kinh nghiệm làm việc với nhiều nhà hát trên thế giới, anh có đánh giá như thế nào về nghệ thuật biểu diễn Việt Nam hiện nay?
Đạo diễn Sugiyama: Sân khấu kịch đương đại, thể nghiệm đang rất phát triển tại Việt Nam. Tôi rất ấn tượng với các tác phẩm của đạo diễn Trần Lực. Anh ấy có khá nhiều quan điểm nghệ thuật tương đồng với tôi.
Các diễn viên luôn truyền cho tôi nguồn năng lượng tích cực. Họ có tài năng không thua kém đội ngũ nghệ sỹ ở những nước khác. Chỉ có điều đạo diễn, những người làm quản lý cần truyền động lực cho họ, để họ cảm thấy nghề nghiệp của mình có có ý nghĩa, có giá trị thì chắc chắn là điều đó sẽ thúc đẩy họ cống hiến hơn nữa.
– Kể từ khi bắt đầu sang Việt Nam đến nay đã 6 năm, anh thấy sự quan tâm của khán giả dành cho sân khấu kịch có thay đổi như thế nào?
Đạo diễn Sugiyama: Tôi nghĩ khán giả ngày nay có nhiều lựa chọn để giải trí như phim ảnh, ca nhạc, YouTube, đôi khi những nội dung này còn được cung cấp miễn phí nên nhiều người sẽ không bỏ tiền ra mua vé xem kịch.
Song, kịch có ngôn ngữ hấp dẫn riêng. Chẳng hạn, để diễn tả tình yêu, bạn sẽ thấy những lời nói, cử chỉ, hành động của diễn viên thể hiện rất rõ trên phim. Sân khấu kịch lại có những cách kể chuyện và hình ảnh ẩn dụ khác.
Trong vòng hai năm qua, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Ở thời điểm này, các nhà hát đang tập trung sản xuất rất nhiều vở mới. Tôi tin tưởng rằng sân khấu kịch Việt Nam sẽ phát triển rất rực rỡ trong tương lai gần./.
Ông Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng đạo diễn Sugiyama có khả năng chuyên môn vững vàng, hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật và tình cảm gắn bó đặc biệt với sân khấu Việt Nam. “Anh ấy có mong muốn đóng góp nhiều hơn cho sân khấu Việt Nam. Sugiyama đang có nhiều kế hoạch và dự án giáo dục thông qua kịch nghệ dành cho trẻ em và thanh thiếu niên,” ông Sĩ Tiến nói. |