Hàng năm, cứ vào dịp Quốc khánh, người dân huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình lại tấp nập cờ hoa, áo mới vui Tết Độc lập.
Bên cạnh đó là Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, nét đẹp văn hóa độc đáo mà người dân Lệ Thủy luôn tự hào mỗi khi nhắc đến.
Tết độc lập gắn liền với bơi đua
Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nổi tiếng từ lâu với những làng nghề truyền thống độc đáo như làng nón lá Quy Hậu, làng rượu Tuy Lộc, làng chiếu cói An Xá hay những điệu hò khoan thắm đậm tình quê…
Đặc biệt đây cũng chính là nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh những điều đó, ít ai biết rằng Lệ Thủy được xem là nơi đón Tết Độc lập lớn nhất ở nước ta.
Lệ Thủy có dòng sông Kiến Giang thơ mộng, là nơi nuôi dưỡng, tắm mát và tạo kế mưu sinh cho biết bao thế hệ người dân nơi đây.
Nói về sông Kiến Giang, đây là một phụ lưu của sông Nhật Lệ, dài khoảng 58km. Dòng Kiến Giang bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, qua vùng núi An Mã, chở nặng phù sa cho đồng bằng hai huyện là Lệ Thủy và Quảng Ninh sau đó nhập vào phá Hạc Hải rồi đổ ra sông Nhật Lệ.
Dù là một con sông nhỏ, nhưng Kiến Giang chính là nơi để hàng chục đò bơi tranh tài mỗi khi đến dịp Tết Độc lập. Đây cũng chính là khởi nguồn cho việc người dân nơi đây đón Tết Độc lập rất lớn.
Ngày nay, ắt hẳn mỗi người đều đã từng nghe đến Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, lễ hội lâu đời được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo nhiều người lớn tuổi kể lại, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang đã từ xa xưa, xuất phát từ hội bơi, đua của làng với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời thi thố sức trai, sức gái để chuẩn bị vật lộn với mùa mưa bão, chế ngự thiên nhiên.
Ông Nguyễn Chí Khoanh, năm nay đã ngoài 80 tuổi (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy) kể rằng ngày xưa mỗi lần chuẩn bị cho lễ hội, người dân trong làng thường lên rừng tìm kiếm những cây gỗ lớn về để làm thuyền.
Thời đó, bơi đua giữa các làng cũng chỉ có mục đích cầu mưa thuận, gió hòa chứ không đặt nặng hơn, thua như bây giờ.
“Ngày đó đò bơi do thợ làng đóng, trai làng bơi, ai có gì góp đó, mỗi người mỗi ít để tham gia lễ hội. Qua nhiều năm, tính chất bây giờ cũng có sự khác đi, các làng đầu tư rất mạnh cho lễ hội bơi đua. Ai cũng muốn đạt hạng cao để dân làng nở mày nở mặt,” ông Khoanh chia sẻ.
Nói thêm về lịch sử dòng Kiến Giang, ông Khoanh cho hay, trước đây từng có những thời điểm sông Kiến Giang cạn trơ đáy, có thể đi bộ từ bờ bên này sang bờ bên kia, lễ hội bơi đua cũng như nước sông Kiến Giang, lúc vơi lúc đầy.
Nhưng tuyệt nhiên, tinh thần, nhiệt huyết của người dân nơi đây vẫn đong đầy, luôn hướng về dòng sông, hướng về lễ hội.
Sau này, trải qua thời gian phát triển, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang cũng dần gắn với dịp Quốc khánh mồng 2/9 hàng năm.
Bơi đua ở Lệ Thủy rất bài bản, đò bơi phải trải qua nhiều đợt bơi đua như bơi xã, bơi cụm, bơi vòng bảng rồi mới đến ngày bơi chính thức vào đúng ngày Quốc khánh.
Với việc có gần 30 xã, thị trấn, trong đó có khoảng phân nửa xã nằm bên sông, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang có sự tham gia của đông đảo đò bơi đến từ các làng, xã nơi sông Kiến Giang chảy qua.
Sau 2 năm nghỉ ngơi vì đại dịch COVID-19, dòng Kiến Giang cũng đã nhộn nhịp trở lại. Năm nay lễ hội có sự tham gia của 24 đò bơi, đây là một trong những năm có số lượng đò bơi đông nhất tham gia. Bởi vì đã vắng bóng 2 năm trời, nên năm nay khi lễ hội quay trở lại, người dân Lệ Thủy lại càng háo hức, mong chờ hơn.
Từ độ giữa tháng 8, khi các đò bơi bắt đầu tập luyện, làm dậy sóng dòng Kiến Giang thì với người dân nơi đây, mỗi ngày trôi qua đều là lễ hội.
Đua bơi độc đáo
Ở Lệ Thủy, đò bơi được đóng bằng gỗ, cách đóng thuyền của mỗi làng mỗi khác, có bí quyết riêng và không ai giống ai. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng làm nên sự hấp dẫn và thành bại của mỗi đội đua.
Mỗi làng, xã tham gia giải đều trong coi đò bơi rất cẩn thận, không dễ gì mà người làng khác được đến gần.
Thợ đóng thuyền trong huyện Lệ Thủy chỉ có vài người có tiếng như ông Phi, ông Thể… thường được mời về đóng riêng cho từng làng. Nhưng không hẳn đóng xong là đã xong, bởi còn đoạn nêm đò.
Giữa đò bơi có một cây tre đặt dọc, nối các chỗ ngồi của trai bơi với đáy thuyền. Thợ giỏi sẽ biết nêm đò làm sao để đò đi được hay và “lướt” hơn (theo người dân địa phương thì đây là việc rất quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến độ hay, dở của đò bơi).
Kinh phí bơi đua thường được người dân trong làng, xã cùng nhau quyên góp. Từ việc đóng đò cho đến từng bữa cơm của trai bơi, gần như mọi thứ đều đến từ tấm lòng và sự đoàn kết của bà con.
Trai bơi phải là những người vừa khỏe mạnh, vừa dai sức nhất làng để có thể “chiến” được đường trường bởi thông thường cự ly bơi trong lễ hội là khoảng 24km.
Là một trong những trai bơi lâu năm của làng Quy Hậu (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy), anh Nguyễn Văn Thắng cho biết, bơi đua là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố khác nhau nên rất khó đoán được kết quả.
“Lúc tập luyện rất khác với lúc bơi thật, nhiều khi lúc tập luyện thì các trai bơi rất đều, rất hay, đò đi rất nhanh. Khi vào cuộc đua chính thức, do áp lực tâm lí, kỳ vọng từ bà con xóm làng khiến cho anh em trai bơi không làm tốt được như kỳ vọng.
Nhưng đã là trai bơi của làng, một khi lên đò bơi, tay cầm mái chèo thì luôn quyết tâm, làm hết sức mình để mang vinh quang về cho làng. Ít ra không đạt kết quả cao thì cũng chiến thắng trong lòng dân làng,” anh Thắng chia sẻ.
Trong dàn trai bơi, người chèo lái, người ngồi mũi và người gõ mõ là ba người quan trọng nhất. Trong đó, người chèo lái có nhiệm vụ điều khiển con thuyền, hướng đò đi làm sao lách được qua những đò bơi khác mà không bị va chạm. Người ngồi mũi lại phải làm sao để lúc “trở” thì phải ôm trọn vòng “trở” và phải “trở” sao cho nhanh nhất để lấy lợi thế.
Người quan trọng cuối cùng là người gõ mõ. Mõ thường được làm bằng gốc tre già, phơi khô rồi đục cho rỗng ruột, từ đó gõ vào có tiếng vang. Người gõ mõ chính là người cầm nhịp cho đò bơi. Điều khiển độ nhanh, chậm nhịp ra chầm của trai bơi qua tiếng mõ và lời hô.
Điều đặc biệt ở đua bơi Lệ Thủy đó là không phải cứ đò bơi mạnh, được đánh giá cao thì sẽ luôn giành kết quả tốt. Bởi ngoài sức trai, đò bơi hay thì còn cần sự tính toán đi như thế nào, kết hợp các bài bơi ra sao. Nhiều đò bơi dù mạnh, nhưng trong lúc tập luyện sẽ không bung hết sức (người dân thường gọi là giấu bài hay giấu “mực”) để tránh bị các đò bơi khác để ý và “chèn,” gây khó dễ trong cuộc đua chính thức.
Với người dân nơi đây, đua bơi là danh dự, là máu thịt, là một phần truyền thống không thể thiếu. Vậy nên các làng, xã tham dự giải đều rất nghiêm túc và quyết tâm để có thể đạt được kết quả cao. Nếu kết quả không tốt thì cũng phải thể hiện được độ chơi “đẹp” và tinh thần không nản chí của mình.
Khi các đò bơi đua nhau dưới sông thì trên bờ cũng là lúc các cổ động viên “bơi cạn.” Cổ động viên thường đi theo làng, xã để cổ vũ cho đò bơi của mình.
Đò bơi mỗi khi đi qua địa phận của làng, xã mình thì đều gắng sức, có người còn đứng cả lên để “cuốc” cho nhanh. Bà con hò hét đến mất cả tiếng, tay liên tục “ngoắt” đò bơi làng mình.
Dù ganh đua nhau từng chút một, nhưng có một điều lạ là bất kể đò bơi nào cũng được cổ vũ, không phải chỉ đò bơi của làng thì dân làng mới cổ vũ.
Bất kỳ đò bơi nào đi qua cũng nhận được sự cổ vũ nhiệt thành từ người xem hai bên bờ sông. Đây cũng là nét đẹp văn hóa làm nên tính nhân văn và trọng võ của người Lệ Thủy.