Không nên cố bắt chước để trở thành bất cứ tên tuổi lớn nào đã đạt được thành công trước đó, mà hãy đi xây dựng căn cước của chính mình.
Đây là ý kiến của nhà phê bình điện ảnh, thành viên Ban giám khảo Netpac người Pháp – ông Max Tessier tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) năm nay. Ông dành cho phóng viên VietnamPlus một số chia sẻ riêng.
Trước câu hỏi ông có thể đưa lời khuyên nào cho Liên hoan phim quốc tế Hà Nội để phát triển thành một tên tuổi quen thuộc, đáng chú ý trong khu vực, nhà phê bình Max Tessier nói: “Với những liên hoan phim như HANIFF, các bạn nên tập trung vào xây dựng danh tính, bản sắc riêng của mình, không phải cố gắng để cạnh tranh với các liên hoan phim lớn như Tokyo, Busan hay những bộ phim tốt nhất.”
[Phim tài liệu về cô bé H’mong và tục kéo vợ ‘hút’ khán giả tại HANIFF]
Ông cho rằng dù rất khó để có lời khuyên cụ thể, chi tiết, nhưng điều quan trọng nhất là liên hoan phim phải tiếp tục được duy trì, thu hút càng nhiều phim hay và khán giả đại chúng đến rạp càng tốt, quan trọng là để lại dấu ấn riêng của chính liên hoan phim đó.
Hiện nay trong khu vực có Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) được coi là liên hoan phim lớn nhất tại châu Á và đã nổi tiếng thế giới. Theo đánh giá của ông Tessier, Liên hoan phim Tokyo, Hong Kong… cũng đều đã là các tên tuổi lớn, đã vươn đến tầm quốc tế, có khả năng tài chính đủ để tạo nên một liên hoan phim hoành tráng và thu hút nhiều tác phẩm-tác giả nước ngoài.
Netpac – giải thưởng mà ông Max Tessier là thành viên Ban giám khảo – là mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á. Giải thưởng Netpac sẽ tìm ra bộ phim châu Á có triển vọng để có thể vinh danh. Tại HANIFF năm nay, phim tranh giải Netpac là 7 tác phẩm nằm trong số 11 phim dài dự thi.
Ông Max Tessier nhận định với năm 2022 này, loạt phim tranh giải thưởng Netpac đều rất khác biệt. Đó là điều tốt vì trong một liên hoan phim càng có sự đa dạng như vậy thì chương trình sẽ càng đặc sắc và có sức cạnh tranh cao.
“Có bộ phim tranh giải của Myanmar làm về những ảo ảnh giữa thực và mơ của một biên kịch; khác biệt với phim của Sri Lanka về năm người đàn ông làm nghề đánh cá trên biển tranh nhau một thứ “đồ chơi người lớn”; hay bộ phim từ Ấn Độ thì lại vô cùng đậm chất thơ văn… Điều đó là rất tốt. Tôi cho rằng liên hoan phim cần có sự đa màu sắc như vậy,” ông Tessier điểm qua một số phim đã xem.
Tối ngày 12/11, Lễ bế mạc HANIFF sẽ công bố người thắng cuộc tại các hạng mục, trong đó có giải thưởng Netpac.
Ông Max Tessier là một nhà phê bình điện ảnh và sử học người Pháp, chuyên về điện ảnh châu Á và Nhật Bản, là thành viên của hội đồng tuyển chọn phim của Liên hoan phim Cannes từ năm 1983-2000. Ông cũng là tác giả cuốn sách “Image du cinéma Japonais” (tạm dịch: Hình ảnh trong điện ảnh Nhật Bản) và có kinh nghiệm làm giám khảo, cố vấn nhiều liên hoan phim khác tại châu Âu và châu Á. Bên cạnh ông Max Tessier, các thành viên Ban giám khảo Netpac còn có nhà báo, nhà phê bình Ranjanee Ratnavibhushana (Sri Lanka) – Trưởng Ban giám khảo và đạo diễn Lương Đình Dũng (Việt Nam)./. |