Chiều 25/12, triển lãm mỹ thuật “Dấu xưa văn hiến” do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Triển lãm đã mang đến cho công chúng Thủ đô và du khách những góc nhìn về di sản văn hóa dân tộc với phương pháp thể hiện đặc sắc.
Triển lãm “Dấu xưa văn hiến” chuyển tải niềm đam mê với di sản văn hóa dân tộc nói chung, với Văn Miếu-Quốc Tử Giám nói riêng của các họa sỹ trẻ – những người luôn tâm huyết việc gìn giữ và phát huy giá trị cho các di sản, nối tiếp mạch nguồn của văn hiến dân tộc.
Triển lãm giới thiệu 19 tác phẩm của 8 nghệ sỹ được sáng tác theo nhiều phong cách, chất liệu đa dạng với bút pháp mới về những giá trị văn hiến. Tác giả Vũ Xuân Đông với tác phẩm “Cổ thư 1” và “Cổ thư 2” được sáng tác trên chất liệu hộp đồng và sơn mài có thể tương tác với người xem. Tác phẩm được trưng bày như một cuốn sách mở ra cho ta hồi tưởng về những giá trị truyền thống của người Việt như kiến trúc, điêu khắc, lễ hội, đời sống sông nước, hoa văn cổ, mây nước cỏ cây xưa…
Tác giả Nguyễn Đức Hùng thể hiện 3 tác phẩm bằng chất liệu, thủ pháp bút sắt và khói trên giấy dó truyền thống, tạo hiệu ứng thẩm mỹ phong phú, đa dạng và mở gợi nhiều liên tưởng táo bạo, độc đáo đến người xem về thế giới.
[Cấp phép triển lãm mỹ thuật: Cơ chế nào để nghệ thuật thăng hoa?]
Tác giả Phạm Hùng Anh sáng tác theo loại hình khắc gỗ với tác phẩm “Bóng nước,” cho người xem thấy hình ảnh khác của Khuê Văn Các qua cách nhìn cá nhân hay hình ảnh lều và lọng gợi nên nét văn hóa xưa về khoa bảng.
Tác giả Lê Thị Thanh tạo hình bằng bút pháp tổng hợp: In độc bản, in nổi, in lưới cho thấy một Văn Miếu-Quốc Tử Giám đặc biệt được tạo hình bởi những hoa văn, kiến trúc tiêu biểu…
Mỗi tác phẩm là một cách nhìn độc đáo về giá trị của di sản, tạo nên những xúc cảm đặc biệt đối với khách tham quan. Qua triển lãm, người xem hiểu thêm, cảm nhận sâu sắc những giá trị văn hóa của các thế hệ trước lưu lại cho hiện tại và tương lai, từ đó thêm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc, tiếp thêm động lực trong cuộc sống hôm nay.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến là nơi kết tinh những giá trị văn hiến của dân tộc gắn với đạo học, với ngôi trường Quốc học đầu tiên của Việt Nam. Tất cả những giá trị sâu lắng ấy đã trở thành nguồn cảm hứng đặc biệt với những nghệ sỹ mong muốn tạo nên các tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống đương đại, song vẫn mang đậm những dấu ấn xa xưa. Đó cũng là một xu hướng mà Văn Miếu-Quốc Tử Giám đang hướng tới, là trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, một không gian sáng tạo của thành phố Hà Nội, nơi bảo tồn, tôn vinh những di sản văn hóa của dân tộc một cách sáng tạo, độc đáo nhất.
“Dấu xưa văn hiến” cùng với nhiều triển lãm, trưng bày khác được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ đem lại cho khu di tích một sức sống mới, một diện mạo mới. Đó là cách tốt nhất để phát huy giá trị di tích, nuôi dưỡng tình yêu và sự trân trọng đối với di sản quý giá, đồng thời cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của các thế hệ đương thời đối với những thế hệ mai sau trong việc tiếp tục bồi đắp các giá trị đương đại cho những lớp trầm tích văn hiến của dân tộc.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 5/2/2023./.