Để có được thước phim quay cảnh máy bay B52 của Mỹ bốc cháy rực trời Hà Nội năm 1972, nhà báo-nghệ sỹ ưu tú Phạm Việt Tùng đã phải tính toán rất kỹ và dành nhiều ngày đi tìm địa điểm đủ cao để đặt máy quay phim.
Quá trình tác nghiệp gian nan của nhà báo Phạm Việt Tùng (Đài Tiếng nói Việt Nam) được ông chia sẻ trong khuôn khổ triển lãm “Báo chí xung trận Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” khai mạc ngày 15/12 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Suốt cuộc đời cống hiến cho nghề báo, ông đã để lại những thước phim tư liệu vô giá cho lịch sử dân tộc.
[Vinh danh những phi công trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”]
Theo nhà báo Phạm Việt Tùng, để quay được hình ảnh B52 bay trong quá trình bay và khi bị bắn hạ, người phóng viên phải tính toán rất kỹ bởi B52 luôn bay ở độ cao lớn, thường bay vào ban đêm, đặc biệt là trời mùa Đông năm 1972 nhiều mây và sương.
“Buổi sáng, chúng tôi phải đi tìm các tòa nhà cao tầng để có thể đặt máy quay. Thời điểm đó ở Hà Nội nhà cao tầng rất ít. Phóng viên cũng phải biết được hướng tên lửa bay lên, vì thế phải tính toán tìm điểm cao nhất để quay. Chập tối, nghe tin máy bay địch còn cách thành phố 100km là ngay lập tức, chúng tôi có mặt ở địa điểm đã chuẩn bị trước để trực chiến,” nhà báo Phạm Việt Tùng kể.
Ông cho hay lực lượng phóng viên thời đó rất mỏng, vì phải chia ra hai cánh sẵn sàng tác nghiệp tại Hà Nội và một nhóm khác đi sơ tán, để bảo vệ các máy móc thiết bị.
“Việc đi sơ tán nhằm bảo toàn lực lượng, nếu phóng viên quay phim ở chiến trường không may hy sinh thì còn có người khác thay thế,” nhà báo Phạm Việt Tùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho hay báo chí đã tác động trực tiếp vào việc giành thắng lợi trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, góp phần buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris và rút khỏi Việt Nam đồng thời là cơ sở đặt dấu chấm hết cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào ngày 30/4/1975.
Những hình ảnh, bài báo phản ánh chân thực việc Mỹ xâm phạm bầu trời, lãnh thổ Việt Nam, ném bom gây thiệt hại về người và nhà cửa đã góp phần tạo nên thành công của công tác thông tin đối ngoại, đưa thông tin ra thế giới, giúp cho phong trào phản chiến trên thế giới được diễn ra mạnh mẽ, hơn bao giờ hết.
“Giữa lúc các tên lửa phòng không và pháo cao xạ của ta nối đuôi nhau bay lên không trung, làm rực sáng bầu trời đêm Hà Nội và một số địa phương khác, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ thì những mũi tiến công của báo chí đã truyền tải thông tin chính xác, kịp thời, tích cực động viên, cổ vũ quân và dân ta chiến đấu và chiến thắng,” ông Nguyễn Đức Lợi nói.
Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, qua triển lãm lần này, công chúng sẽ hiểu rằng đằng sau những thước phim, những hình ảnh lịch sử là những mất mát, hy sinh của các nhà báo, những người làm nên chiến thắng chung của dân tộc.
Để chuẩn bị nội dung triển lãm, các cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tìm kiếm, lên danh sách những nhà báo (Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam…) tác nghiệp vào thời điểm lịch sử để tìm kiếm những bức ảnh, video mà các nhà báo ghi lại được trong thời gian đó.
Ngoài ra, Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn sưu tầm lựa chọn những ấn phẩm, tài liệu gốc là các tờ báo được phát hành trong 12 ngày đêm lịch sử, những tờ báo đưa tin chiến thắng đến mọi miền Tổ quốc và bạn bè quốc tế.
Theo thạc sỹ Thân Quang Minh, cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nội dung trưng bày giúp công chúng được nghe các câu chuyện từ chính những người trong cuộc kể lại về thời gian tác nghiệp đầy gian khó, hiểm nguy đó.
“Triển lãm có các hiện vật như máy ảnh, đồ dùng tác nghiệp của các nhà báo vào thời điểm đó, những đồ dùng được chế tạo từ xác máy bay, có một khu vực riêng nói về sự ủng hộ của báo chí thế giới đối với Việt Nam,” thạc sỹ Thân Quang Minh thông tin thêm.
Triển lãm kéo dài đến hết tháng 1/2023 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Dương Đình Nghệ, Hà Nội./.