Chiều 3/11, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hãng đấu giá Millon (Pháp) chuẩn bị đưa ra đấu giá ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) cùng một số cổ vật khác có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: về việc này, báo chí Việt Nam đã đưa tin.
Trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các, bộ, ngành liên quan trao đổi với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, lãnh đạo tổ chức UNESCO và công ty tổ chức đấu giá để xác minh thông tin, tạm dừng cuộc đấu giá.
Ngày 31/10 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã thông tin cho biết, phiên đấu giá đã được dời lại tới ngày mùng 10/11 tới.
“Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tìm kiếm các khả năng và triển khai biện pháp cần thiết để có thể đưa cổ vật về nước,” Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết.
[Huy động nguồn lực hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo về nước sớm nhất]
Trước đó, theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 31/10 vừa qua, tại thủ đô Paris, Hãng đấu giá Millon đã mở các phiên bán đấu giá trên 300 cổ vật và tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam, hoặc liên quan đến Việt Nam.
Trong số này có gần 100 cổ vật là bình, bát, đĩa sứ, chai lọ, lư hương, tượng đồng… có niên đại từ thế kỷ XVIII, XIX; hơn 150 tác phẩm nghệ thuật tranh lụa, sơn dầu, sơn mài của nhiều cố họa sỹ nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Lê Phổ, Mai Trung Thứ… và khoảng 50 đồ vật chạm khảm.
Nhiều cổ vật quý triều Nguyễn như huân chương, huy chương, phù hiệu, đồng tiền, chén vàng… của vua Minh Mạng, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại cũng được đưa ra đấu giá lần này; trong đó đặc biệt có chiếc Kim ấn “Hoàng đế chi bảo” của vua Minh Mạng và chiếc bát vàng thời vua Khải Định mang giá trị cao.
Riêng chiếc Kim ấn bằng vàng, nặng hơn 10kg, đúc năm 1823 dưới triều vua Minh Mạng (1820-1841), biểu tượng cho quyền lực tối cao của Thiên hoàng trong chế độ quân chủ của nhà nước phong kiến Việt Nam, có giá chào bán ban đầu khoảng 2-3 triệu euro. Tuy nhiên, “do sự quan tâm mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam đối với bảo vật này nên ngày đấu giá sẽ dời đến 12 giờ trưa 10/11 tới,” theo thông báo từ đại diện Hãng đấu giá Millon.
Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã làm việc với các bên liên quan đến việc bán đấu giá Kim ấn “Hoàng đế chi bảo” của vua Minh Mạng.
Đại diện Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, hậu duệ của các vua chúa nhà Nguyễn là tổ chức kế thừa chính thức những nghĩa vụ của vương triều Nguyễn, cũng đã có văn bản gửi hãng đấu giá Millon, yêu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật là Kim ấn triều Nguyễn và bát vàng của vua Khải Định./.