Theo thông tin từ gia đình, họa sỹ Trịnh Tú, một gương mặt được trân quý của nền mỹ thuật Việt Nam, đã qua đời vào lúc 23 giờ 36 phút ngày 10/8 sau khoảng thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư.
Trịnh Tú sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông là con trai của họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997) – người còn được biết đến là một nhà thiết kế nội thất và làm đồ gỗ hiện đại đầu tiên ở Việt Nam với thương hiệu MEMO vang danh.
[Trả nghiệp cho hội họa: Trịnh Tú Emotion – Nhẹ như là… cảm xúc]
Họa sỹ Trịnh Tú là con thứ 10 trong số 12 người con của cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc. Các anh, em của họa sỹ Trịnh Tú cũng là những tên tuổi trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ: Dịch giả, họa sỹ Trịnh Lữ (tên thật Trịnh Hữu Tuấn), người đã dịch “Rừng Na Uy”, “Đại gia Gatsby”; nghệ sỹ piano Trịnh Thị Nhàn với tiếng đàn đã đi vào thơ của Phan Vũ – “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”; họa sỹ Trịnh Trí…
Họa sỹ Trịnh Cẩm Nhi, con gái của họa sỹ Trịnh Tú, cũng theo đuổi nghệ thuật hội họa từ khi còn rất trẻ. Cô tốt nghiệp loại xuất sắc tại Học viện Mỹ thuật Roma, Italy và đã có triển lãm cá nhân tại Casa Italia, Hà Nội năm 2020.
Họa sỹ Trịnh Tú từng học dở dang Đại học Mỹ thuật, có nhiều năm công tác tại báo Lao Động với vai trò vẽ tranh minh họa cho báo. Ngoài ra, ông còn là một cây bút phê bình mỹ thuật, cộng tác với nhiều tờ báo có tiếng. Ngoài hai triển lãm cá nhân, họa sỹ Trịnh Tú còn góp mặt trong một số triển lãm nhóm tác giả.
Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, họa sỹ Trịnh Tú từng vẽ giải phẫu ở nhà thương, rồi vẽ minh họa sách báo, viết phê bình mỹ thuật, vẽ biếm…
“Ngần ấy năm tháng đằng đẵng nhưng cũng chỉ mới chạm vào vẽ thôi, ngần ấy năm tháng trăn trở băn khoăn chính là tự vấn, tự hỏi mình một câu hỏi duy nhất và muôn thuở hội họa là gì? Nói chính xác, với chính mình thì hội họa là gì? Với họa sỹ Trịnh Tú, khi đã có câu hỏi, khi đã qua vũ môn cực nhọc ấy thì hôm nay vẽ sẽ là một điều giản dị và thuận tự nhiên,” họa sỹ Lê Thiết Cương nhận xét.
Cho nên xem tranh Trịnh Tú, người ta không còn bị thấy những nỗ lực, những cầu kỳ, những khổ ải, những “hành nghề.”
“Khi cực nhọc đã nằm ở đoạn trường đi tìm câu hỏi thì câu trả lời của Trịnh Tú trở nên đầy thong thả, đầy chia sẻ, an lành,” họa sỹ Lê Thiết Cương nhận định.
Sự ra đi của họa sỹ Trịnh Tú khiến người thân, bạn bè và đồng nghiệp bàng hoàng, thương tiếc./.
Xem lại một số tác phẩm của họa sỹ Trịnh Tú: