Ngày 11/9, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (1962-2022) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh dấu mốc 60 năm là điểm tựa để Học viện Báo chí và Tuyên truyền kế thừa và phát huy truyền thống, bề dày kinh nghiệm, quyết tâm phấn đấu xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh; tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò của một trường đại học trọng điểm, là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các ngành tư tưởng-văn hóa, báo chí-truyền thông cho toàn hệ thống chính trị.
Ông Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu giảng viên học viện không chỉ làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức chuyên môn, kỹ năng và nghiệp vụ cho học viên, sinh viên mà còn cần phải tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trách nhiệm trước Đảng, đất nước và dân tộc, cho thế hệ trẻ và toàn xã hội.
Đề cập đến những thách thức và áp lực của thị trường, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh rằng học viện tuyệt đối không để diễn ra chiều hướng thương mại hóa trong đào tạo, mà cần tăng cường gắn kết các chương trình đào tạo với nhu cầu xã hội để xây dựng một thị trường lao động linh hoạt, tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
“Trong mọi điều kiện, học viện phải luôn gắn giáo dục-đào tạo với thực tiễn cuộc sống, gắn đổi mới, nâng cao chất lượng với giáo dục lý tưởng, nhân cách lối sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học viên, sinh viên và luôn phải đúng với phương châm ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’,” ông Nguyễn Xuân Thắng nói.
[Ra mắt cuốn sách ‘Giáo trình tác phẩm báo mạng điện tử’]
Với quan điểm chỉ đạo trên, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu một số vấn đề gợi mở, định hướng phát triển cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Theo đó, học viện phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, tăng cường tính liên thông, liên kết, giảng dạy lý thuyết gắn với tăng cường thực hành, chú trọng đào tạo chuyên môn gắn với giáo dục đạo đức, nhất là đạo đức người làm báo; quan tâm đến đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là các kỹ năng truyền thông mới, hiện đại…
Cùng với đó, học viện cần tăng cường công tác nghiên cứu khoa học gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đặc biệt gắn nghiên cứu khoa học với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch…
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ mong muốn Học viện Báo chí và Tuyên truyền phấn đấu để sớm lọt vào danh sách 1.000 trường đại học hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực báo chí và truyền thông.
Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Minh Sơn, Giám đốc học viện khẳng định hoạt động chuyên môn của nhà trường so với thời kỳ đầu đã có bước phát triển mạnh mẽ. Các ngành, chuyên ngành đào tạo chính quy được mở rộng ở cả trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Nhà trường mở rộng các hoạt động hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham gia các dự án quốc tế.
“Trong suốt chặng đường 60 năm qua, bằng lao động khoa học nghiêm túc và sáng tạo, các thế hệ cán bộ, giảng viên của học viện đã khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin của Đảng, nhà nước và nhân dân,” ông Phạm Minh Sơn nói./.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (trước đây là Trường Tuyên giáo Trung ương) được thành lập ngày 16/1/1962 theo Nghị quyết số 36/NQ-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa III (trên cơ sở hợp nhất Trường Tuyên huấn, Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II và Trường Đại học Nhân dân). Học viện hiện có 30 đơn vị trực thuộc, trong đó có 11 đơn vị chức năng và 19 đơn vị giảng dạy, nghiên cứu, thông tin, xuất bản. Học viện đã đào tạo cho đất nước trên 70.000 cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí, truyền thông… |