Nhạc cách mạng hay nhạc đỏ ra đời vào thời kỳ “nước sôi lửa bỏng” của cuộc đấu tranh giành độc lập. Những ca khúc mang giai điệu hào hùng và đầy cảm xúc có sức hấp dẫn vượt thời gian, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng.
Những nhạc sỹ trẻ lứa tuổi 8X, 9X không trải qua chiến tranh, nhưng qua câu chuyện của thế hệ đi trước và tình yêu với đất nước hôm nay, họ vẫn có những sáng tác xúc động, làm dày thêm những ca khúc của dòng nhạc cách mạng.
Viết về cách mạng từ chuyện kể của cha mẹ
“Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc Nam/ Chẳng biết chiến tranh là gì/ Chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha…”
Đó là những ca từ trong bài hát “Lá cờ” của nhạc sỹ-ca sỹ Tạ Quang Thắng (sinh năm 1988).
Anh được biết đến với những sáng tác mang hơi thở cuộc sống, những trải nghiệm cá nhân. “Lá cờ” cũng vậy. Anh không định viết một bài hát mang tính cổ động hay tuyên truyền, chỉ đơn giản là ghi lại những câu chuyện kể của bố mẹ mình bằng giai điệu.
“Bố tôi đang theo học nghệ thuật thì bỏ dở để tham gia kháng chiến chống Mỹ. Mẹ tôi là một cô văn công đi khắp nơi biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sỹ. Những câu chuyện từ ngày xưa của họ đã in sâu trong tâm trí tôi từ khi tôi còn bé và trở thành những giai điệu trong tôi một cách tự nhiên,” Tạ Quang Thắng chia sẻ.
Chuyện tem phiếu hay hạt bo bo không chỉ là kỷ niệm của riêng gia đình Tạ Quang Thắng mà cũng là câu chuyện của biết bao những gia đình Việt Nam.
[Vang mãi những ca khúc cách mạng một thời “át tiếng bom”]
“Lá cờ” từng được giải thưởng Bài hát yêu thích và giải thưởng của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, trở thành chuyện kể lịch sử hấp dẫn, thôi thúc tình yêu nước trong trái tim mọi người. Song, trước đó, bản thân bài hát là động lực để Tạ Quang Thắng theo đuổi con đường nghệ thuật đầy gian truân.
“Bài hát thể hiện niềm tin, sự tự hào của cả một thế hệ đã lao động và chiến đấu gian khổ vì Tổ quốc. Bố mẹ tôi chính là tấm gương cho tôi, nên dù có gặp bao khó khăn trên đường đời thì tôi luôn thấy những điều đó chẳng thấm vào đâu so với thế hệ ngày xưa,” tác giả chia sẻ.
Góc nhìn của người trẻ về Đảng
Mới đây, ca sỹ Hoàng Hồng Ngọc (sinh năm 1992, Quán quân Sao Mai 2015, hiện đang công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) gây chú ý với sáng tác “Lời Đảng hiệu triệu trái tim” để chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bài hát nói lên góc nhìn của người trẻ với Đảng bằng những ca từ ý nghĩa, trẻ trung, sổi nổi.
Những năm gần đây, Hoàng Hồng Ngọc nổi bật trong làng âm nhạc với những sáng tác độc đáo, đa dạng thể loại, có sức truyền cảm hứng cho người trẻ. Với ca khúc mang đậm “màu sắc chính trị” như “Lời Đảng hiệu triệu trái tim,” cô tạo dấu ấn bởi sự mới mẻ, không đi theo những lối mòn quen thuộc của những ca khúc cách mạng.
“Tôi trăn trở rất nhiều khi được mời đi biểu diễn trong các sự kiện lịch sử quan trọng của Đảng, của đất nước. Những bài hát về Đảng rất ít. Tôi cứ phải hát đi hát lại những bài cũ. Dù đó là những bài hát hay nhưng tôi vẫn mong muốn có thêm những ca khúc hợp với góc nhìn của người trẻ hơn,” Hồng Ngọc kể.
Đó là một ý nghĩ liều lĩnh bởi chính Hồng Ngọc cũng cho rằng mình chưa đủ trải nghiệm và nhận thức để viết một ca khúc như vậy.
Trước thềm Đại hội Đảng, dường như có điều gì đó thôi thúc cô phải hoàn thành tác phẩm của mình như một sứ mệnh.
“Dù tác phẩm được đón nhận ra sao thì ít nhất là tôi đã là người trẻ viết về Đảng, chứ không phải chờ có ai đó mở đường. Từ tư duy ấy tôi đã mạnh dạn cầm bút,” Hồng Ngọc nhớ lại.
Trong đại dịch COVID-19, nữ ca sỹ thấy những đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn. Vậy là không cần tìm cảm hứng ở đâu xa, cô đã viết ngay bài hát với giai điệu trẻ trung và những ca từ mang tính hiệu triệu: “Ôi thênh thang đường cách mạng/ Phía trước dẫu khó khăn trập trùng/ Ngàn đời lịch sử hào hùng/ Dạy ta sức mạnh đại đoàn kết.”
Bắt kịp nhu cầu nghe nhạc của Gen Z
Không chỉ sáng tác, Thiếu tá, nhạc sỹ Tạ Duy Tuấn (sinh năm 1983, hiện công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) còn sản xuất video ca nhạc với ca khúc cách mạng trẻ trung, góp phần tạo nên sức sống mới cho dòng nhạc cách mạng trong thời đại mới.
Anh là tác giả của một loạt các ca khúc như “Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh,” “Có Đảng sáng soi vững bước ta đi,” “Việt Nam ngày nắng mới”… mang hơi hướng world music (pha trộn chất liệu dân gian với các thể loại khác như jazz, cổ điển…).
MV “Có Đảng sáng soi vững bước ta đi” ra mắt dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2022) khiến giới chuyên môn đánh giá cao về cách tiếp cận cũng như tư duy sáng tạo của nhạc sỹ Tạ Duy Tuấn.
Theo nhạc sỹ, để thu hút được giới trẻ (Gen Z) hiện nay tiếp nhận những ca khúc mang tính chất ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, chủ đề xã hội, người lính… thì phải bắt kịp nhu cầu thưởng thức của họ.
Bởi vậy, Tạ Duy Tuấn thường kết hợp phong cách âm nhạc hiện đại, tạo sự trẻ trung, tươi mới cả về phần âm nhạc lẫn hình ảnh, thể hiện tình yêu nước, khát khao cống hiến bằng cách riêng của người trẻ thời đại 4.0.
“Những tác phẩm của các thế hệ đi trước sáng tác về Đảng, Bác Hồ, người lính, tình yêu quê hương, đất nước sẽ luôn đi cùng năm tháng. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay có nhiều lựa chọn giải trí và luôn thay đổi xu hướng tiếp nhận. Do đó, tư duy người sáng tác cũng phải thay đổi để làm sao vừa đáp ứng nhu cầu công chúng, vừa có thể định hướng thẩm mỹ của công chúng bằng những sáng tác mang hơi thở của thời đại,” nhạc sỹ chia sẻ.
Nhạc sỹ từng đưa beatbox, âm nhạc dân gian, nhạc điện tử, nhạc cụ dân tộc miền núi vào các ca khúc cách mạng mà không ngại nhận những phản ứng trái chiều.
“Đảng luôn chỉ ra rằng sự đổi mới và sáng tạo là cực kỳ cần thiết trong thời đại ngày nay, vậy thì tại sao trong âm nhạc về những chủ đề Đảng, Bác Hồ chúng ta không thể đổi mới và sáng tạo để tiếp cận mọi tầng lớp khán thính giả,” anh nhận định./.
Theo nhạc sỹ, nhà phê bình Nguyễn Đình San (Hội Nhạc sỹ Việt Nam), công chúng âm nhạc gọi nhạc cách mạng, nhạc truyền thống một cách trìu mến là nhạc đỏ. “Có người nghĩ nhạc đỏ chỉ là những bài ca được ra đời trong những giai đoạn ‘nước sôi lửa bỏng’ như trước và trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thực tế là loại nhạc này bao hàm cả những sáng tác trong thời bình,” ông nói. Trong các cuộc nói chuyện về âm nhạc với sinh viên, thanh niên, ông nhận ra rằng rất nhiều bạn trẻ vẫn yêu thích nhạc đỏ. Lý giải điều này, ông cho rằng: “Về nội dung, bài hát đề cập đến những tình cảm lớn lao mang ý nghĩa xã hội chứ không phải là những chuyện riêng tư, vụn vặt, luẩn quẩn trong cái tôi cá nhân nhỏ bé. Có nói chuyện riêng tư cũng mang dấu ấn thời đại rất rõ. Về phần âm nhạc, các ca khúc nhạc đỏ đều bám sâu vào mảnh đất âm nhạc cổ truyền với những chất liệu dân ca phong phú, thấm đẫm hồn dân tộc nên rất dễ đi vào lòng người.” |