Sáng 28/8, tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khởi công Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước.
Từ giữa tháng 10/1954 đến tháng 5/1955, tại xã Quảng Tiến, nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa được tin tưởng giao đón tiếp gần 1.700 thương, bệnh binh; trên 47.300 cán bộ; trên 5.900 học sinh, sinh viên và gần 1.450 gia đình cán bộ ở miền Nam tập kết ra Bắc.
Thể theo nguyện vọng của các cựu cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất giao thành phố Sầm Sơn bố trí quỹ đất để xây dựng dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc do Ủy ban Nhân dân thành phố Sầm Sơn làm chủ đầu tư với tổng mức gần 255 tỷ đồng, trên diện tích 15.500m2, gồm các hạng mục như tượng đài con tàu tập kết, nhà trưng bày hiện vật, phù điêu lớn hình cánh cung và công trình phụ trợ; các công trình mô phỏng nơi ăn ở, sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam. Dự kiến thời gian hoàn thành dự án là 270 ngày.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với tầm nhìn chiến lược, Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn trương chuyển hàng vạn đồng bào và con em các gia đình cách mạng đi cùng với bộ đội, cán bộ tập kết ra Bắc để đào tạo, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, đặc biệt là việc xây dựng lại miền Nam khi nước nhà thống nhất.
Trong đợt tập kết đầu tiên tháng 10/1954, Thanh Hóa là một trong những địa phương đón cán bộ, chiến sỹ, đồng bào, học sinh miền Nam đông nhất.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong thời gian đó, mặc dù sau 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, đời sống người dân còn hết sức khó khăn, thiếu thốn nhưng với trách nhiệm lớn lao và tình đoàn kết “Nam-Bắc một nhà,” đồng bào miền Bắc nói chung, đồng bào Thanh Hóa nói riêng đã nhường cơm, sẻ áo, dành tất cả những điều kiện tốt nhất để đón tiếp, chăm lo cho cán bộ, chiến sỹ, học sinh cùng nhiều gia đình cách mạng miền Nam như những người thân yêu, ruột thịt.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng là một cựu học sinh miền Nam tập kết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng và nghĩa tình thủy chung đến toàn thể đồng bào, đồng chí miền Bắc nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
Đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn đã có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc khởi công dự án, Chủ tịch nước yêu cầu việc xây dựng Khu lưu niệm phải đáp ứng yêu về chất lượng và giá trị văn hóa của công trình, bảo đảm tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc vào năm 2024.
Thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các Ban liên lạc học sinh miền Nam trong toàn quốc và các gia đình cựu cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tích cực hưởng ứng, tổ chức thu thập sưu tầm các tư liệu, hình ảnh, hiện vật, kỷ vật thể hiện tình cảm Bắc-Nam ruột thịt của nhân dân hai miền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tái hiện được hình ảnh hào hùng của lịch sử dân tộc ta lúc bấy giờ, nhất là những chuyến tàu đưa hơn 15 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Khu lưu niệm này sẽ thật sự trở thành một điểm đến hấp dẫn của người dân trong nước, bạn bè quốc tế, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ Việt Nam mỗi khi đến với mảnh đất Thanh Hóa trung dũng, kiên cường.
[Tết Độc lập trong ký ức của những người con Phú Yên tập kết ra Bắc]
Ghi nhận những thành tích Thanh Hóa trong xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch nước lưu ý ấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa cần tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 của Trung ương (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tỉnh tập trung xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, phấn đấu không để chênh lệch lớn giữa các vùng phía Đông và Tây Thanh Hóa.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Sầm Sơn về thành tích xuất sắc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa phát huy truyền thống lịch sử văn hóa gần 1.000 năm của vùng xứ Thanh, truyền thống yêu nước, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, xây dựng Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ, sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong ước khi lần đầu về thăm Thanh Hóa năm 1947.
Cũng trong chiều nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công tuyến đường Vạn Thiện-Bến En với tổng chiều dài 12km.
Tuyến đường được thiết kế là đường cấp 3 đồng bằng, 4 làn xe theo tiêu chuẩn Việt Nam, được thiết kế hệ thống chiếu sáng, cây xanh và một số công trình phục trợ khác với tổng mức đầu tư 1.181 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ được đấu nối trực tiếp với cao tốc Bắc-Nam, Quốc lộ 45, đường nối Nghi Sơn-Sao Vàng, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các huyện Nông Cống, Như Thanh; đặc biệt là thu hút đầu tư vào du lịch Bến En.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tuyến đường Vạn Thiện-Bến En sẽ hoàn thành đưa vào khai thác và sẽ là một trong những tuyến đường du lịch có quy mô lớn và cảnh quan đẹp nhất Việt Nam.
Chủ tịch nước đã dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 do tổng Công ty Điện lực KEPCO, Hàn Quốc và Tập đoàn Marubeni, Công ty Điện lực Tohuku, Nhật Bản làm chủ đầu tư.
Với tổng vốn đầu tư gần 2,8 tỷ USD, công suất tinh 1.200 MW, đây là dự án lớn thứ 2 sau Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, đóng vai trò là một trong những “hạt nhân” quan trọng và là động lực thúc đẩy Khu kinh tế Nghi Sơn phát triển, trở thành khu kinh tế trọng điểm của cả nước trong những năm tới.
Đây cũng là công trình được xem là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hàn Quốc và Chính phủ Nhật Bản.
Sau 4 năm xây dựng, đến nay, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đã chính thức hoàn thành công tác đầu tư xây dựng và hòa lưới điện quốc gia lên đường dây 500KV Bắc-Nam. Để có mặt bằng thực hiện dự án này, tỉnh Thanh Hóa đã di dời, tái định cư hàng nghìn hộ dân.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thi công song với quyết tâm của chủ đầu tư và sự nỗ lực tích cực của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành tỉnh Thanh Hóa và người dân trong khu vực, dự án đã về đích đúng kế hoạch.
Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có công nghệ siêu tới hạn, cho phép tăng hiệu suất tối đa của nhà máy điện, giảm tối ta phát thải ra môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam. Nhà máy cũng là công trình vận hành xanh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.
Trước đó, trong sáng 28/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành phố Thanh Hóa.
Nhân dịp về thăm Thanh Hóa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm, tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Ình, sinh năm 1929, ở phường Quảng Đông, thành phố Thanh Hóa; thăm, tặng quà ông Lường Anh Tuấn sinh năm 1955, thương binh 1/4 ở phường Quảng Tiếng, thành phố Sầm Sơn./.