Kiến trúc nghệ thuật dân gian độc đáo, cổ kính ở đình, chùa Đồng Niên

Xem bài viết

Kiến trúc nghệ thuật dân gian độc đáo, cổ kính ở đình, chùa Đồng NiênNhững bức tượng cổ trong chùa Đồng Niên có tuổi đời hàng trăm năm có giá trị về nhiều mặt như văn hóa, lịch sử, nghệ thuật điêu khắc. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Với nét kiến trúc nghệ thuật dân gian độc đáo và cổ kính, đình Ðồng Niên không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa mà còn là điểm du lịch tâm linh ở thành phố Hải Dương.

Tọa lạc ở phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương, đình Đồng Niên thờ tới 3 vị Thành hoàng, là những vị anh hùng cứu quốc thời vua Lý Nam Đế (544-602), có công đánh đuổi giặc Lương mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ cho dân tộc Việt Nam.

Đình Đồng Niên còn là nơi hội tụ của “tam giáo đồng nguyên” (Nho, Phật, Lão) và cũng là công trình kiến trúc cổ với những mảng điêu khắc tinh tế thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân tiền bối. Đặc biệt, trong đình còn lưu giữ được 11 đạo sắc phong và nhiều đồ tế tự cổ.

Theo nhiều tài liệu, đình Đồng Niên được xây dựng từ thế kỷ thứ 6. Ngôi đình này trở nên nổi tiếng bởi nó gắn liền với sự tích về một gia đình mang họ Trần. Theo “Lược thảo thần tích đình Đồng Niên”, vào thời tiền Lý (thế kỷ thứ 6) ở đạo Nam Sơn, phủ Khoái Châu có một danh gia tên là Trần Húy Trí lấy vợ là Nguyễn Hương.

Trí công thi đỗ cử nhân được bổ nhậm chức Bộ chủ châu Hải Dương. Đến tuổi tứ tuần mà vẫn chưa có con, vậy nên thấy nói chùa nào thiêng, ông bà đều đến thành tâm cầu nguyện.

[Khám phá ngôi chùa độc đáo nằm trong hang đá ở Yên Bái]

Khi đến đình Đồng Niên thì trời đổ mưa to, bà thấy cảnh chùa linh ứng phù hợp với tâm linh của bà nên làm lễ cầu tự và đã được như nguyện. Bà sinh cùng lúc được 3 người con (2 trai, 1 gái) vào đúng giờ ngọ ngày 10/3/526 và đặt tên cho người con thứ 1 là Phú, con gái thứ 2 là Phượng và con trai út là Mỹ.

Ông bà hết lòng yêu thương, chăm sóc và cho các con ăn học. Cả ba anh em đều rất thông minh, dũng cảm, văn võ song toàn, ít ai sách kịp. Năm anh em mười 12 tuổi thì mẹ qua đời.

Khi đó mùa màng thất bát, trộm cướp liên miên, vua xuống chiếu tuyển người hiền để giúp nước. Hai anh em Phú và Mỹ đã tham gia và cùng thi đỗ Hoàng giáp đệ nhất, được vua ban thưởng và cho vinh quy bái tổ.

Năm đó, giặc Lương đem 3 vạn quân xâm lược nước ta. Vua triệu đình thần về triều bàn kế. Ba cha con Trần Trí xin đem quân đánh giặc. Trong một lần giao chiến với giặc trên sông Lục Đầu, Bộ chủ Trần Trí bị nước cuốn trôi.

Nghe tin cha tử trận, nữ nương Trần Phượng đã đến xin vua thay cha đánh giặc. Trước tài đánh đông, dẹp bắc của nữ nương, giặc đã vô cùng khốn đốn và đến trận kịch chiến trên sông Lục Đầu, giặc bị đại bại.

Nghe tin thắng trận, vua cho triệu 3 anh em về triều ban yến tiệc và phong tước. Riêng nữ nương, vua muốn lấy làm Mẫu nghi thiên hạ nhưng nàng không thuận và xin về quê nhà. Đến sông Hàn Giang, địa phận Đồng Niên bỗng dưng trời nổi đám mây ngũ sắc, dưới sông có rồng nổi lên, rồi nàng biến mất, đó là ngày 8/5.

Vua nghe tin, vô cùng thương tiếc cho đình thần về Đồng Niên làm lễ an táng và lập miếu thờ. Hai anh em Phú và Mỹ hết lòng phụng sự triều đình. Hai ngài về Đồng Niên thấy phong cảnh tươi tốt nhưng dân cư thưa thới nên đã cho triệu tập dân phiên tán đến khai hoang, lập ấp, mở mang nghề nghiệp.

Cho tu bổ đình Đồng Niên, cho xây ba tòa Đông cung, Tây cung và Nam cung. Xong việc, 2 ngài đi chu du khắc nơi. Một hôm về đến quê nội, bỗng không đau ốm và 2 ngài cùng mất ngày 3-7. Nghe tin này, dân làng Đồng Niên vô cùng xót thương làm biểu tấu dâng vua. Nhà vua đã cấp cho Đồng Niên 800 quan tiền tu sửa cung, đền, ruộng tế tự 7 sào, miễn cho phu phen tạp dịch.

Ngoài sự tích về 3 vị Thành hoàng, người ta nhớ đến đình Đồng Niên còn bởi lối kiến trúc cổ đặc trưng kiểu chứ Đinh (T), 7 gian tiền tế, 2 gian hậu cung. Gian trung tâm là bức cửa võng sơn son thếp vàng các mảng kiến trúc cúc, mai, long, phượng xen giữa các câu đối bằng chữ Nho với nét đục chạm phóng khoáng, bay bổng. Đình có mặt chính diện hướng đông nam, sân đình lát gạch vuông Bát Tràng.

Đình Đồng Niên gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên với mái phủ rêu phong, đầu đao cong vút. Qua án thư trước sân đình, toàn bộ vẻ uy nghi, cổ kính của công trình hiện hữu trên khoảng không gian rộng rãi.

Đầu hồi là đôi lân thu mình xuống tấn, trên nóc trổ cặp rồng chầu mặt trời đang bốc lửa, nét trổ tinh xảo thể hiện sự tôn nghiêm nơi thờ tự. Trên bờ nóc, các con nghê thế hình uyển chuyển làm mái đình thêm độc đáo.

Bước vào bên trong tòa tiền tế, một không gian kiến trúc nghệ thuật ngồn ngộn bày ra. Toàn bộ công trình đồ sộ được nâng đỡ bởi 8 cột cái bằng gỗ tứ thiết cỡ vòng tay ôm đặt trên các chân tảng đá xanh.

Dải vũ 1 bên tả, hữu mỗi nhà 3 gian là nơi nghỉ chân và sửa đồ lễ tế của dân làng. Trang trí điêu khắc nghệ thuật tại đình được các nghệ nhân dân gian xưa thể hiện thành công ở các đề tài: “tứ linh,” “tứ quý.”

Tại gian thờ chính, hình ảnh rồng được khắc họa với nhiều tư thế khác nhau. Trên cao có phượng xòe cánh múa, dưới thấp “long mã” chở hòm nghiên, bên cạnh những chú rùa lặng lẽ ngẩng cao đầu rồi như bất chợt phun ra 1 dòng nước. Đặc biệt, tại mặt ngoài vỉ ruồi gian dĩ, các nghệ nhận còn thể hiện hai mảng phù điêu độc đáo, khai thác tích “ngũ lão” và “bát tiên.”

Theo thuyết của Lão giáo, đây là hình ảnh của những người tu hành đắc đạo cùng vui tiên dao chốn bồng lai tiên giới. Ngoài ra, tại cổng phía tây còn được các nghệ nhân khắc họa hình chữ “Vạn” trên lưng chữ “Long” thể hiện tư tưởng triết lý luân hồi của đạo Phật. Đây là một chi tiết hiến thấy ở các ngôi đình khác.

Từ những chi tiết chạm khắc nghệ thuật trên, có thể xác định đình Đồng Niên là một di tích độc đáo, nơi hội tụ của tư tưởng triết lý “tam giáo đồng nguyên.”

Kien truc nghe thuat dan gian doc dao, co kinh o dinh, chua Dong Nien hinh anh 2Những bức tượng cổ trong chùa Đồng Niên có tuổi đời hàng trăm năm có giá trị về nhiều mặt như văn hóa, lịch sử, nghệ thuật điêu khắc. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Đầu thế kỷ 20, công trình xuống cấp nên đã được các chức sắc và nhân dân địa phương trùng tu tôn tạo lại. Trên thượng lương đình còn ghi: “Hoàng triều Thành Thái thập ngũ niên tuế thứ quý mão quý xuân cát nhật lương thần kiên trụ thượng lương” (có nghĩa là ngôi đình được trùng tu năm 1903).

Phía trên là các bức đại tự lớn bằng chữ Nho: “Đức thâm thiên địa” (Đức rộng khắp trời đất). Các con chồng đấu sen được chạm hoa, lá khiến cho ngôi đình duyên dáng, mềm mại. Điều lý thú là công trình được hai hiệp thợ cùng tham gia trùng tu và giáp mối tại gian giữa. Tại đây, cả hai hiệp thợ đua nhau phô diễn tài nghệ qua các mảng đục chạm của công trình.

Nổi bật là các bức cốn tích tứ linh nhưng sắc thái biểu đạt rất đa dạng, phong phú. Hình ảnh rồng được khắc họa với nhiều tư thế khác nhau. Các bức cốn do hiệp thợ bên phải tạo tác diễn tả một đầm sen đang tỏa hương khoe sắc. Nổi bật trên đó là tích ngư long hý thủy.

Người thợ dân gian đã hình tượng hóa tích chuyện thành những mảng điêu khắc sinh động, càng ngắm càng thích thú. Trong bức cốn xuất hiện hình tượng con long mã, trên lưng có hai chòm sao thất tinh và cửu tinh tượng trưng cho thiên địa giao hòa, âm dương tương hợp, sản sinh những bậc anh hùng tuấn kiệt giúp dân, giúp nước.

Các bức cốn do hiệp thợ bên trái tạo tác với các mảng phù điêu tùng, cúc, long, phượng, hươu, nai mang phong cách sắc sảo, mạnh bạo, các họa tiết có hồn, uyển chuyển, chứng tỏ tay nghề điêu luyện, già dặn. Trên lưng con long mã ở các bức cốn phía này có dấu ấn chữ vạn, mang triết lý uyên thâm của đạo Phật.

Nét đặc sắc của kiến trúc đình Đồng Niên còn thể hiện ở hai mảng phù điêu lớn khai thác tích ngũ lão, bát tiên, hiếm gặp đắp ở hai đầu hồi của đình. Mảng phù điêu tại một đầu hồi có hình tượng của 5 ông lão râu tóc bạc phơ, đạo mạo. Đây là các vị Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh, những người phúc quả viêm thành của thời Nghiêu, Thuấn, thời thiên hạ thái bình theo truyền thuyết của người Trung Quốc xưa.

Mảng phù điêu tại đầu hồi còn lại lấy tích bát tiên của đạo Lão ở Trung Quốc. Bát tiên là những con người thực của cõi trần tu hành đắc đạo, sống sung sướng nơi bồng lai tiên cảnh. Tại bức phù điêu này có hình ảnh một người thong dong đi cày bằng voi, một người nhàn tản đọc sách, một người trầm ngâm câu cá, một người tiều phu gánh củi.

Ý nghĩa của bức phù điêu thể hiện niềm mong mỏi cuộc sống phong lưu, ấm no, hạnh phúc, yên bình tựa tiên cảnh muôn đời ngự trị tại nơi đây. Có thể thấy, những hình tượng đắp vẽ trên mái, điêu khắc trong đình Đồng Niên chính là nơi hội tụ tinh hoa của ba giáo phái từng thịnh hành tại Việt Nam một thời là: Nho, Phật, Lão đã được ông cha ta tiếp thu, tạo nên bản sắc dân tộc độc đáo.

Theo ông Nguyễn Tiến Thanh, Trưởng ban Quản lý di tích phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương, di tích đình, chùa Đồng Niên hiện nay còn lưu giữ được hệ thống cổ vật gồm hệ thống tượng cổ, thần tích, chuông cổ, khánh đá cổ, bia đá, long ngai… Đáng chú ý, trong chùa Đồng Niên còn lưu giữ 38 pho tượng, trong đó có ba pho tượng bằng đất. Tượng Phật hiện tại được tạc ở thế ngồi trên tòa sen, chất liệu bằng gỗ, sơn son thếp vàng; tượng Phật vị lai có chất liệu gỗ mít, sơn ta, nhũ vàng quỳ và tượng Phật quá khứ được tạc theo thế ngồi thiền trên tòa sen, chất liệu gỗ mít sơn ta, thếp vàng quỳ. Cả ba pho tượng Phật đều có niên đại thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII.

Ngoài ra, tượng Quan Âm tọa sơn là tượng gỗ, sơn son thếp vàng, có niên đại thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Tượng A Nan tôn giả và Ca Diếp tôn giả được tạc ở thế đứng trên tòa sen, chất liệu bằng gỗ, sơn ta màu đỏ thẫm, có niên đại chế tác thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Tượng Quan Âm chuẩn đề ngồi thiền trên tòa sen, có 12 tay, được sơn son thếp vàng, có niên đại thời Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX. Tượng Ngọc Hoàng tạc theo kiểu chân dung ngồi trên bệ, tượng gỗ, sơn son thếp vàng, có niên đại thời Nguyễn thế kỷ XIX…

Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, các cán bộ Bảo tàng tỉnh Hải Dương đánh giá chùa Đồng Niên là một trong số ít di tích có hệ thống tượng pháp khá phong phú và giữ được hiện trạng. Các pho tượng được chế tác tinh xảo, đường nét và màu sắc còn rất sống động, có giá trị về nhiều mặt như văn hóa, lịch sử, nghệ thuật điêu khắc. Đây là điều rất đáng quý.

Trải qua hơn 1.000 năm với bao biến cố lịch sử, đình Đồng Niên vẫn giữ được nét cổ kính hiếm có. Đình được xếp di tích lịch sử quốc gia vào năm 1994. Để tưởng nhớ công lao của các vị Thành hoàng, hằng năm, người dân lấy ngày sinh của các ngài (10/3) âm lịch là ngày hội làng.

Tại lễ hội, nhiều nghi thức tế lễ cùng các trò chơi dân gian phong phú đã thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương tham gia./.

(VIetnam+)