Nhiều kinh nghiệm về quỹ hỗ trợ điện ảnh, các đề xuất đưa người đi nước ngoài học, nâng cao đào tạo nhân lực… đã được đưa ra tại tọa đàm “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc.” Tọa đàm thuộc khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ 6, diễn ra ngày 9/11 tại khách sạn Daewoo (Hà Nội), với sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nhân trong lĩnh vực điện ảnh tại Hàn Quốc.
Mỗi bài học của Hàn Quốc đều mang giá trị tham khảo với Việt Nam, do bối cảnh các quốc gia có nhiều tính chất khác nhau.
Kinh nghiệm với quỹ điện ảnh
Làm sao để vận hành quỹ điện ảnh hiệu quả, tiền về tay đúng người, có nguồn thu ổn định… từ lâu là vấn đề mà giới điện ảnh tại Việt Nam vô cùng quan tâm. Đặc biệt là khi Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 đã chính thức giữ lại quỹ phát triển và hỗ trợ điện ảnh.
Trong sự kiện, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh đã đề cập trực tiếp một số khía cạnh trong vấn đề này. Ông đặt câu hỏi: Quỹ hỗ trợ và phát triển điện ảnh Hàn Quốc có lấy tiền từ vé xem phim để hỗ trợ các phim trong nước không, có tỷ lệ bao nhiêu, có thu tiền từ phim truyền hình và mạng xã hội hay không.
[Cần có cơ chế đột phá, cụ thể để phát triển công nghiệp điện ảnh]
Trả lời cho nội dung này, ông Park Ki Yong – Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC, trực thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: Từ 2007, KOFIC đã thu 3,3% từ tiền vé xem phim cho quỹ, không thu từ phim truyền hình. Song từ sau đại dịch COVID-19, nước này đang cân nhắc thu thêm chi phí từ các OTT (ứng dụng truyền hình, chiếu phim xuyên biên giới).
Đại diện KOFIC cho biết số tiền cao nhất quỹ thu từ nguồn này là 54,5 tỷ won (987 tỷ đồng) năm 2019. Trong các năm ảnh hưởng đại dịch, năm 2020, con số giảm 5 lần chủ còn 11 tỷ won; năm 2021 đạt 17 tỷ won. Dự kiến năm 2022 sẽ thu 21 tỷ won.
Với những dự án phim mang tính độc lập thì quỹ này không yêu cầu trích tiền lại cho quỹ, nhưng với các đơn vị sản xuất từ tầm trung trở lên thì quỹ yêu cầu thu lại một phần doanh thu.
Số tiền hàng năm mà quỹ bỏ ra đầu tư là 100 tỷ won. Tại hội thảo, đại diện KOFIC cho biết sẽ đề xuất chính phủ trích 300 tỷ won cho việc này.
Tuy nhiên để doanh nghiệp chiếu phim chấp nhận bỏ tiền cho quỹ điện ảnh là điều khó. Người đại diện KOFIC nói rằng: Điều quan trọng nhất là để tư nhân nhìn thấy mục tiêu phát triển ra sao. Phải có phim hay để phát triển thị trường, nhưng cũng cần thị trường lớn để đầu tư phim lớn, đây là mối quan hệ song song.
Từ phía doanh nghiệp, Tổng giám đốc CJ CGV Việt Nam – ông Koo Jae Soo cho biết CJ rất vui vẻ trích quỹ nhưng làm sao để hai bên cùng thấy chung một mục tiêu, nhưng cũng cần tùy tình thế cụ thể mà ra yêu cầu đối với doanh nghiệp.
“Với tư cách người đóng tiền, chúng tôi muốn biết kế hoạch cụ thể. Song giờ đây các cụm rạp đang khắc phục khó khăn hậu COVID-19, Việt Nam cần cân nhắc việc có nên thu phí hay không,” ông nhận xét.
Trong phần chia sẻ kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nói rằng dù Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 đã là một bước tiến xa của điện ảnh Việt Nam và đã khá cập nhật với tình hình thế giới, quỹ điện ảnh là vấn đề nóng và gây đau đầu.
Sau khi Luật điện ảnh sửa đổi 2022 được thông qua và chính thức được áp dụng từ năm 2023, Thứ trưởng cho biết quỹ điện ảnh có lẽ sẽ cần thêm thời gian bàn bạc sau đó để đánh giá các tác động: “Sẽ có quyết trích bao nhiêu phần trăm từ đâu, đầu tư ở lĩnh vực nào, cách quản lý ra sao… Tất nhiên khi có một quỹ dưới quyền quản lý của nhà nước thì sẽ có một kế hoạch rõ ràng, sẽ có hội đồng xét duyệt dự án, kịch bản, có nhóm chuyên gia, tổ tư vấn, các tiêu chí… sao cho minh bạch nhất.”
Cần nâng cao đào tạo nhân lực, mở rộng hợp tác quốc tế
Đại diện CJ với 10 năm làm việc tại Việt Nam cho rằng điện ảnh Việt Nam cho rằng các bạn trẻ Việt Nam rất thông minh và nhiệt huyết nhưng chưa có hệ thống để giúp phát triển tối đa. Hiện nay nền công nghiệp này đã có nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ song vẫn cần có thêm sự cởi mở để tăng cơ hội hợp tác quốc tế trong tương lai.
Ông cũng thẳng thắn chỉ ra khán giả Việt Nam không thích xem phim Việt mà ưu tiên phim từ nước ngoài; kịch bản Việt Nam còn nhiều hạn chế nhất định đồng thời đề xuất Việt Nam có thể cân nhắc một cách làm của thế giới – mời người nước ngoài đến hợp tác với đoàn phim trong nước. Giống như sự phối hợp giữa ê-kíp Hàn Quốc và đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Koreeda trong bộ phim “Người môi giới” (Broker, một trong những tác phẩm gây chú ý tại Liên hoan phim Cannes 2022).
Ý kiến từ ông Lee Jin Sung – Tổng giám đốc Công ty TNHH Lotte Entertainment cho rằng năng lực của người làm phim ở Việt Nam không hề thua thế giới. Theo ông hiện nay chi phí sản xuất phim Hàn Quốc cao gấp 10 lần Việt Nam, nhưng nếu đưa lại chi phí đó cho người làm điện ảnh Việt thì người Việt còn có thể làm tốt hơn.
Song để có được số tiền đầu tư lớn như vậy thì Việt Nam cũng cần một thị trường tương đương: “Việt Nam chưa thể làm được khi thị trường phim chưa đủ lớn để thu hút nhiều sự đầu tư. Để thay đổi điều này, các bạn cần mở rộng cơ hội trình chiếu phim Việt trong nước lẫn nước ngoài.”
Trước câu hỏi của nhà sản xuất-diễn viên Công Hậu về kinh nghiệm thoát ra khỏi thời kỳ khó khăn nhất của điện ảnh nước này, đại diện KOFIC khẳng định Hàn Quốc không cuộc cách mạng nào mà là cả quá trình.
Điện ảnh Hàn Quốc từng có một “Thời kỳ đen tối,” kéo dài từ những năm 1962-1984, do chịu chế độ độc tài dưới thời cựu tổng thống Park Chun Hee. Khi đó nhập khẩu phim ngoại bị hạn chế, sản xuất trong nước chịu kiểm duyệt nghiêm ngặt. Đó là thời điểm mà ông Park Ki Yong mô tả là nhiều nghệ sỹ trong nước cũng thấy ngạt thở, khổ sở. Bên cạnh việc xóa bỏ cơ chế kiểm duyệt nghiêm ngặt, Hàn Quốc chính là tập trung vào đầu tư, đào tạo chất lượng người làm nghề.
“Khi luật điện ảnh mới được thông qua vào năm 1985, chúng tôi được tự do hóa điện ảnh, giảm sự can thiệp, kiểm duyệt từ nhà nước với điện ảnh, mở thêm các học viện phát triển về điện ảnh. Nhưng chúng tôi tập trung đào tạo nhân lực, đào tạo con người,” người đại diện KOFIC chia sẻ.
Cũng về việc đào tạo nhân lực này, Giáo sư-Tiến sỹ Trần Thanh Hiệp cũng đồng tình rằng điện ảnh Việt Nam còn yếu về các mặt diễn xuất, khả năng lý luận phê bình phim cũng rất hạn chế… Ông đề xuất có sự kết hợp, tài trợ giữa hai bên Hàn Quốc-Việt Nam và phía Hàn Quốc cũng tỏ thái độ sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp. Từ phía đại diện CJ cũng đề xuất KOFIC phối hợp thành lập một Học viện điện ảnh Hàn Quốc tại Việt Nam.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng cho biết Việt Nam đã và đang dồn nguồn lực cho người trong nước đi học nước ngoài, song chưa đạt được hiệu quả mong đợi. Nếu như trước đây, người để đi học thì nhiều nhưng kinh phí thì ít, thì nay tình hình đã ngược lại.
“Hiện nay chúng ta thiếu người vô cùng, trong khi kinh phí thì nhiều. Cản trở lớn nhất bây giờ là ngoại ngữ. Xét trên tỷ lệ, số sinh viên điện ảnh chiếm vượt trội trong số sinh viên được trao cơ hội đi học với trên 20 sinh viên từ Đại học Sân khấu-Điện ảnh, chưa kể 10 em được trường cử đi Trung Quốc theo chương trình ký kết riêng của trường. Hiện nay đã có 10 trong tổng số 30 người quay về Việt Nam và làm quen các cơ sở sản xuất phim,” ông cung cấp một số thông tin./.