Nằm trong chương trình trong chuỗi sự kiện Festival Hoa Đà Lạt 2022, nhóm “Phố Bên Đồi” vừa giới thiệu hai dự án “Bản đồ nghệ thuật Đà Lạt (Dalat Art Map)” và tập sách “Nghệ thuật kết nối chúng ta (Art connects Us).”
Đây là 2 ấn phẩm nhóm dự kiến ra mắt chính thức vào năm 2023, nhân kỷ niệm 130 năm thành phố Đà Lạt. Đáng chú ý, “Phố Bên Đồi” là nhóm của những trí thức trẻ gốc Đà Lạt hoặc yêu thích thành phố này, tự nguyện bỏ tiền ra làm nhiều dự án nhằm kết nối văn hóa Đà Lạt với thế giới bên ngoài.
Ban tổ chức chương trình đã giới thiệu Bản đồ nghệ thuật Đà Lạt, được thiết kế dạng tờ gấp, có thông tin về hơn 50 địa điểm nổi tiếng có giá trị về văn hóa, lịch sử nhất của thành phố. Đây được coi là cuốn cẩm nang, chỉ dẫn cho du khách tới những điểm đến và cung cấp những thông tin cơ bản nhất về văn hóa, lịch sử, kiến trúc…
Tấm bản đồ này cũng trở thành món quà lưu niệm của mỗi du khách khi trở về từ thành phố Đà Lạt.
Anh Nguyễn Trung Hiền, một trong những người sáng lập “Phố Bên Đồi” cho biết Bản đồ nghệ thuật Đà Lạt (Dalat Art Map) là sản phẩm nhằm định vị thành phố trở thành một trong những điểm đến văn hóa-nghệ thuật nổi bật trong nước, khu vực. Để Đà Lạt xứng đáng nằm trong mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (thành phố đang lập hồ sơ đăng ký).
Kỳ vọng của nhóm là Dalat Art Map phát triển như món quà tặng hài hòa giữa hai giá trị thẩm mỹ và công năng không thể thiếu cho du khách khi đến Đà Lạt.
[Phục dựng không gian tượng gỗ Tây Nguyên giữa rừng thông Đà Lạt]
Thông qua Dalat Art Map, mọi người dễ dàng có thông tin về các giá trị nghệ thuật của điểm đến, sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật hấp dẫn. Đây là bản đồ nghệ thuật được tổ chức bài bản, đầu tư kỹ lưỡng. Giai đoạn 1, dự kiến đến 3/2023, nhóm sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt phát hành 20.000 bản in miễn phí. Giai đoạn 2 từ 2023-2025, nhóm phát triển nền tảng bản đồ số, nghiên cứu, phát triển mô hình Art Passport và sản phẩm quà tặng tôn vinh giá trị, quảng bá hình ảnh địa phương.
Ngoài ra, nhóm giới thiệu về cuốn sách “Nghệ thuật kết nối chúng ta (Art connects Us).” Đây được xem là nền tảng kết nối tiếng nói và ý kiến đóng góp cho thành phố Đà Lạt gồm hơn 20 bài viết tổng hợp các chủ đề đa-liên ngành từ chuyên gia, học giả có nhiều năm nghiên cứu về Đà Lạt.
Thành lập từ năm 2016, nhóm “Phố Bên Đồi” gồm hơn 10 trí thức trẻ gồm các kiến trúc sư, nhà thiết kế, họa sỹ, nhạc sỹ… tự tìm nguồn kinh phí, kết nối với trí thức trong nước, thế giới, thực hiện dự án kết nối văn hóa Đà Lạt với thế giới bên ngoài. Mục đích chính của “Phố Bên Đồi” là giúp du khách và những người khác hiểu và yêu Đà Lạt hơn.
Một trong những dự án nổi tiếng nhóm thực hiện là biến con hẻm Dốc Nhà Làng ở phường 1 (Đà Lạt) từ địa điểm khá “nhem nhuốc” của thành phố, trở thành công trình nghệ thuật công cộng đặc sắc. Với hàng loạt bức tranh lớn trên các bức tường, kè đá của con dốc cổ kính rêu phong, Dốc Nhà Làng trở thành điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Đà Lạt mà không sử dụng ngân sách nhà nước.
Hay nhóm “Phố Bên Đồi” đã kết nối, tổ chức các cuộc giao lưu, biểu diễn của nhạc sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng trong nước và thế giới hoàn toàn không thu tiền để người dân Đà Lạt được kết nối trực tiếp với các nền văn hóa từ bên ngoài…/.