Những bước đi đầu tiên của Việt Nam trên con đường phát triển công nghiệp văn hóa đã thu được những kết quả đáng kể.
Nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, công nghiệp văn hóa vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như chưa khai thác đúng tầm các giá trị văn hóa để đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam thông qua công nghiệp văn hóa vẫn dừng lại ở chuỗi liên kết yếu trong phát huy sức mạnh tổng thể quốc gia.
Nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa chưa đầy đủ
Theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Các ngành công nghiệp văn hóa chưa được khai thác hiệu quả, xứng tầm với lợi thế của bề dày văn hóa dân tộc, tài năng của con người Việt Nam.
Việt Nam không thiếu tài năng sáng tạo, không thiếu vốn văn hóa nhưng chưa hình thành được một môi trường phù hợp, hỗ trợ cho sự sáng tạo để giúp quảng bá văn hóa dân tộc, cũng như giúp các tài năng sáng tạo của đất nước tỏa sáng.
[Công nghiệp văn hóa: Tiềm năng đang chờ được “đánh thức”]
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cũng phân tích một số điểm nghẽn trong khai thác công nghiệp văn hóa.
Đầu tiên chính là nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa chưa đầy đủ, ít coi các lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc… là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế.
Văn hóa nghệ thuật vẫn còn khá rụt rè trong việc khẳng định giá trị hàng hóa.
Bên cạnh đó, sự phối hợp trong phát triển công nghiệp văn hóa còn thiếu.
Trong 12 ngành, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ quản lý 5 ngành gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa.
Sự phối hợp công-tư cũng còn nhiều khó khăn. Những mô hình đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đa phần là tự phát, đam mê của các cá nhân yêu thích sáng tạo, mong muốn tìm ra điều mới mẻ cho cuộc sống và công việc kinh doanh.
Thêm vào đó, việc giáo dục sáng tạo, kỹ năng kinh doanh là điểm nghẽn tiếp theo.
Hệ thống giáo dục của Việt Nam có một số điểm chưa tương thích với hoạt động đổi mới sáng tạo. Dù có nhiều cải tiến, thay đổi theo hướng hỗ trợ học sinh, sinh viên thực hành sáng tạo nhưng vì nhiều lý do, khối lượng kiến thức cần học quá lớn, khiến cho các môn học liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật chưa được coi trọng đúng mức.
Các môn học về marketing nghệ thuật, kỹ năng kinh doanh, quan hệ công chúng nên được xem là những môn học chính ở các trường nghệ thuật.
Ngoài ra, một số điểm nghẽn về chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như địa vị pháp lý cho doanh nghiệp sáng tạo, sử dụng đất, thuế, luật về bảo trợ và hiến tặng… cũng là những rào cản khiến các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa thể cất cánh.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch), Việt Nam có quy mô dân số trên gần 100 triệu người là một thị trường tiềm năng với các sản phẩm công nghiệp văn hóa nội địa, nhưng các khảo sát thực tế cho thấy, sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn ưu ái hàng “ngoại” nhiều hơn “nội.
Có thể thấy các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam thiếu đi sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Do đó, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao của người dân trong nước.
Điều này dẫn đến thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc văn hóa cùng khu vực châu Á với Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Cơ sở hạ tầng phong phú giàu bản sắc và hàng trăm không gian sáng tạo trên toàn quốc là một lợi thế để Việt Nam khai thác chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa ở sức hấp dẫn, khả năng kết nối.
Tuy nhiên, đổi mới thể chế chưa quyết liệt trong việc mở cửa đầu tư mạnh vào khu vực tư nhân, các rào cản thể chế chưa cởi mở hướng tới sự kết hợp công tư trong khai thác và phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng, không gian sáng tạo văn hóa.
Hiện nay, cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa mới chỉ chú trọng tới đầu tư của Chính phủ mà xem nhẹ vấn đề thu hút vốn.
Đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa, thực chất bao gồm hai khái niệm là đầu tư và thu hút vốn. Là nước có nguồn lao động dồi dào nhưng vốn đầu tư phát triển văn hóa lại tương đối eo hẹp…
Cần có chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng muốn đổi mới cơ chế đầu tư văn hóa, tương xứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam buộc phải giải quyết hiện tượng “thắt cổ chai” về vốn đầu tư.
Đổi mới cơ chế đầu tư còn có lợi rất lớn trong việc thúc đẩy quá trình điều chỉnh kết cấu trong chế độ sở hữu và kết cấu ngành công nghiệp văn hóa thông qua “tăng lượng” thu hút vốn đầu tư.
Việc này đồng thời cũng có thể kích hoạt được nguồn vốn tồn đọng của Nhà nước, ưu việt hóa cơ cấu vốn trong các doanh nghiệp văn hóa Nhà nước, có lợi cho việc bố trí sắp xếp nhân lực thông qua nguồn vốn văn hóa, giải quyết vấn đề mối quan hệ hữu cơ giữa hai yếu tố của sản xuất là nguồn vốn và nhân lực khi phát triển sự nghiệp văn hóa.
Đây là giải pháp quan trọng để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam hiện đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam đưa ra các quyết sách có tính chiến lược.
Song vấn đề cơ bản để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực.
Hơn nữa cần có chính sách cởi mở để có thể phát huy tiềm năng văn hóa của mình, thu hút bên ngoài hướng tới “sức hấp dẫn” – văn hóa của đất nước ngay tại chỗ.
Vấn đề tạo ra “không gian sáng tạo” hay môi trường sáng tạo cũng là một giải pháp quan trọng cho việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa nước ta hiện nay.
Việc bồi dưỡng năng lực sáng tạo và tạo môi trường sáng tạo cho những tài năng văn hóa (văn nghệ sỹ, trí thức khoa học công nghệ) cũng là giải pháp rất căn bản của sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bên cạnh các giải pháp khác.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cho rằng cần có hệ thống chính sách pháp luật phù hợp, tạo hành lang pháp lý và môi trường hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Đó có thể là luật về hiến tặng và tài trợ để huy động nguồn lực xã hội cho văn hóa nghệ thuật, cơ chế về đất, thuế và địa vị pháp lý cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật.
Điều quan trọng để tạo ra các chính sách thu hút nguồn lực chính là phải coi đầu tư vào văn hóa là đầu tư phát triển, không phải là lĩnh vực “tiêu tiền,” thậm chí đem lại nhiều tiền cho đất nước. Chỉ từ nhận thức như vậy, chúng ta mới hình thành các chính sách thu hút nguồn lực phù hợp.
Bên cạnh đó, nước ta cũng cần nâng cao chất lượng giáo dục sáng tạo ở các cấp học, tạo ra mạng lưới liên kết giữa tổ chức văn hóa nghệ thuật, không gian sáng tạo, tổ chức sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế cho các ngành công nghiệp văn hóa chủ chốt như điện ảnh (Liên hoan phim quốc tế Hà Nội), âm nhạc (Lễ hội âm nhạc Gió mùa Monsoon), thời trang (Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam), ẩm thực (Tuần lễ ẩm thực quốc tế Hà Nội) để tạo điều kiện quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa là giải pháp phù hợp hiện nay.
Bên cạnh đó, do tính hấp dẫn của văn hóa đại chúng và nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có nội dung số vừa phục vụ thị trường nội địa vừa hướng ra nước ngoài, nên việc phát triển các cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp này rất quan trọng. Đây là giải pháp mang tính quyết định sự thành công của quá trình chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm văn hóa từ đó làm nên sức mạnh mềm văn hóa.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia phát triển (Mỹ và phương Tây) và mới phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc) đều phát triển các ngành điện ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử… trên cơ sở hệ thống ứng dụng khoa học công nghệ phát triển.
Sự phát triển của hệ thống này đảm bảo chất lượng truyền tải, kênh tiếp cận và đánh giá nhu cầu thị trường để có những chiến lược tiếp cận hiệu quả, mang lại sức cạnh tranh của ngành công nghiệp văn hóa trong nước.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ giúp Việt Nam đảm bảo nền tảng số hóa thuận lợi cho sự phát triển các nguồn lực mềm, gia tăng khả năng, cách thức tiếp cận đối tượng, mang lại năng lực thích ứng nhanh trước các xu hướng thị trường trong ngành công nghiệp văn hóa./.