Để phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” đi vào thực chất, hiệu quả, thiết thực, ý thức, vai trò tự giác thực hiện của các cơ quan báo chí rất quan trọng, trong đó ý thức của chính những nhà báo, phóng viên – những chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa-tư tưởng.
Tạo động lực, niềm tin mới cho sự phát triển
Xác định phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và “Tiêu chí cơ quan văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam” là hoạt động rất có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, ngay từ đầu tháng 8/2022, Liên Chi hội Nhà báo ngành tài chính và Ban biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam đã phát động phong trào thi đua theo các tiêu chí đã đề ra.
Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam Phạm Thu Phong cho biết những nội dung đã được đơn vị triển khai có thể kể đến như đăng ký thực hiện phong trào thi đua gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam; tổ chức phát động thi đua tại cơ quan. Ban Biên tập phối hợp với Chi hội Nhà báo cũng đã phổ biến, quán triệt nội dung, ý nghĩa của phong trào và 12 tiêu chí tới người làm báo, người lao động, động viên toàn thể cơ quan tích cực hưởng ứng.
Đồng thời, Ban Biên tập phối hợp với Chi hội Nhà báo Thời báo Tài chính Việt Nam đang khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua để động viên, khuyến khích người làm báo, người lao động toàn cơ quan nhiệt tình hưởng ứng, thực hiện tốt các tiêu chí đã đề ra.
Căn cứ hướng dẫn của cấp trên, hằng tháng, hằng quý và cả năm, Thời báo Tài chính Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc việc đánh giá kết quả thực hiện, bình xét, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thi đua, tạo ra niềm tin, động lực mới cho tập thể cán bộ, viên chức, người lao động.
Tại lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí,” Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh yêu cầu “phong trào thi đua phải được lan tỏa, thấm sâu, thực chất vào mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo.”
Theo Tổng Biên tập Phạm Thu Phong, đây là giải pháp căn cơ và quan trọng nhất. Việc lan tỏa, thấm sâu, thực chất yêu cầu mỗi cơ quan cần quan tâm tìm tòi, đổi mới hình thức thi đua tại cơ quan mình, tập trung làm tốt công tác tổ chức tuyên truyền, chú ý kiểm tra, đôn đốc và tổng kết, đánh giá kết quả từng đợt thi đua thì mới đảm bảo phong trào thắng lợi.
[Báo chí góp phần khơi dậy những dòng chảy văn hóa tích cực]
Cấp ủy, Ban Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam xác định triển khai phong trào thi đua thường xuyên, liên tục, đa dạng về hình thức, phong phú về phương pháp, sinh động, thiết thực, hiệu quả, gắn chặt với các mặt công tác chuyên môn, công tác Đảng, đoàn thể và các hoạt động xã hội, để phong trào thi đua lan tỏa, thấm sâu, thực chất vào cơ quan báo chí và mỗi người làm báo.
Cũng theo Tổng Biên tập Phạm Thu Phong, Bộ tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo Việt Nam được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành bao gồm 6 tiêu chí dành cho cơ quan báo chí văn hóa, 6 tiêu chí văn hóa của người làm báo. Các tiêu chí nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của các cơ quan báo chí.
“Mỗi nhà báo chúng ta cùng có trách nhiệm và nghĩa vụ để thực hiện tốt, hiệu quả các tiêu chí này; cùng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; tạo ra nhiều tác phẩm báo chí ý nghĩa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp; cùng thi đua, phấn đấu xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo…, hưởng ứng và tích cực thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo Việt Nam,” ông Phạm Thu Phong nói.
Để phong trào được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả
Nhận định việc phát động phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí là rất kịp thời, cần thiết, tiến sỹ Nguyễn Tri Thức, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng ban Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản cho rằng thời gian qua, với sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội, không ít cơ quan báo chí đã có sự “lệch hướng,” xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo thị hiếu của độc giả, chủ yếu là câu view, tăng số người tương tác, quên đi mục đích cao cả của báo chí, thậm chí có những lúc gây ra những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh trật tự. Đây là dịp để các cơ quan báo chí nghiêm túc nhìn nhận mình một cách khách quan, dũng cảm, công tâm, để có biện pháp điều chỉnh, chấn chỉnh kịp thời những sai sót.
Khẳng định con người là yếu tố quyết định sự thành bại, không chỉ riêng đối với việc xây dựng môi trường văn hóa, nhà báo Nguyễn Tri Thức cho rằng mỗi phóng viên, biên tập viên cần luôn có ý thức giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; có sự cân bằng, công bằng, nhân văn trong hành nghề; có sự dấn thân, trách nhiệm, quyết liệt trong tác nghiệp, luôn nghĩ về cái chung, cái tốt đẹp, tích cực,
Kể cả trong việc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, mỗi nhà báo cũng cần nghĩ đến những điều tốt đẹp chứ không nên nhân danh báo chí để lợi dụng, tư lợi cá nhân, thậm chí chèn ép khiến nhiều người lâm vào vòng lao lý.
Đối với Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Nguyễn Tri Thức đề xuất có thể thường xuyên phát động các phong trào thi đua trong các liên chi hội, thậm chí đề ra các chương trình hành động riêng cho từng quý, từng năm.
Có thể lấy một năm có chủ đề về văn hóa báo chí để phát động thi đua trong các cấp Hội, sau đó có tổng kết, đưa nội dung đánh giá, thi đua khen thưởng vào các hội nghị thường niên tổng kết năm, cũng như đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tiếp theo. Việc quan tâm, nhắc nhở, chú trọng nhất định đối với phong trào sẽ tạo được điểm nhấn, tạo được sự quan tâm của các cơ quan báo chí để thấy đó là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt, quan trọng, phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, chứ không qua loa, chiếu lệ.
Trước thực trạng hiện nay có không hiếm các phong trào sau khi phát động thì rơi vào quên lãng, thậm chí không hiệu quả, chỉ mang tính hình thức, nhà báo Nguyễn Tri Thức cho rằng để phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí thực sự hiệu quả, mỗi cơ quan báo chí cần coi đây là việc quan trọng đối với sự duy trì, phát triển, hoạt động đúng tôn chỉ mục đích để báo chí xứng đáng với vai trò “quyền lực thứ tư,” được bạn đọc tin tưởng, đón nhận.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan quản lý báo chí cần có sự giám sát, sơ kết, tổng kết, khen thưởng, xử lý kịp thời công khai, minh bạch để có thể vừa mang tính chất răn đe, vừa mang tính chất khuyến khích, động viên các cơ quan báo chí làm tốt, giúp phong trào luôn luôn được duy trì, có sức sống, có sự lan tỏa.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự tự giác của các cơ quan báo chí, với trách nhiệm duy trì, phát triển được phong trào bằng nhiều cách khác nhau; không ai có thể làm thay hoặc giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện.
Mỗi cơ quan báo chí có những quy chế, quy định riêng, tạo nên một “sức mạnh mềm” trong mỗi đơn vị, có thể như văn hóa nói “không” với phong bì khi làm việc với cơ sở; văn hóa không nói xấu đồng nghiệp; văn hóa nói “không” với việc “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”; văn hóa nói “không” với việc phê phán các đơn vị, doanh nghiệp để nhận tiền hoặc hợp đồng quảng cáo…
Tuy nhiên, theo nhà báo Nguyễn Tri Thức, cũng phải quan tâm đến việc phát triển nguồn thu cho các cơ quan báo chí bởi “vật chất quyết định tinh thần.”
Nếu các cơ quan báo chí không có nguồn kinh phí để hoạt động thì rất khó để thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, cũng như xây dựng môi trường văn hóa, nhà báo Nguyễn Tri Thức nêu ý kiến./.