Những nhịp búa đập quỳ hối hả, tất bật hơn bao giờ hết khi những ngày Tết Quý Mão đến gần. Những người thợ tay thoăn thoắt cắt những tấm vàng đã được cán mỏng đúng kích cỡ dán lên mặt giấy dó. Người Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) ai cũng có thể tham gia vào quá trình làm quỳ vàng, quỳ bạc…
400 năm nức tiếng gần xa
Xã Kiêu Kỵ cách trung tâm Thủ đô khoảng 15 km về phía Đông Bắc, được biết đến là nơi duy nhất trên cả nước làm nghề quỳ vàng, bạc, được công nhận di sản văn hóa quốc gia năm 2021.
Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, ông tổ của nghề quỳ vàng, bạc ở Kiêu Kỵ là Nguyễn Quý Trị quê gốc ở Hải Dương. Khi được vua cử đi sứ sang Trung Quốc, ông học được nghề làm vàng, bạc quỳ để sơn thếp lên câu đối, hoành phi… Khi về nước, ông truyền lại nghề cho dân làng Kiêu Kỵ bởi nơi đây nằm cách kinh thành Thăng Long không xa, thuận tiện cho việc sơn son thếp vàng, thếp bạc các công trình kiến trúc của vua chúa và đền, chùa, miếu, điện ở kinh đô.
Hiện nay có khoảng 50 hộ dân ở Kiêu Kỵ làm nghề quỳ vàng bán cho các làng nghề tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối hoặc sơn mài như Sơn Đồng, Hạ Thái (Hà Nội), Đồng Quang (Bắc Ninh), Cát Đằng (Nam Định)… Ngoài ra, người dân trong làng nghề còn sử dụng kĩ thuật thếp vàng thực hiện trên nhiều sản phẩm quà tặng, đồ vật trang trí, hay các công trình kiến trúc… thếp vàng trên mọi chất liệu như gỗ, gốm, đồng…
Có tiếng làm nghề ở đất Kiêu Kỵ là ông Lê Bá Chung. Năm 2004, ông đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đầu tiên và hiện là chủ tịch Câu lạc bộ Nghệ nhân Kiêu Kỵ.
Theo lời ông Chung, từ đời cha mẹ ông đã làm nghề làm vàng quỳ. “Tôi không theo nghề cha mẹ từ nhỏ mà tới khi rời quân ngũ về nhà mới kế nghiệp cha mình,” ông kể.
Trong những năm gần đây, nghề làm vàng, bạc quỳ ở làng Kiêu Kỵ đã phát triển thành hai loại: Làm vàng, bạc quỳ cựu và làm bạc quỳ tân. Trong đó, vàng và bạc quỳ cựu được làm từ vàng, bạc thật, còn bạc quỳ tân được làm từ thiếc.
Để làm ra vàng, bạc quỳ tân, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn như: Chế biến mực, pha giấy dó, đập-bóc giấy quỳ, lướt mực-đập giấy quỳ giống, pha giấy khấu làm lá quỳ vỡ, lướt mực-đập giấy quỳ vỡ, cán vàng-bạc, đánh vỡ, cắt dòng, đánh quỳ, trại quỳ thu thành phẩm. Mỗi công đoạn lại có nhiều khâu nhỏ hơn, lên tới gần 40 khâu khác nhau. Không chỉ tốn công, nghề làm vàng, bạc quỳ còn đòi hỏi ở người thợ sự kiên trì, tinh xảo.
Với quỳ cựu, nếu ngày trước phải mua vàng miếng về tự hóa lỏng rồi cán và tự đập thành lát vàng mỏng thì hiện nay chủ các cửa hàng đã tạo ra những lá vàng mỏng, giúp người làm vàng quỳ đỡ đi nhiều công đoạn.
Ông Chung cho hay những thỏi vàng, bạc thật được cán và đập cho mỏng thành những miếng diệp có kích thước 1cmx1cm rồi được đánh vỡ và cắt thành 9 đến 12 miếng đều nhau để nong vào giấy quỳ giống – một loại giấy dó mỏng và dai, được lướt nhiều lần với mực pha bằng bồ hóng và keo da trâu. Sau khi nong các miếng diệp vỡ vào giữa các giấy quỳ giống thành từng quỳ, người thợ xếp quỳ vào lồng và đặt lên bếp lò sấy nóng trong một đêm. Sau đó, quỳ được lấy ra rồi đập bằng búa tay cho đến khi miếng diệp bên trong mỏng dính, dàn đều ra 4 cạnh của lá quỳ (kích thước 5cmx5cm) là được. Công đoạn cuối cùng là dùng một chiếc bay nhỏ để gỡ các lá vàng, bạc quỳ ra rồi nong vào giữa các miếng giấy bản nhỏ cũng có kích thước 5cmx5cm.
Sản phẩm quỳ không sử dụng bất kỳ máy móc, thiết bị nào, hoàn toàn thủ công, mang dấu ấn của người nghệ nhân. Vậy nên qua nhiều năm, nghề làm quỳ vàng, bạc của Kiêu Kỵ vẫn giữ được chất lượng và vị thế độc đáo. Mỗi dịp gần Tết, những nhịp búa luôn vang lên hối hả báo hiệu một mùa “bội thu” như vẫy gọi mùa Xuân về trên khắp nẻo đường Kiêu Kỵ.
Trăn trở giữ ‘nghề tổ’
Những sản phẩm quỳ vàng là niềm tự hào của người Kiêu Kỵ, tuy nhiên cũng có nỗi niềm của những người làm nghề sau năm tháng hoàng kim là giữ và truyền nghề cho hậu thế.
Những năm gần đây, quỳ vàng công nghiệp từ Trung Quốc tràn vào, mặc dù chất lượng không sánh được với quỳ vàng của Kiêu Kỵ nhưng vì giá rẻ nên vẫn được nhiều khách hàng chọn. Vì thế, không ít gia đình trong làng phải chuyển sang nghề khác.
Bà Phạm Thị Ngọ (76 tuổi) có thâm niên 60 năm làm nghề bảo rằng được bố mẹ truyền nghề từ năm lên 10. Giờ nếu không làm, bà rất nhớ nghề. Hơn nữa “mình không dạy nghề cho con cháu trong làng liệu sau này còn ai giữ nghề nữa,” bà Ngọ cười hiền.
Tuy nhiên, việc thu hút lớp trẻ trong làng theo học nghề này lại không hề đơn giản. Cách làng Kiêu Kỵ không xa, những khu công nghiệp mới của tỉnh Hưng Yên mọc nên rất nhiều và thu hút số đông giới trẻ tới làm việc. “Tôi từng cùng cán bộ xã đến tận nhà những hộ gia đình đã từng làm nghề, vận động con em họ tiếp tục gắn bó với sự nghiệp của tổ tiên. Tuy nhiên, có rất ít người đồng ý gắn bó với nghề làm,” ông Chung cho biết.
Hồi tưởng lại kỷ niệm với lớp học đầu tiên, ông Chung cho các học trò thực hành trực tiếp trên các sản phẩm khách đặt hàng. “Tôi vẫn nhớ mãi ngày đó, mình bỏ tiền túi ra đền sản phẩm học trò làm hỏng của khách. Nhưng dày công rèn luyện, lớp thợ ấy ai cũng giỏi giang,” ông Chung nhớ lại.
Rồi ông bảo nghề làm vàng, bạc quỳ rất tinh xảo, tỷ mỷ, đòi hỏi người thợ kiên trì, cần mẫn, cẩn thận, tinh tế. Cũng vì lẽ đó nên nghề này kén người theo cho đến khi thành thợ lành nghề. Trong gần 40 năm qua, có nhiều lớp thợ đã đặt dấu chân trong chặng đường giữ nghề của ông Chung, tuy nhiên không phải ai cũng kiên trì theo đuổi.
Ông Chung tự hào khi hai người con trai của ông đều kế nghiệp cha, viết tiếp những trang sách cho nghề làm vàng quỳ Kiêu Kỵ. Ông hào hứng khi kể cho tôi nghe về những người trẻ tay nghề giỏi tại xưởng của con trai thứ. “Chúng nó còn trẻ nhưng tay nghề tốt lắm, có khi còn nhanh nhạy hơn chúng tôi ngày trước.” Đó là trái ngọt của nghệ nhân sau 40 năm gắn bó với nghề, không chỉ là niềm vui và hạnh phúc của riêng ông mà còn là niềm mong mỏi giữ được nghề cho thế hệ sau.
Hằng ngày, những người như ông Chung hay bà Ngọ vẫn cặm cụi với công việc và sẵn sàng truyền lửa, hy vọng vào những trang sách mới của thế hệ sau viết tiếp cho làng nghề…/.