Ngày 14/12, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Câu lạc bộ “Trái tim người lính Việt Nam” sẽ giới thiệu tác phẩm nhật ký chiến trường “Lính chiến” của Trung uý-cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm.
Tác giả Phạm Hữu Thậm sinh năm 1945 tại thôn Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn (nay là phường An Phụ, thị xã Kinh Môn) tỉnh Hải Dương. Nhập ngũ tháng 4/1968, chỉ qua huấn luyện tân binh 2 tháng, ông đã cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam và được biên chế vào Đại đội 14, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Từ một chiến sỹ, trải qua nhiều trận đánh sống chết với kẻ thù, anh lính Phạm Hữu Thậm đã trở thành Phó tiểu đoàn trưởng Quân sự, với quân hàm Trung uý.
[Ra mắt Câu lạc bộ ‘Trái tim người lính’ và tiếp nhận kỷ vật thời chiến]
Trong 14 năm cầm súng, Trung uý Phạm Hữu Thậm đã trực tiếp chiến đấu 127 trận; tiêu diệt 253 tên địch; bắn rơi 19 máy bay (trong đó có 4 chiếc phản lực và 15 trực thăng). Cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm đã được tặng thưởng tới 7 Huân chương Chiến công các loại, 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ,” 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sỹ diệt máy bay” cùng nhiều danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” và “Chiến sỹ quyết thắng.”
Trong đại thắng mùa Xuân 1975, sau khi cùng đơn vị tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng, Phạm Hữu Thậm cùng đơn vị được điều đi chi viện cho lực lượng Hải quân giải phóng Trường Sa. Ông đã xung phong cùng đồng đội bí mật lên tàu vượt biển, trực tiếp cùng bộ đội Đặc công nước tham gia các trận đánh và lần lượt giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca và Nam Yết.
Khi Trường Sa đã hoàn toàn được giải phóng, Phạm Hữu Thậm đã được giao nhiệm vụ làm Chính trị viên đảo Sơn Ca trong 3 tháng. Tiếp đó, ông đảm nhiệm trọng trách làm Đảo phó Song Tử Tây đến hết tháng 8/1976 mới vào đất liền và được điều động bổ sung về Lữ đoàn 126 của Bộ Tư lệnh Hải quân.
Tiếp đó, sau khi chiến tranh biên giới phía Tây Nam nổ ra, tháng 12/1978, Phạm Hữu Thậm lại được điều động đi làm nhiệm vụ quốc tế tại mặt trận Campuchia, tấn công truy kích địch tới sát biên giới Thái Lan, liên tục tham gia hàng chục trận đánh ác liệt, mãi tới tháng 7/1979 mới được lệnh rút về nước.
Tháng 1/1982, do sức khoẻ yếu, Trung uý Phạm Hữu Thậm nghỉ chế độ mất sức của bệnh binh.
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Trái tim người lính Việt Nam” nhận định Trung uý Phạm Hữu Thậm thật sự là một “Lính chiến” dạn dày trận mạc.
Từng đọc hàng trăm cuốn sổ tay nhật ký của các liệt sỹ, thương binh, cựu chiến binh… nhưng nhà văn Đặng Vương Hưng chưa thấy có tác phẩm nào, mà ngoài việc ghi ngày, tháng, năm cụ thể, lại còn thêm cả hồi mấy giờ chi tiết như “Lính chiến.”
“Khác với thư từ, kể cả những người không biết chữ cũng có thể nhờ người khác viết thư hộ mình, nhật ký thì không ai có thể viết hộ ai và đòi hỏi người viết phải có một trình độ văn hóa, khả năng diễn đạt câu chữ nhất định. Ngoài ra, người viết nhật ký còn phải có cả sự bền bỉ, đều đặn, duy trì thói quen ngày này qua ngày khác,” nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết.
Khi được biết đến cuốn nhật ký này, Đại tá Đặng Vương Hưng và nhà văn-cựu chiến binh Lê Hoài Nam đã đọc say sưa và khẳng định câu chuyện càng về cuối lại càng hấp dẫn hơn.
“Đây không phải là chuyện văn chương mà là chuyện đời. Những câu chữ đã vượt qua khuôn khổ của một tác phẩm văn học thông thường. Cuốn sách đã chuyển tải tới người đọc rất nhiều thông tin trung thực về những người lính đã sống và chiến đấu tại chiến trường Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ như thế nào,” nhà văn Đặng Vương Hưng nói.
Nhà văn Lê Hoài Nam cho rằng đó là sự trung thực đến trần trụi về cuộc sống và những trận chiến đầy máu và nước mắt: Những trận đánh kéo dài hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác và năm này qua năm khác, lần lượt hiện lên qua từng trang nhật ký. Đó thật sự là những khúc ca bi tráng của người lính tại chiến trường, nhưng lại có trong “Lính chiến.”
Tác phẩm sẽ được giới thiệu vào ngày 14/12 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) và ngày 16/12 tại Nhà khách Quân khu 5 (Đà Nẵng)./.