Ngày 8/2 (tức ngày 18 tháng Giêng năm Quý Mão), Lễ hội Vía Bà Ngũ hành Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An được tổ chức với sự tham dự của nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cùng đông đảo người dân địa phương.
Miếu Bà Ngũ hành là thiết chế văn hóa tín ngưỡng dân gian, xuất hiện trong quá trình khai hoang lập ấp nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của cộng đồng vào giữa thế kỷ 17.
Lễ hội Vía Bà Ngũ hành Long Thượng là minh chứng cho nhu cầu thẩm mỹ và đạo đức trong đời sống nhân dân trong các việc như xây nhà, dựng đình, lập chùa, đắp lộ cho đến lễ nghi phong tục, giọng hò, câu lý… từ những thế kỷ trước.
Ngày 22/2/1997, Miếu Bà Ngũ hành Long Thượng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Ngày 19/12/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Vía Bà Ngũ hành Long Thượng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
[Đảm bảo lễ hội Xuân Quý Mão 2023 diễn ra an toàn, văn minh]
Tục thờ và lễ hội gắn với tục thờ Ngũ hành Long Thượng được thực hiện trên quan điểm giá trị của văn hóa tín ngưỡng, mang các giá trị tiêu biểu như ước vọng hài hòa tự nhiên, phồn vinh, thịnh vượng, đồng thời mang tính lịch sử, tính cộng đồng…
Qua 2 năm bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, năm nay Lễ hội Vía Bà Ngũ hành Long Thượng được tổ chức từ ngày 18-21 tháng Giêng, với các nghi thức về nghệ thuật, diễn xướng dân gian như: chầu mời, thỉnh bà, dâng bông, hát chập, bóng rỗi… thu hút hàng chục ngàn người từ khắp nơi đến cúng, viếng.
Lễ hội Vía Bà Ngũ hành Long Thượng còn là dịp để nhân dân trong và ngoài địa phương gặp gỡ, giao lưu, củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng.
Dịp này, tại Long An, nhiều lễ hội văn hóa tín ngưỡng dân gian được tổ chức. Đặc biệt, từ ngày 16-18 tháng Giêng, tại Đình Vĩnh Phong (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa), Lễ hội Kỳ Yên diễn ra mang đậm nét văn hóa truyền thống đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm của vùng đất nông nghiệp./.