Ngày 8/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cam kết tăng cường các nguồn lực của chính phủ Mỹ giúp chống lại nạn tin giả ở Mỹ Latinh, đồng thời cảnh báo về sự gia tăng của thông tin bịa đặt và tình trạng bạo lực nhằm vào các nhà báo ở Mỹ Latinh.
Phát biểu với báo giới khu vực Mỹ Latinh bên lề Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ kéo dài một tuần ở thành phố Los Angeles, ông Blinken thông báo rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã khởi động “Mạng lưới liên lạc kỹ thuật số” mới cho khu vực Mỹ Latinh.
Mạng lưới này, đã có các trung tâm ở châu Âu và châu Phi, được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ song không nắm quyền quản lý. Mạng lưới này tập hợp các nhà báo để đào tạo và trao đổi về các phương thức tác nghiệp hiệu quả nhất.
[Brazil ra mắt nền tảng xác định tin giả với độ chính xác cao]
Ngoại trưởng Blinken cho biết sức lan truyền của thông tin sai lệch là “đáng kinh ngạc” khi nêu ví dụ về một câu chuyện hư cấu nói rằng COVID-19 là một vũ khí sinh học được tạo ra ở Canada, đã thu hút 2,1 triệu lượt xem trong 90 ngày so với 25.000 lượt tương tác trên tất cả các phương tiện truyền thông xã hội của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo Ngoại trưởng Blinken, thông tin sai lệch có thể làm phân cực cộng đồng, làm giảm lòng tin của người dân vào hệ thống y tế, thể chế chính phủ…
Ngoài ra, ông Blinken cũng cho rằng cáo buộc về tin giả đã gây phiền toái cho các nhà báo đồng thời cảnh báo rằng 16 nhà báo ở khu vực Tây bán cầu đã thiệt mạng trong năm 2022./.