Chiều 24/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới năm 2022; triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Phải xem thông tin đối ngoại là mặt trận quan trọng
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đánh giá cao kết quả của công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, biên giới trong bối cảnh năm 2022 đầy thách thức.
Qua đó, góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nâng cao sự đồng thuận trong xã hội, duy trì luồng thông tin tích cực, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tranh thủ và huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, năm 2023 cũng là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đòi hỏi các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để có được những kết quả, điểm nhấn rõ ràng; khơi dậy, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của quần chúng nhân dân.
Trước yêu cầu trên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị tiếp tục xem công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền về biển, đảo, biên giới là mặt trận quan trọng; xác định việc nâng cao nhận thức, sự đồng thuận trong xã hội, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Đồng thời, cần chủ động, sớm có kế hoạch chỉ đạo, định hướng triển khai trong hệ thống chính trị đối với các sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa, đối ngoại quan trọng của đất nước; đồng thời, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa phương thức thông tin, tuyên truyền, phát huy hiệu quả việc áp dụng các phương thức truyền thông mới.
“Đã làm tốt rồi, phải làm tốt hơn nữa và coi trọng hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại và phân giới, cắm tuyên truyền, phân giới, cắm mốc và biển đảo, coi đây là một mặt trận hết sức là quan trọng, không những góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam, vị thế Việt Nam, mà quan trọng hơn là góp phần vào bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tinh thần này cần được quán triệt sâu, rộng hơn nữa, trước hết là trong lực lượng nòng cốt, lực lượng chuyên trách, sau đó là trong toàn dân,” ông Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ đạo.
Năm 2022, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ và vượt ra ngoài các kịch bản dự báo. Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của các ban, bộ, ngành và địa phương, công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới đã được triển khai một cách chủ động, đồng bộ, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả cao.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều đổi mới, sáng tạo cả về nội dung, phương thức, tiếp cận đa dạng các đối tượng khác nhau một cách linh hoạt, thuyết phục hơn, qua đó phản ánh sự đổi mới về tư duy, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền cũng như tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm của các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền về biển đảo, biên giới.
Công tác thông tin, tuyên truyền đã truyền tải đầy đủ, toàn diện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản chỉ đạo điều hành của Nhà nước; quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nhiều vấn đề thời sự, trọng tâm của năm 2022 được chú trọng thúc đẩy như chính sách phục hồi nền kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi chuỗi cung ứng…; quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế, có tính chất toàn cầu, điển hình là cuộc xung đột Nga-Ukraine; quan hệ hợp tác với các nước, trong đó tập trung vào những nước, đối tác có hoạt động kỷ niệm năm tròn ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
[Trao giải cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo ‘Tổ quốc bên bờ sóng’]
Đối với nội dung tuyên truyền biển, đảo, phân giới cắm mốc, quản lý biên giới, nổi bật là những nội dung cơ bản, ý nghĩa, vai trò của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Luật Biển Việt Nam; chủ quyền, an ninh biên giới gắn với tuân thủ pháp luật quốc tế và Việt Nam; hợp tác giao lưu nhân dân nơi miền biên giới…
Các nội dung trên đều được thông tin, tuyên truyền dưới nhiều phương thức đa dạng, hình thức hấp dẫn, sinh động, có tác động tích cực đến đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài nước, nhất là thế hệ trẻ.
Đa dạng hóa hình thức, đổi mới công tác thông tin đối ngoại
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, thông tin truyền thông và thông tin đối ngoại là một công cụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trong năm qua, thông tin đối ngoại đã tạo ra một hình ảnh Việt Nam tốt đẹp, tích cực với dư luận thế giới và Việt Nam đã tận dụng khá hiệu quả công cụ về thông tin đối ngoại trong để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Xác định tầm quan trọng đó, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại; tích cực tuyên truyền các hoạt động đối ngoại của các đoàn cấp cao, các đoàn công tác các cấp để tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền về công tác biên giới, lãnh thổ, biển đảo, đặc biệt là kết quả quả phân giới cắm mốc biên giới trên bộ với các nước láng giềng, những nội dung tích cực liên quan đến hợp tác trên biển; triển khai tích cực các đề án nâng cao hiệu quả về công tác thông tin đối ngoại tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2030 và sớm hoàn tất đưa vào triển khai đề án tổng thể mới về tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông đến năm 2030 và đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại trên báo chí bằng tiếng nước ngoài…
Là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới, bà Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cho biết, trong năm qua, TTXVN đã sát cánh với các bộ, ngành, địa phương chủ động đóng góp công sức, trí tuệ trong công tác thông tin đối ngoại để phục vụ nhiệm vụ, nỗ lực, quyết tâm sớm khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tiếp tục khẳng định uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổng Giám đốc TTXVN cũng chia sẻ một số vấn đề, đề nghị lãnh đạo các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết trong triển khai công tác thông tin đối ngoại như cần có cơ chế chủ động để giữ, bồi dưỡng nhân sự làm thông tin đối ngoại vừa có trình độ ngoại ngữ vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng; nâng cao năng lực phân tích, dự báo tình hình để làm tốt hơn nhiệm vụ định hướng dư luận trong thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại; đề nghị cân đối đầu tư, chi phí cho sách phục vụ thông tin đối ngoại, trong đó tăng mạnh sách điện tử.
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, thời gian qua, Viettel đã triển khai rất nhiều hoạt động phục vụ công tác đảm bảo thông tin, liên lạc, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới, biển đảo.
Đồng thời, thông qua hoạt động đầu tư nước ngoài, Viettel đã trở thành cầu nối tăng cường mối quan hệ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và con người Việt Nam với nhiều nước trên thế giới; góp phần giúp các quốc gia hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam nói chung về tình hình biển đảo Việt Nam nói riêng; tạo thế đan cài lợi ích, tạo thêm thế và lực, hiện thực chủ trương bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo từ sớm, từ xa.
Dịp này, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới đất liền năm 2022./.