Chiều 14/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Cùng dự phiên họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cùng các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết trong những năm qua và nhất là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao Văn phòng Quốc hội – cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội không ngừng cải tiến, đổi mới về nội dung và phương thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng đoàn Quốc hội đã giao Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng “Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV.”
Việc xây dựng, ban hành Đề án được coi là một trong những giải pháp thiết lập khuôn khổ chính sách của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và xây dựng kế hoạch truyền thông một cách bài bản, có hiệu quả, góp phần công khai, minh bạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; tăng cường tương tác giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri, nhân dân; phát triển công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội đúng với vai trò, vị thế cơ quan dân cử.
[Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10]
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh công tác truyền thông về Quốc hội cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương.
Để công tác thông tin truyền thông của Quốc hội đi đúng hướng phục vụ nhân dân, để người dân thấu hiểu và nắm được hoạt động, các quyết sách của Quốc hội, lan tỏa rộng khắp từ Trung ương đến địa phương, đến từng cử tri và người dân; góp phần thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra,” để người dân sống và làm việc theo đúng Hiến pháp, pháp luật, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cơ quan thông tấn, báo chí.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết của việc sớm ban hành và đi vào tổ chức triển khai thực hiện Đề án; đồng thời ghi nhận công tác truyền thông về Quốc hội không ngừng cải tiến, đổi mới.
Các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Văn phòng Quốc hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền, từ đó đưa Quốc hội, hoạt động của Quốc hội đến gần dân hơn.
Một số ý kiến cho rằng, hoạt động truyền thông còn thiếu tính định hướng chiến lược, bài bản. Chính sách và pháp luật hiện hành về công tác truyền thông của Quốc hội chưa đầy đủ; các phương thức truyền thông chưa được triển khai đồng đều và thường xuyên.
Các đại biểu đều thống nhất trong bối cảnh không ngừng biến động, thay đổi của thực tiễn cuộc sống, yêu cầu phát triển của đất nước, để đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin của người dân; đồng thời để hoạt động truyền thông của Quốc hội Việt Nam tiếp tục phát triển đúng với mục đích và tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền, cần sớm thiết lập khuôn khổ chính sách và xây dựng kế hoạch truyền thông một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, đúng định hướng.
Do đó, việc xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án này là rất cần thiết và cấp bách./.
Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)