Năm 2022, lần đầu tiên ngành xuất bản cán mốc 6 bản/người/năm, trong đó các xuất bản phẩm điện tử có chiều hướng tăng nhanh, cho thấy tín hiệu tích cực về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng cũng như sự phát triển của ngành.
Trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển, thói quen tiếp cận và đọc sách thay đổi, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng loại hình sách cũng như kênh truyền thông sách, đang được các đơn vị xuất bản chú trọng, để đưa sách và bạn đọc đến gần nhau hơn.
Cán mốc 6 bản sách/người/năm
Trong bối cảnh khó khăn chung của nhiều ngành, năm 2022, hoạt động ngành xuất bản vẫn giữ được ổn định, các chỉ số về đầu sách, bản sách, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước đều tăng.
Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là trên 38.000 bản (tăng 15,42% so với năm 2021), với gần 599 triệu bản (tăng 49,5%).
Tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 429 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2022, lần đầu tiên ngành xuất bản đã đạt mục tiêu về tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người, với 6,02 bản/người/năm. Đây là mục tiêu đã được ngành đặt ra từ gần 10 năm trước.
Theo các chuyên gia, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng khi phân tích sâu hơn vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong việc phát triển ngành một cách bền vững. Trong đó, dù đạt mốc 6 bản sách/người/năm nhưng số sách giáo khoa, sách hỗ trợ người học vẫn chiếm tỷ lệ cao, đến 50%, trong khi các nước trên thế giới tỷ lệ này chỉ khoảng 30%.
Sách giáo khoa là loại hình sách mà bạn đọc tiếp cận mang tính bắt buộc vì thế, bài toán đặt ra là ngành xuất bản và những người làm xuất bản cần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, thay đổi hành vi đọc sách để tiếp cận tri thức một cách tự nhiên như một nhu cầu.
Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là “điểm sáng” của cả nước về phát triển văn hóa đọc với nhiều mô hình hay như đường sách, công viên, càphê sách…
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, từ năm 2015 đến năm 2021, bình quân mỗi năm thành phố đã xuất bản, phát hành gần 15.000 tựa sách với hơn 2 triệu bản và tốc độ gia tăng khoảng 10%/năm.
Thị trường xuất bản điện tử tại thành phố cũng phát triển mạnh mẽ. Thống kê năm 2022 cho thấy tốc độ tăng trưởng xuất bản phẩm điện tử tăng 312% so với năm 2021, với 3.200 đầu sách, khoảng 4 triệu lượt người sử dụng.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, chia sẻ với kết quả đã đạt được, thành phố đang đặt mục tiêu phấn đấu để đạt được danh hiệu “Thủ đô sách thế giới” vào năm 2025. Danh hiệu này sẽ là động lực để ngành xuất bản phát triển, bởi để đạt được mục tiêu đó sẽ có nhiều chính sách thiết thực được ban hành để văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ.
Thực tế, công nghệ số, đặc biệt những ứng dụng thiết thực từ trí tuệ nhân tạo đã tác động mạnh mẽ đến các ngành, trong đó cũng đặt ra nhiều vấn đề về thay đổi tư duy, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.
[Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi]
“Công nghệ và gần đây nhất nổi lên là chatGPT đã tạo ra một ‘luật chơi’ mới mà ngành xuất bản cũng như các ngành khác đều phải tiếp cận để có sự điều chỉnh phù hợp.
Trong bối cảnh đó, hướng đi mà các nhà xuất bản cần tập trung là nâng cao chất lượng các ấn phẩm, hướng tới các ấn phẩm chuyên sâu, chuyên ngành. Nếu các nhà xuất bản chú trọng tạo ra những ấn phẩm chuyên sâu với đặc sắc riêng của mình thì công nghệ chỉ có thể là công cụ hỗ trợ chứ không thể thay thế nhà xuất bản,” ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định.
Đáp ứng nhu cầu bạn đọc
Đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả, việc xuất bản các ấn phẩm điện tử đã và đang được các nhà xuất bản đẩy mạnh; đồng thời các kênh truyền thông số cũng được các đơn vị tận dụng nhằm tiếp cận bạn đọc, mở rộng thị trường sách. Nếu như nhiều năm trước, các nhà xuất bản chưa chú trọng đến mảng xuất bản điện tử, thì những năm gần đây xu hướng này được nhiều đơn vị lựa chọn đẩy mạnh.
Đáng chú ý, đến nay đã có 19/57 nhà xuất bản trong cả nước tham gia đăng ký xuất bản và phát hành ấn phẩm điện tử, tăng 72,7% so với năm 2021. Số xuất bản phẩm điện tử cũng theo đó tăng lên 45,6%, với 3.350 xuất bản phẩm, ước tính khoảng 32.000 bản được xuất bản trong năm 2022.
Thực tế, sách lý luận chính trị được xem là mảng sách khó và kén độc giả. Bà Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, chia sẻ thời gian qua, nhà xuất bản đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tiếp cận bạn đọc.
Bên cạnh các hình thức xuất bản truyền thống, Nhà xuất bản quan tâm tới việc xuất bản sách điện tử, sách nói, sách điện tử đa phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trẻ. Ngoài ra, truyền thông sách trên mạng xã hội được thực hiện nhiều năm nay, giúp mở rộng đối tượng độc giả cho nhà xuất bản.
Năm vừa qua, lượng xuất bản điện tử đã tăng lên đáng kể, bước đầu đơn vị cũng đạt được doanh thu từ việc phát hành sách điện tử. Mặt khác, mảng sách tinh gọn và sách thường thức cũng được nhà xuất bản đẩy mạnh thực hiện giúp bạn đọc tiếp cận với sách một cách dễ dàng hơn.
Nhiều năm qua, khi mua bản quyền sách in, Công ty Trách nhiệm hữu hạn bán lẻ Phương Nam đều mua bản quyền để xuất bản sách điện tử đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Hiện các ấn phẩm điện tử của đơn vị này chiếm 30% đầu sách hiện có.
Các ấn phẩm điện tử đã làm đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khách hàng. Tuy nhiên, sách giấy hiện vẫn giữ vị trí quan trọng trong xuất bản, phát hành của đơn vị.
Việc phát triển các xuất bản điện tử là hướng đi tất yếu để tiếp cận bạn đọc dễ dàng hơn. Dù vậy, lo ngại lớn nhất của các đơn vị xuất bản, phát hành hiện nay là việc vi phạm bản quyền với các ấn phẩm điện tử trở nên dễ dàng hơn nhưng chế xử lý chưa đủ mạnh.
Bà Ngô Kim Thủy, Giám đốc kinh doanh sách quốc văn (Công ty Trách nhiệm hữu hạn bán lẻ Phương Nam), chia sẻ việc thực hiện các ấn phẩm điện tử tốn nhiều chi phí và bước đầu doanh thu còn thấp, tình trạng làm sách lậu, sao chép các nội dung không bản quyền còn khiến đơn vị xuất bản gặp khó hơn.
Đơn vị cũng đã có các bước xử lý như yêu cầu gỡ các nguồn sách lậu trên các nền tảng mạng xã hội. Nhưng ở góc độ quản lý, cần có chế tài mạnh hơn đủ sức răn đe với hành vi vi phạm bản quyền, cùng chung tay bảo vệ lợi ích của công ty sách, của tác giả, tạo sự lành mạnh cho thị trường sách Việt Nam.
Đánh giá về hoạt động xuất bản ấn phẩm điện tử, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra tác động mạnh mẽ đối với tất cả các lĩnh vực. Thị trường xuất bản phẩm điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ nhưng chưa xứng với tiềm năng. Cách tiếp cận của các nhà xuất bản với độc giả còn hạn chế, vẫn áp dụng số hóa theo cách truyền thống, chưa thu hút độc giả, nhất là độc giả trẻ.
Cái mới của sách điện tử hiện nay là cần phải hình thành thế hệ người viết mới, người viết này phục vụ cho độc giả đang dành nhiều thời gian vào việc dùng điện thoại đọc sách mỗi ngày. Đây cũng chính là hướng phát triển trong tương lai của ngành xuất bản phẩm điện tử./.