Ngày Thơ Việt Nam 2023: Màn trình diễn của thơ ca, âm nhạc, hội họa

Xem bài viết

Ngày Thơ Việt Nam 2023: Màn trình diễn của thơ ca, âm nhạc, hội họaBất chấp trời mưa phùn ẩm, hàng trăm khách tham quan vẫn đến Hoàng Thành Thăng Long sáng ngày 5/2 để đón sự kiện Ngày Thơ Việt Nam 2023. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Buổi sáng Rằm tháng Giêng năm Quý Mão, mưa lớn khiến cho các hoạt động của Ngày Thơ Việt Nam 2023 diễn ra muộn hơn dự định. Gần trưa, khi trời tạnh ráo, đông đảo người yêu thơ đã đến Hoàng thành Thăng Long để tham gia các hoạt động phong phú tại “lễ hội” của thi ca.

Có thể nói, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 được tổ chức ở quy mô lớn và đặc biệt nhất trong lịch sử của sự kiện này.

Với chủ đề “Nhịp điệu mới,” Ngày Thơ thể hiện ước vọng, khí thế và niềm tin mới ở tương lai tràn đầy những điều tốt đẹp.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết các chương trình sẽ là sự hòa quyện của thơ ca, âm nhạc, nghệ thuật thị giác và hội họa.

“Bằng mọi cách thức, mọi cung bậc, chúng tôi muốn lan tỏa thơ ca đến với mọi người. Không chỉ là người yêu thơ mà cả người chưa yêu thơ, chưa hiểu thơ, khi bước chân đến ‘cõi thơ’ cũng hiểu hơn về thơ, yêu thơ hơn. Đó là mục đích của chương trình,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Quang Thiều cho hay không gian Ngày Thơ năm nay được mở rộng hơn so với các lần tổ chức trước đây.

“Sau 3 năm đại dịch không thể thực hiện được sự kiện, năm nay chúng tôi chuyển địa điểm tổ chức đến Hoàng thành Thăng Long. Cũng như Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đây là không gian văn hóa thiêng liêng, phù hợp để thơ ca cất tiếng vì những điều tốt đẹp,” ông nói.

Giải thích thêm về chủ đề năm nay, ông Thiều cho rằng thơ ca luôn song hành và làm nên vẻ đẹp của cuộc sống, giúp con người vượt qua bóng tối, nuôi dưỡng ý chí mạnh mẽ và cảm thông với nhau hơn. Trong thời đại mới, thơ ca phải mang lương tri và giọng nói của thời đại, phải thể hiện được niềm vui, nỗi buồn, khát vọng, trăn trở của con người.

[Hà Nội: Người yêu thi ca đội mưa đón Ngày thơ Việt Nam 2023]

“Thơ ca phải có ‘nhịp điệu mới’, phải đổi mới thi pháp, phải cất lên tiếng nói đại diện cho tâm hồn con người và thời đại ngày nay nhưng không bao giờ rồi bỏ con đường-sứ mệnh của mình đó là tôn vinh nhân tính,” ông Thiều khẳng định.

Với tinh thần đó, Ngày Thơ Việt Nam đã diễn ra với nhiều hoạt động như hội sách, tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay,” chiếu phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ nổi tiếng đã góp phần xây dựng nên nền thi ca Việt Nam, phát video clip tuyển chọn các ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ những bài thơ được nhiều người yêu thích, triển lãm tại Nhà ký ức thơ, đọc thơ, trò chuyện về thơ trong Quán thơ…

Buổi tối, chương trình nghệ thuật chính của Ngày Thơ sẽ diễn ra tại sân khấu trung tâm trước cổng Đoan Môn. Sẽ có 21 bài thơ/tác giả thơ xuất hiện trong chương trình, tương đương với con số Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21. Công chúng sẽ được gặp lại hình ảnh của các nhà thơ nổi tiếng giai đoạn Thơ Mới đến thơ kháng chiến chống Pháp như: Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Chính Hữu… Đan xen với đọc thơ, các nghệ sỹ nổi tiếng sẽ trình diễn những ca khúc được phổ nhạc từ các bài thơ được công chúng yêu thích.

Ngay Tho Viet Nam 2023: Man trinh dien cua tho ca, am nhac, hoi hoa hinh anh 2Không gian triển lãm về thơ ca Việt Nam qua nhiều thời kỳ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tổng đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: “Chúng tôi muốn biến Ngày Thơ Việt Nam trở thành một lễ hội đón nhận những người yêu thơ và cả những người chưa yêu thơ. Khi tới không gian của Hoàng thành Thăng Long, chúng ta đều sẽ có sự quan tâm duy nhất là thơ ca. Thơ không chỉ tồn tại thầm lặng mà phải trở thành một nguồn năng lượng mới, mang một tinh thần mới, với khát vọng mới cho xã hội tốt đẹp hơn.”

Tham dự Ngày Thơ Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết ông rất ấn tượng với không gian triển lãm Nhà ký ức thơ của Bảo tàng Văn học Việt Nam. Qua đó, công chúng được chiêm ngưỡng các hiện vật quý của các nhà văn, nhà thơ đã đồng hành, dấn thân trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

“Đó là những hiện vật biết nói, kể cho chúng ta về cuộc sống và tâm hồn cũa những chiến sỹ trên ‘mặt trận’ văn nghệ. Hy vọng rằng với những tác phẩm đã đi vào lòng người của các thế hệ nhà văn, nhà thơ đi trước, các nhà thơ trẻ sẽ có thêm cảm hứng sáng tạo, cống hiến nhiều tác phẩm có giá trị, đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng hệ giá trị con người và văn hóa Việt Nam,” nhà thơ Hữu Thỉnh bày tỏ./.

Minh Thu (Vietnam+)