Gần 90 tuổi đời với hơn 70 năm nuôi dưỡng tình yêu quan họ, nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Cầu (sinh năm 1935, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) không chỉ là người “truyền lửa” đến thế hệ sau mà còn là “bảo tàng sống” lưu giữ văn hóa.
70 năm nuôi dưỡng tình yêu quan họ
Mặc dù đã bước sang tuổi 87 nhưng giọng hát của nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu vẫn rất khỏe khoắn, “vang, rền, nền, nảy.”
Với vốn hiểu biết văn hóa quan họ của mình, anh Hai (cách xưng hô của người quan họ) Nguyễn Văn Cầu đã trở thành “linh hồn” của Câu lạc bộ quan họ Thị Cầu, giúp quy tụ và truyền dạy cho các thế hệ sau.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu cho biết sinh ra ở làng quan họ gốc Thị Cầu, ông lớn lên nhờ dòng sữa mẹ và được nuôi dưỡng tâm hồn từ những câu dân ca. Ông được học quan họ từ người chú vào năm 1951, học cách hát, cách đối đáp, làn điệu, cách xưng hô, tác phong, ẩm thực… của người quan họ. Từ đó, làn điệu dân ca này dần ngấm vào máu thịt ông.
[Hai chị em nghệ nhân lan tỏa tình yêu dân ca quan họ đến thế hệ trẻ]
Theo ông Nguyễn Văn Cầu, hát quan họ thì dễ nhưng cách “chơi” quan họ rất khó bởi “chơi” cần tổng hợp các yếu tố văn hóa như biểu diễn, trang phục, ẩm thực, các tục của người quan họ… Vì vậy, các liền anh, liền chị cần có quá trình sinh hoạt lâu dài, học hỏi từ nhiều thế hệ. Quan họ chủ yếu truyền miệng nên chỉ đi “chơi quan họ” mới có thể thấm nhuần và hiểu được những nguyên tắc.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu chia sẻ một canh hát quan họ giữ đúng các lề lối thường kéo dài từ 19 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau; được chia thành 3 chặng. Chặng đầu tiên, các liền anh, liền chị hát những bài “lề lối” giọng cổ. Chặng thứ hai, liền anh, liền chị hát những bài thuộc giọng vặt. Chặng cuối mời nhau xơi tiệc mặn, tiệc ngọt và ca những lời ca ân nghĩa, thủy chung để rồi khi chia tay sẽ hát những lời ca giã bạn.
Thường xuyên được tham gia các canh hát nên đến nay, ông Cầu có thể hát được hầu hết các làn điệu quan họ cổ và truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Mỗi câu lạc bộ quan họ lại có những đặc trưng riêng nên ông thường xuyên tham gia những buổi giao lưu để trau dồi “vốn liếng.” Ông cũng trực tiếp mở canh hát tại nhà và mời liền anh, liền chị các làng quan họ bạn đến giao lưu và tham gia nhiều cuộc thi hát dân ca trong tỉnh.
“Truyền lửa” tình yêu quan họ
Không chỉ tự trau dồi, làm giàu kho tàng kiến thức của bản thân, nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu còn là người tập hợp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ quan họ Thị Cầu từ năm 1988 đến năm 1993.
Từ năm 1993 đến nay, mặc dù sức khỏe yếu, không còn làm chủ nhiệm nhưng ông vẫn là “linh hồn” của câu lạc bộ.
Chia sẻ về vai trò của nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Cầu trong công tác bảo tồn quan họ, ông Lê Văn Trọng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ quan họ Thị Cầu cho biết ông là “bảo tàng sống” của quan họ Thị Cầu nói riêng và dân ca quan họ Bắc Ninh nói chung.
Ông là cố vấn, thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ để truyền dạy cho các thành viên về cách “chơi” quan họ của các liền anh, liền chị xưa kia, cách tổ chức buổi hát canh theo lối cổ…
Bên cạnh đó, ông là một trong 4 thành viên của Ban truyền dạy quan họ Thị Cầu, trực tiếp truyền dạy các làn điệu, câu ca cho thế hệ sau. Đặc trưng của quan họ là cách buông câu nhả chữ, các từ nhấn nhá cần đúng chỗ, chỉ cần quên, sai một chi tiết là có thể phá hỏng cả bài nên mỗi khi có người đến học, ông luôn tỷ mỷ, hướng dẫn người học.
Để các thế hệ hiểu rõ về quan họ, trong quá trình truyền dạy, ông giải thích cặn kẽ, sâu sắc về nguồn gốc, lề lối, quy tắc của một canh hát truyền thống, trang phục, cách chơi, hệ thống các giọng lề lối; các giọng lẻ, giọng vặt và giã bạn cùng các quy tắc ứng xử, phong cách lối sống, lối chơi đặc trưng.
Đến nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu đã truyền dạy cho hàng trăm liền anh, liền chị. Nhiều người đã có thể truyền dạy ở các câu lạc bộ, đi thi và đạt được các thành tích cao ở các cuộc thi dân ca quan họ Bắc Ninh.
Liền chị Nguyễn Thị Lập (sinh năm 1950, Câu lạc bộ quan họ Thị Cầu) cho biết cô đã có nhiều năm sinh hoạt tại câu lạc bộ. Bên cạnh những bài hát lời mới, cô còn được nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu và những nghệ nhân cao tuổi truyền dạy những bài hát cổ, khó, đặc trưng. Cô cũng được nghe nghệ nhân kể về những buổi sinh hoạt theo lề lối cổ, nguồn gốc, điển tích quan họ.
Cùng với việc truyền dạy quan họ, với mong muốn lan tỏa và gìn giữ vốn quý quê hương, nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu còn cung cấp tư liệu phục vụ công tác sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu về di sản văn hóa quan họ, các tư liệu, cách hát của quan họ Thị Cầu cho các cơ quan chuyên môn như: Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh…
Đồng thời, ông tích cực đóng góp tư liệu vào quá trình làm hồ sơ công nhận Dân ca quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với những đóng góp đó, năm 2018, ông được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh công nhận nghệ nhân cấp tỉnh; năm 2019 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú; năm 2022, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân./.