Ngày 22/1 (mùng 1 Tết), đất trời Hà Nội bừng sáng chào đón ngày đầu tiên của năm Quý Mão 2023. Những tất bật của ngày 30 Tết, sự rộn rã trong đêm Giao thừa đã gác lại, thay vào đó là sự lắng đọng, thiêng liêng ngày đầu năm.
Người Hà Nội đón năm mới theo một cách rất riêng, nhẹ nhàng, tươi vui, tràn đầy ước vọng về một năm nhiều may mắn, bình an.
Sáng mùng 1 Tết, việc đầu tiên được các gia đình đặc biệt coi trọng, đó là nghi lễ cúng gia tiên, nhằm tri ân tổ tiên, cầu mong một năm mới hanh thông mọi việc. Do vậy, việc chuẩn bị mâm cỗ và các nghi lễ cúng gia tiên được mọi người chuẩn bị chu đáo. Người lớn lo soạn sửa, trẻ nhỏ ríu ran phụ giúp ông bà, bố mẹ.
Sau lễ cúng, mọi người quây quần đầm ấm bên mâm cơm đầu năm, cùng chuyện trò, chia sẻ với những kỳ vọng về năm mới. Rồi cả nhà cùng diện quần áo mới đi chúc Tết hoặc đón khách tới thăm nhà. Các bà, các mẹ thướt tha trong những tà áo dài hay còn trẻ em xúng xính trong những bộ váy áo nhiều màu sắc.
Những năm gần đây, ngoài việc đi chúc Tết, nhiều người thường lựa chọn du Xuân sớm. Ngay từ mùng 1 Tết, nhiều ngả đường trong nội đô Hà Nội đã tấp nập người, xe cộ đi lại. Trong đó, rất nhiều người đi lễ chùa trong những ngày đầu năm, vừa chiêm bái, lễ Phật cầu mong một năm tốt lành, vừa thưởng lãm cảnh sắc ngày Xuân nơi cửa Phật.
Nhiều ngôi chùa linh thiêng, cảnh sắc đẹp, thu hút đông người đến hành lễ như Chùa Hà, Quán Sứ, Trấn Quốc, Tảo Sách, Vạn Niên, Liên Phái… và cả các ngôi đền Quán Thánh, Kim Liên, Phủ Tây Hồ… Khu chính điện hay ngoài sân đền, chùa luôn tấp nập người tới lễ.
[Đưa văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho Thủ đô phát triển]
Chính vì thế, nhà chùa cũng như Ban quản lý các di tích đều cử người hướng dẫn người dân hành lễ, đảm bảo văn minh nơi thờ tự. Ông Bùi Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Quản lý di tích đền Quán Thánh cho biết đêm Giao thừa, đền mở cửa từ 20 giờ 30 đến 2 giờ sáng hôm sau; còn ngày mùng 1 Tết đền bắt đầu mở cửa từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối.
Do đền nằm trong Tứ trấn Thăng Long, là Di tích Quốc gia đặc biệt, trong đền có tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là Bảo vật quốc gia, hơn nữa nơi đây cảnh quan không gian đẹp nên từ lâu, đền Quán Thánh thu hút rất đông khách tới thăm. Lượng khách tới chiêm bái lễ Thánh trong ngày mùng 1 Tết lên tới hàng nghìn người. Do lượng khách đông nên lực lượng trong Ban quản lý di tích luôn túc trực nhắc nhở khách thực hiện đúng nội quy, quy định khi vào đền lễ đầu năm.
Trong khi đó, nhiều người khác, đặc biệt là học sinh, sinh viên lại lựa chọn Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi xin chữ đầu năm. Tết năm nào cũng vậy, khu di tích này đón hàng vạn người đến xin chữ ngay trong ngày đầu năm mới. Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Từ Giám đã bố trí nhiều bàn để các ông đồ cho chữ ngay khu vực sân. Mọi người trật tự xếp thành hàng dài trước các bàn ông đồ để xin chữ với mong muốn học tốt, thành đạt trong công việc.
Đối diện với khu nội tự của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, khu vực hồ Văn cũng rộn ràng với Hội chữ Xuân Quý Mão 2023. Tất cả 50 ông đồ được khảo tuyển kỹ lưỡng đã mang đến Hội chữ những bức thư pháp đẹp và viết chữ cho người dân có nhu cầu.
Em Phạm Xuân Hòa, đường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, năm học này là năm quan trọng đối với em khi sắp phải thi chuyển cấp. Bởi vậy, sáng mùng 1 Tết, em được bố mẹ đưa tới đây để xin chữ mong việc học hành, thi cử sẽ thuận lợi. Với chữ “Đăng khoa”có nghĩa là đỗ đạt mà em xin được, mong muốn của em sẽ đỗ vào trường trung học phổ thông tốp đầu của Hà Nội.
Hồ Hoàn Kiếm với các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan được mọi người ví như trái tim của Thủ đô, cũng thu hút đông đảo người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần hay lễ, Tết. Trong những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão, khu vực hồ Hoàn Kiếm được trưng bày rực rỡ với các bồn hoa, tiểu cảnh, mô hình, biểu tượng, linh vật của năm…
Mùng 1 Tết, nơi này đã rất đông người đến vui chơi, ghi lại những bức hình đẹp ngày đầu năm mới. Chị Trần Thị Thu Hằng, trú tại khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) hồ hởi cho biết: Ngày mùng 1 Tết là ngày quan trọng nhất, khởi đầu cho một năm mới, bởi vậy theo quan niệm của nhiều người, ngày này sẽ có nhiều “năng lượng” tốt. Đi du Xuân ngày đầu năm cũng là đón “năng lượng” tốt để mong một năm nhiều may mắn. Chị và cả gia đình có những trải nghiệm thú vị và cảm thấy tinh thần rất phấn chấn, hòa với niềm vui của ngày Xuân, cũng như của mọi người ngày đầu năm.
Người Hà Nội bao giờ cũng thế. Những tất bật, lo toan của cả năm cũ bao giờ cũng được gác lại, thay vào đó là một tinh thần mới, khí thế mới, khi đất trời chuyển sang thời khắc mới.
Một năm cũ qua đi, một năm mới đang tới mở ra nhiều kỳ vọng cho sự phát triển phồn thịnh và mạnh mẽ. Một tâm thế tốt, một niềm tin ngời sáng, sẽ mang lại những thành công nhất định trong năm tới.
Cũng trong dịp này, để tạo thêm khí thế vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao tại các khu vực trung tâm thành phố và trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Các địa điểm vui chơi, giải trí cũng tổ chức nhiều hoạt động chào đón Xuân mới, nhằm thu hút đông đảo khách tới tham quan./.