Vùng đất Tây Nguyên đại ngàn không chỉ có cái nắng, cái gió, những hàng cao su thẳng tắp tận chân đồi hay những rẫy cà phê chín đỏ mọng mà còn có những nét văn hóa bản địa vô cùng hấp dẫn, kỳ thú. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đang dần mai một.
Để có thể bảo tồn, giữ lại nét riêng của Tây Nguyên, rất cần những con người yêu văn hóa dân tộc, hy sinh lợi ích cá nhân để lưu truyền những giá trị tinh thần cộng đồng như anh Đinh A Ngưi (làng K’giang, xã Kông Lơng Khơng, huyện K’bang).
Kết nối cộng đồng
Nhắc đến A Ngưi, người dân trong lĩnh vực văn hóa, du lịch của tỉnh Gia Lai không ai là không biết. Ở tỉnh lớn thứ hai cả nước, để kết nối địa lý, con người làm du lịch là một điều khó khăn, ngay cả chính quyền địa phương cũng còn đang lúng túng chưa tìm được hướng đi phù hợp. Nhưng ở đó lại xuất hiện một người con dân tộc Bahnar hiếu khách, ẩn chứa trong tim một tình yêu mãnh liệt với văn hóa bản sắc dân tộc Bahnar.
Chứng kiến những giá trị tinh thần của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ngày một phai mờ, chàng trai người Bahnar đã nung nấu một ý tưởng về việc kết hợp phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa cộng đồng, từ đó, vừa kiếm thêm thu nhập cho bản thân, cho cả người dân trong vùng lại gìn giữ được văn hóa dân tộc Bahnar.
Từ những năm 2016-2017, A Ngưi vừa làm viên chức của Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện K’bang vừa học hỏi các kinh nghiệm qua từng đợt đi giao lưu cùng các tỉnh cũng có xu hướng phát triển du lịch như Gia Lai ở khắp mọi miền đất nước.
Từ những ý tưởng có sẵn, A Ngưi xin ý kiến già làng, tập hợp bà con làng K’giang lại, phân việc cho từng nhóm như phụ nữ thành lập lại các tổ dệt, nấu rượu cần, ẩm thực, đàn ông thành lập các tổ đan lát, cồng chiêng… Dân làng rộn ràng cùng A Ngưi chuẩn bị mọi thứ như trẩy hội.
Chưa có tiền để làm những ý tưởng lớn, A Ngưi huy động thanh niên trong làng phát quang diện tích đất nhà mình để dựng một nhà sàn, cây nêu, rồi hình thành chỗ lưu trú homestay cho khách du lịch.
Xin phép lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng huyện K’bang, A Ngưi tự mình dẫn các tour khám phá rừng, thác K50, đi bắt ong, hái nấm, hướng dẫn kỹ năng sinh tồn trong rừng…, nhận được sự phản hồi tích cực của du khách.
Lượng khách đến với homestay của A Ngưi ngày càng đông, A Ngưi phải đi vay vốn để mở rộng quy mô hoạt động. Việc tiếp cận vốn ngân hàng cực kỳ khó khăn nhưng không ngăn được bước chân chàng chai Bahnar rắn rỏi, kiên cường. A Ngưi dành hết tâm sức cho việc hình thành nên Homestay A Ngưi K’bang cũng như làng du lịch cộng đồng K’giang.
Lưu giữ văn hóa dân tộc
Qua nhiều thăng trầm, khó khăn trong quá trình gây dựng, phát triển, hiện tại, khi đến với làng K’giang, du khách sẽ được hòa mình vào đời sống của một làng người dân tộc thiểu số bản địa, được tìm hiểu về văn hóa đặc sắc của người Bahnar, tham quan các làng nghề dệt thổ cẩm, đan đát, chế tác nhạc cụ, làm cung nỏ, xem biểu diễn cồng chiêng…
Ở đây, ban ngày du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên nên thơ hùng vỹ, được thưởng thức hương vị các món ăn đặc trưng của dân tộc Bahnar như cơm lam gà nướng, lá mì, muối lá é, dé đắng, cua đồng rang; đặc biệt, du khách sẽ được thưởng thức cùng ché rượu cần làm từ hạt Cào với hương vị ấm nồng như tình cảm người dân Bahnar ở làng K’giang.
Đêm đến, bên ánh lửa bập bùng dưới góc nhà Rông, du khách sẽ được hòa cùng tiếng cồng chiêng, tiếng đàn T’rưng réo rắt, nắm tay các cô gái, chàng trai nhảy điệu múa Xoang truyền thống…
Và điều mà ít nơi nào có được đó là tàn tiệc rượu, du khách sẽ được nghe các nghệ nhân hát sử thi, kể khan về lịch sử hình thành vùng đất, các dân tộc trên mãnh đất Tây Nguyên đại ngàn.
Bà con làng K’giang khi nhắc đến A Ngưi đều nói rằng đây là một thủ lĩnh thực sự. Bởi lẽ trước đây, cùng dòng thời gian trôi, dân làng, thậm chí là già làng hay những người uy tín trong làng cũng chỉ ngồi nhìn văn hóa dân tộc dần trôi vào quên lãng. Nhưng bây giờ, nhờ có A Ngưi, qua những lần tập hợp bà con, người già trong làng có cơ hội nói, cơ hội hướng dẫn cho thế hệ trẻ về diễn tấu cồng chiêng, cách làm nhạc cụ truyền thống, dệt thổ cẩm, đan lát, sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt.
Tinh thần yêu dân tộc, yêu văn hóa bản sắc người Bahnar lại một lần nữa trỗi dậy, và cứ như thế sẽ được lan truyền đến nhiều thế hệ sau.
Già Đinh Blích, làng K’giang, xã Kong Lơng Khơng, cho biết trước đây, ông cùng nhiều già làng ở các địa phương khác vẫn thường nói với nhau, nếu thế hệ họ mất đi, điều họ tiếc nuối nhất là không còn thế hệ kế cận để bảo tồn văn hóa bản địa chứ đừng nói tới việc phát huy. Nhưng nay có A Ngưi rồi, có người kế cận rồi và còn nhiều người cùng làm như A Ngưi thì văn hóa người Bahnar không còn mai một nữa. Nếu nhắm mắt xuôi tay, thế hệ già như ông cũng đã mãn nguyện lắm rồi.
Ngoài việc bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa dân tộc, Homestay A Ngưi còn tạo cơ hội việc làm cho hàng trăm người dân trong làng từ việc trồng trọt, chăn nuôi cung cấp lương thực, thực phẩm cho hoạt động chung của homestay hoặc thu nhập từ việc diễn tấu văn nghệ, cồng chiêng, bán thổ cẩm, gùi cho du khách…
Tiền lãi từ các chuyến đi tour, bán đồ lưu niệm, phục vụ ăn nghỉ, A Ngưi lại đầu tư mở rộng, xây mới nhà nghỉ, mua nhạc cụ và các đồ dùng cần thiết phục vụ du khách. Anh tự bỏ công mua nguyên vật liệu, tự đi bốc đá, cát sỏi về để hoàn thiện công trình thêm rộng hơn, đẹp hơn.
Đến nay, homestay mang tên A Ngưi đã có 4 nhà sàn lớn, với khu bếp và 2 khu vệ sinh rộng sạch, 3 chòi lá, sân trình diễn cồng chiêng và bao quanh là ao thả cá, ruộng trồng rau trồng lúa nước vừa cung cấp cho nhu cầu ẩm thực vừa tạo cảnh quan sạch đẹp phục vụ kỳ nghỉ yên tĩnh, thơ mộng của khách vào các dịp lễ tết hoặc cuối tuần.
Các hoạt động của A Ngưi cùng cộng sự ngày càng phong phú, hấp dẫn, người chưa đến thì muốn đến, khách đã đến rồi còn lưu luyến chẳng muốn rời xa.
A Ngưi cho biết anh vừa nhận được sự đầu tư, hỗ trợ kinh phí của Ngân hàng Thế giới tại Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030 do Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2030 tổ chức tại Hà Nội.
Đây là niềm vui, trách nhiệm lớn lao cũng như động lực để anh cùng bà con làng K’giang thêm sức mạnh tiếp tục công cuộc bảo tồn và phát huy văn giá trị văn hóa cộng đồng./.