Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ra đời vào năm 2004.
Tháng 10/2019, Thủ đô Hà Nội vinh dự trở thành một trong 246 thành phố thuộc Mạng lưới này về lĩnh vực thiết kế.
Việc này đã tạo động lực cho một số thành phố có khả năng khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Huế (Thừa Thiên-Huế), Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng) và Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) phấn đấu nhằm hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống của UNESCO.
“Vườn ươm” sáng tạo
Tháng 10/2019 là tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” cũng là lúc Thủ đô của cả nước được công nhận là một thành phố sáng tạo.
Mục tiêu lớn của Hà Nội trong tương lai gần là sẽ trở thành “Kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa Thủ đô trở thành một trong những “điểm sáng” văn hóa của khu vực và thế giới.
[Phát huy nguồn lực văn hóa Hà Nội trong xây dựng thành phố sáng tạo]
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến của Thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa và giáo dục; góp phần quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh cũng như gia tăng cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững.
Qua bốn lần điều chỉnh địa giới và bảy lần quy hoạch, Thủ đô đã mở rộng gấp 22 lần diện tích cũ.
Chính sự mở rộng này đã mang lại cho Hà Nội bản sắc mới, tạo thêm nguồn lực quan trọng cho phát triển, đặc biệt là tái thiết đô thị và gia tăng nguồn lực văn hóa khi văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác phát huy được giá trị đặc sắc và tinh túy, phát triển hài hòa, tạo nên dòng sinh khí mới, đưa Thủ đô cất cánh.
Bên cạnh duy trì bản sắc truyền thống, Hà Nội đang trở thành “vườn ươm” sáng tạo trên khắp đất nước và đặc biệt thu hút giới trẻ.
Có thể nói, Hà Nội luôn nhận biết được giá trị truyền thống, giá trị hiện đại để tạo hình ảnh, diện mạo mới cho chính mình.
Những năm gần đây, Hà Nội bắt đầu từng bước phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Năm 2018, ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm của Hà Nội, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố.
Trong số đó, giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP.
Giá trị kinh tế tuy chưa cao, nhưng đây là tiền đề mở ra nhiều triển vọng thu hút đầu tư khi Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo.
Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng một số đơn vị phát động cuộc thi “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022.”
Đây là một hoạt động triển khai nội dung cam kết với UNESCO nhằm nuôi dưỡng các tài năng trẻ, phát triển mạng lưới nhà thiết kế trẻ khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Đồng thời, cuộc thi cũng góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, tăng khả năng tiếp cận không gian công cộng xanh, an toàn, là cầu nối đưa các ý tưởng và thực hành sáng tạo đến gần hơn với công chúng.
Cuộc thi đã tạo ra môi trường lấy giới trẻ làm trung tâm trong ngành công nghiệp sáng tạo, tìm kiếm các nhà đầu tư nhằm hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, hình thành không gian sáng tạo không chỉ cho Hà Nội mà còn cho cả nước nói chung.
Ngoài một số địa điểm do Ban tổ chức gợi ý, thí sinh có thể chủ động tìm kiếm lựa chọn địa điểm trong khu vực khu phố cổ Hà Nội để nghiên cứu, đề xuất ý tưởng như thiết kế hệ thống chiếu sáng, cây xanh trang trí, biển hiệu, trang thiết bị đô thị (ghế ngồi, nhà vệ sinh công cộng, các vườn hoa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm…).
Trước đó, cuộc thi “Hà Nội là…” đã kêu gọi các nghệ sỹ trẻ cùng thúc đẩy danh hiệu “Hà Nội – Thành phố sáng tạo” bằng các tác phẩm minh họa về Thủ đô.
Các tác giả đã đem đến những ý tưởng bất ngờ, mới mẻ, lồng ghép nhiều câu chuyện và cảm xúc riêng, khắc họa Hà Nội muôn màu độc đáo.
Những góc “Thành phố sáng tạo” được thể hiện bằng những chất liệu đa dạng, như vẽ kỹ thuật số (digital), lụa, cắt dán, sơn dầu, sơn mài…
Nguồn lực và sáng tạo văn hóa làm nền tảng phát triển
Vào năm 2004, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời, cho đến nay, mạng lưới này đã phát triển đáng kể.
Năm 2017 có 180 thành phố trong Mạng lưới thì năm 2019 đã tăng lên 264 thành phố.
Năm 2021, danh sách đã tăng lên 295 thành phố sáng tạo từ 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới được công nhận nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.
Mạng lưới tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo, gồm thiết kế; văn học; âm nhạc; thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thông.
Vào năm 2019, các thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian chiếm đa số (20%). Các loại hình khác như âm nhạc (chiếm 19%), thiết kế (16%), văn học (16%), ẩm thực (15%), điện ảnh (7%) và nghệ thuật truyền thông (7%).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ giao chủ trì thực hiện xây dựng Đề án Phát triển Mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam tham gia vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN).
Đây là một trong những nhiệm vụ nằm trong Chương trình hành động của Chính phủ giao Bộ chủ trì nhằm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đề án tập trung nghiên cứu khả năng tham gia của một số thành phố có tiềm năng sáng tạo tại Việt Nam.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Thành phố sáng tạo” không chỉ là thương hiệu, danh hiệu, mà khi tham gia vào Mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống của UNESCO, các thành phố đó đã đặt văn hóa, sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển, chìa khóa của quy hoạch phát triển đô thị.
Từ đó, khẳng định vị thế, làm cho các thành phố an toàn, có khả năng phục hồi, hòa nhập, bền vững, người dân hạnh phúc và phát triển.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nhấn mạnh để tham gia Mạng lưới, các thành phố cần xác định một lĩnh vực thế mạnh dựa trên các tiêu chí như chính sách, biện pháp lồng ghép văn hóa, sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác công-tư, không gian sáng tạo, mở rộng cơ hội cho những người thực hành sáng tạo, nâng cao việc tiếp cận, tham gia đối với các nhóm, cá nhân yếu thế, dễ bị tổn thương…
Bên cạnh đó, các thành phố cần xác định lộ trình và kế hoạch cụ thể nhằm triển khai đăng ký tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, tăng cường kết nối quốc tế, tạo dựng thương hiệu sáng tạo cho thành phố phát triển bền vững trong tương lai.
Vào tháng 8/2022, tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất để thành phố Đà Lạt xây dựng hồ sơ, đề án tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam nằm trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực âm nhạc. Đây là thành phố được đánh giá là tạo ra ấn tượng khác biệt nổi trội với những đặc điểm rất riêng về điều kiện tự nhiên, nguồn gốc dân cư, quy hoạch, kiến trúc.
Đặc biệt, Đà Lạt đang sở hữu 3 di sản thế giới được UNESCO ghi danh là Di sản phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” (năm 2005), Di sản tư liệu “Mộc bản Triều Nguyễn” (năm 2009) và “Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang” (2015). Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển ngành dịch vụ, du lịch.
Bên cạnh đó, Đà Lạt cũng là địa điểm thu hút, tập hợp nhiều nhân sĩ, trí thức, những nghệ sỹ tài năng sáng tác, sáng tạo nghệ thuật.
Đà Lạt sẽ hoàn thành hồ sơ đăng ký vào tháng 4/2023 nhằm chào mừng kỷ niệm 130 năm thành phố hình thành và phát triển (1893-2023).
Hy vọng trong tương lai không xa, nước ta sẽ hình thành được một Mạng lưới các thành phố sáng tạo để bứt phá, tận dụng cơ hội, phát triển bứt phá từ chính những sáng tạo văn hóa đặc trưng của từng thành phố./.
Bài cuối: Khai thác đúng tầm đề phát triển bền vững