Đạo diễn, Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang đã rời “cõi tạm” giữa vòng tay gia đình và bạn bè. Trong niềm tiếc nhớ khôn nguôi, Nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam đã nhìn lại sự nghiệp và những đóng góp quan trọng của ông trong nền nghệ thuật sân khấu nước nhà.
Báo Điện tử VietnamPlus trân trọng giới thiệu bài viết.
Tuổi trẻ gian truân và cay đắng
Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang sinh năm 1938 tại Thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ông có ba lần thi vào lớp Đạo diễn, trường Sân khấu Điện ảnh, nhưng không được vào học. Thời gian này, ông làm đủ nghề lao động chân tay. Khi nhà trường tuyển lớp diễn viên, Doãn Hoàng Giang bèn ghi danh. Chắc lúc này nhà trường đã quá quen mặt và thấy ý chí của người thanh niên trẻ, nên ông được vào học khóa I Diễn viên. Nhưng không yên phận học diễn viên, ông đã lân la đọc giáo trình, học thêm về đạo diễn, thậm chí giúp làm thêm các tiểu phẩm của đạo diễn.
[Vinh danh 63 nghệ sỹ tiêu biểu của ngành nghệ thuật biểu diễn]
Khi ra trường, không được nhận vào biên chế, nhờ người quen, ông xin được một chân phụ việc ở Ban Văn nghệ-Đài tiếng nói Việt Nam. Thông minh, có kiến thức vững vàng, từ một chân phụ việc, bằng bài viết và các vở kịch truyền thanh dàn dựng, ông đã khẳng định được năng lực của mình, rồi được mời đi đạo diễn cho các đoàn địa phương Quảng Ninh, Quân Khu II, Chèo Tổng cục Hậu Cần…
Nhớ lại thời gian này, ông nói: “Tôi vào đời gian truân và đầy cay đắng. Dẫu không yêu thích quãng đường đầy đen tối đã qua, nhưng tự thâm tâm tôi biết tên tuổi Doãn Hoàng Giang được làm nên từ đó.”
Trở về Nhà hát kịch Việt Nam, dưới sự dìu dắt của Giám đốc-Nghệ sỹ nhân dân Dương Ngọc Đức, từ một diễn viên cá tính nổi bật, ông được giao sửa chữa kịch bản “Đôi mắt,” rồi tham gia đạo diễn.
Từ đầu những năm 70 thế kỷ XX cho đến đầu những năm 20 của thế kỷ XXI, với một năng suất lao động đặc biệt, trong hơn 50 năm qua, nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang luôn đứng ở hàng đầu của sân khấu nước nhà với tư cách một đạo diễn và một tác giả.
Thật khó mà có con số cụ thể số lượng những tác phẩm ông viết và dàn dựng, cũng khó đếm hết số huy chương vàng, bạc các vở diễn có tên ông. Hầu hết những tác phẩm đó đã góp phần làm nên thời kỳ sôi động nhất của sân khấu Việt Nam, bắt đầu từ thời kỳ Đổi mới (1986).
Lịch sử thừa nhận, đây không chỉ là những tác phẩm “con đẻ” của Đổi mới, mà với những vở diễn mang tính chính luận và nhân văn sâu sắc, những tác phẩm đó còn góp sức tạo không khí đổi mới của xã hội.
Bóng dáng của đạo diễn Doãn Hoàng Giang bao trùm sinh khí sáng tạo lên nhiều đơn vị sân khấu thuộc các kịch chủng khác nhau: Kịch nói, chèo, cải lương…
Các tác phẩm lớn của ông có thể kể đến: “Nàng Sita” (chèo), “Hoa khôi dạy chồng” (chèo), “Hoàng hậu Ba Tư” (cải lương), “Nữ tướng Lê Chân” (cải lương). Đối với mảng kịch nói, ông nổi tiếng với các vở “Hà My của tôi,” “Nhân danh công lý,” “Bài ca Điện Biên”...
Người ‘thắp lửa’ cho sân khấu
Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang là người tiên khu trong thực hiện khẩu hiệu “Bắc-Nam một nước, văn nghệ một nhà.” Không chỉ sớm thân, quen và được các nghệ sỹ phía Nam tin cậy, yêu mến. Ông còn góp phần dàn dựng một số vở diễn khá ăn khách cho một số đơn vị.
Thật khó kể hết những đóng góp của nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang với sân khấu nước nhà, trong vị trí một diễn viên giàu cá tính, một tác giả có nhiều tác phẩm đặc sắc thuộc chính kịch, hài kịch, kịch ngắn, và đặc biệt, một đạo diễn hàng đầu, khó có người sánh ngang.
Nhiều nhiệm kỳ đại hội Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, ông được bầu vào Ban Chấp hành và nhiều lần làm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của hội. Một vị chủ tịch công minh, chính trực và rất được tín nhiệm.
Vĩnh biệt ông trong niềm đau xót vô hạn, chúng ta nhận ra sân khấu nước nhà đã vĩnh viễn mất đi một người có phẩm chất và nhân cách nghệ sỹ ở một tầm cao, không dễ có. Đối với ông, nghệ thuật là một niềm say mê vô tận. Cả đời ông đã tận tụy phục vụ nó mà hầu như không màng đến danh và lợi, sống một đời sống giản dị, khiêm nhường.
Gia đình sớm tan vỡ, suốt đời sống cảnh “gà trống nuôi con.” Không thiếu người yêu mến, nhưng ông đã không tạo dựng gia đình mới. Nhiều người nhận xét, đó là một người chỉ quen cho, mà không dễ dàng nhận những gì không phảỉ của mình. Có thể có người không thích ông, nhưng hầu như ông không ghét bỏ ai.
[Tác giả Ngô Thảo giới thiệu 4 cuốn sách về những nhà văn khoác áo lính]
Chất “thiền” làm nên một nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang được cả giới sân khấu yêu thương, quý trọng. Khi ông mất, lòng yêu thương ấy đã được bày tỏ kịp thời trên hàng mấy chục tờ báo, trên hàng ngàn trang mạng. Họ coi ông là thần tượng, tượng đài, Mặt trời của sân khấu.
Sân khấu đang đứng trước nhiều thách thức của thời kỳ xã hội có nhiều phát triển mới. Sau sự ra đi liên tiếp của thế hệ nghệ sỹ đầu đàn những năm gần đây, đạo diễn Doãn Hoàng Giang mất đi, sân khấu mất một chỗ dựa vững chắc, một người dũng cảm, kiên cường và liều lĩnh mở đường đi tới, một người nghệ sỹ luôn mang lại yêu thương và ấm áp cho môi trường nghệ thuật, một người thầy tinh tường và bao dung, biết “thắp lửa” sáng tạo cho những ai có năng khiếu nghệ thuật. Tổn thất này thật khó bù đắp. Nhưng thế hệ nghệ sỹ mới đang trưởng thành, nguyện noi gương người anh, người thầy kính yêu, để đưa sân khấu cũng như văn hóa nước nhà tiến về phía trước, trong sứ mạng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.
Tên tuổi, đạo đức, nhân cách của Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang còn mãi với các nghệ sỹ sân khấu nước nhà./.
Ông Tobias Biancone, Tổng giám đốc Hiệp hội Sân khấu thế giới (ITI/UNESCO) gửi thư chia buồn trước sự ra đi của nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang: “Tôi tin rằng chúng ta sẽ không có những vở diễn sân khấu xuất sắc nếu không có những nghệ sỹ sân khấu xuất sắc. Tài năng và tình yêu của ông dành cho sân khấu và các nghệ sỹ đã trở thành dấu mốc định hướng cho những người làm sân khấu chuyên nghiệp và các nghệ sỹ trẻ, thế hệ tiếp nối của nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Giọng nói của ông đã không thể cất lên được nữa nhưng giá trị của ông sẽ không bao giờ mất đi bởi tinh thần trẻ mãi không già và sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật sân khấu. Quan điểm của ông sẽ tiếp tục được lắng nghe và ảnh hưởng của ông sẽ còn tiếp diễn sống động trong giới sân khấu Việt Nam và thế giới.” |