Ngày 22/12, nhà quay phim, đạo diễn, tác giả Đỗ Phương Thảo đã cho ra mắt sách – tập truyện phim mang tên “Tản mạn những mảnh đời” trong không gian thân mật của bạn bè, người thân tại LACA Art Café (24 Lý Quốc Sư, Hà Nội).
Bà Đỗ Phương Thảo (sinh năm 1940, Hưng Yên) được biết đến là nữ quay phim đầu tiên và duy nhất của Xưởng phim truyện Việt Nam, mà tác phẩm lừng danh bà đã quay chính là bộ phim “Đến hẹn lại lên.” Bà cũng là nữ đạo diễn phim truyện hiếm hoi của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Bà là vợ của nhà thơ-nhà biên kịch Lê Nguyên, mẹ của họa sỹ Lê Thiết Cương và là tác giả của tiểu thuyết “Mẹ con,” tự truyện“Bếp ấm của mẹ.”
Tập truyện mới nhất của bà Đỗ Phương Thảo gồm hai truyện phim: “Tản mạn những mảnh đời” và “Duyên kiếp nhà thơ.”
Trong khi “Tản mạn những mảnh đời” là lời cảnh báo về sự băng hoại xã hội đương đại, sự xuống cấp đạo đức, là bi kịch khi gia phong tan nát vì ma túy, thì “Duyên kiếp nhà thơ” kể về mối lương duyên trắc trở của thi nhân Đặng Trần Côn với Hồng Hà nữ sỹ Đoàn Thị Điểm – làm nên kiệt tác “Chinh phụ ngâm.”
[Họa sỹ Lê Thiết Cương ‘phổ họa’ vào Kiều theo phong cách tối giản]
Ở dạng truyện phim, hai tác phẩm được trình bày như một kịch bản phim truyện, ở đó ghi rõ về bối cảnh, thời gian, địa điểm của mỗi phân cảnh. Đây là chủ ý nhằm vận dụng được hết tay nghề của bà, song cũng là nỗi niềm khiến nhà quay phim nữ “đắm đuối,” mong mỏi thực hiện đã từ lâu.
Trong lời đề tựa, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhận xét: “Bằng một giọng truyện phim đầy trắc ẩn, bà Đỗ Phương Thảo đã mang đến cho nghệ thuật thứ bảy những sáng tạo rất riêng của mình. Lần này, tác phẩm ‘Tản mạn những mảnh đời’ lại một lần nữa nhắc đến những đóng góp khiêm nhường của bà Đỗ Phương Thảo đối với nền văn học nghệ thuật Việt Nam, một nền văn học nghệ thuật được xây dựng bằng những đóng góp của không ít tác giả nữ.”
[Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi rũ bỏ “sứ mệnh Nữ Oa” ấy lâu rồi]
Theo nhà văn Việt Hà, ở tác giả Đỗ Phương Thảo cụ thể là về truyện phim “Tản mạn những mảnh đời, người đọc có thể nhìn thấy một độ nén nhất định về cảm xúc, trong cách viết. Bà đã rất thành công trong việc làm sao để gợi hình, đúng theo chất điện ảnh, chứ không chỉ gợi chữ như văn học.
“Trong thưởng thức nghệ thuật, tôi tạm coi có 3 phương tiện là xem, nghe và đọc. Tôi vẫn cho rằng đọc là cái thao tác tinh tế nhất vì khi đọc, người ta cùng nghĩ, cùng sáng tạo với nhau. Ở đây khi viết, tác giả đã rất tuân thủ tính quy tắc của thể loại truyện phim, nhờ thế giúp tác phẩm mang đậm tính ‘gợi hình’ chứ không ‘gợi chữ.’”
Tại buổi ra mắt, bà Đỗ Phương Thảo kể: “Khi ấy [ở xưởng phim], người ta sợ phụ nữ lo phải lo truyện con cái, gia đình, con mà ốm thì mẹ phải xin nghỉ… sẽ sợ vỡ kế hoạch, nên tôi luôn bị bắt đi kèm với những người đồng nghiệp khác. Sự sáng tạo của tôi không bao giờ được độc lập. Vì vậy tôi luôn ấp ủ phải làm một cái gì độc lập. Giờ đây đã về hưu, tôi muốn tự mình viết truyện phim để thể hiện được tay nghề, trong đó vừa có cốt truyện, vừa có hình tượng mang tính điện ảnh để xây dựng thành phim.”
Nhưng vì nhiều lý do khách quan, các tác phẩm của nữ quay phim Đỗ Phương Thảo chưa được dựng thành phim, vì vậy, tác giả quyết định in sách. Tác giả muốn chia sẻ cùng bạn bè, gia đình, đồng nghiệp những tâm huyết của mình, để “đây không phải là một cuộc ra mắt sách gì đâu, đây chỉ là cái cớ để chúng ta gặp nhau ở cái buổi hoàng hôn của cuộc đời…”
Bà Đỗ Phương Thảo sinh năm 1940 ở Hưng Yên nhưng dành phần lớn cuộc đời tại Hà Nội. Từ 1968-1990, bà công tác ở vị trí quay phim, đạo diễn điện ảnh tại Xưởng phim truyện Việt Nam. Trong thời gian đó, bà Phương Thảo tham gia quay nhiều tác phẩm, có thể kể đến phim truyện và tài liệu “Nghêu sò ốc hến” (1968), phim điện ảnh “Đến hẹn lại lên” (1973), “Ngày hội lớn” (1976)… Bà từng chuyển thể truyện phim đối với truyện ngắn “Giai điệu thành thị” của nhà văn Lý Biên Cương, chuyển thể và trực tiếp đạo diễn bản điện ảnh của tiểu thuyết “Cuộc đời phải trả giá” (1989, nhà văn Võ Khắc Nghiêm). Năm 1972, nhà quay phim Đỗ Phương Thảo tham gia trực chiến trong chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (1972). Cũng chính từ đây, bà được tinh thần chiến đấu của quân dân Thủ đô truyền cảm hứng, viết nên tiểu thuyết “Mẹ con” (1988). Năm 2017, tác phẩm tiếp theo của bà – “Bếp ấm của mẹ” ra mắt, thể hiện đời sống văn hóa ứng xử và văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam./. |