Ngày nay, những cách kể chuyện mới lạ, trực quan sẽ dễ dàng tiếp cận đông đảo độc giả, khán giả trên các nền tảng số. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của các trang chia sẻ video trực tuyến như thời gian qua.
Từ thực tế đó, ngày 16/6, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức tọa đàm “Phát triển nội dung video trên nền tảng số” nhằm cập nhật thông tin, kỹ năng cho đội ngũ phóng viên, nhà báo, biên tập viên về xu hướng phát triển các hình thức truyền tải thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Đáp ứng thị hiếu nghe-xem
Tại cuộc tọa đàm, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Liên Chi hội nhà báo TTXVN Vũ Việt Trang cho hay TTXVN bắt đầu chuyển đổi số từ khá sớm, góp phần hỗ trợ quá trình tác nghiệp của những người làm báo thông tấn.
Với việc chuyển đổi số, TTXVN đã và đang từng bước xây dựng, tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung sau thời gian vận hành hệ thống tác nghiệp đa phương tiện. Các sản phẩm báo chí đa phương tiện, phù hợp với thị hiếu nghe-xem của công chúng được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.
“Việc chuyển đổi sang sử dụng các thiết bị số giúp người làm báo tác nghiệp và xử lý thông tin nhanh chóng để đưa đến độc giả. Thông tin được thể hiện đa dạng bằng chữ, hình ảnh và cả video thường thu hút công chúng tốt hơn các hình thức thể hiện truyền thống,” nhà báo Vũ Việt Trang nhấn mạnh.
Các sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như chat-bot được khai thác để tăng khả năng tương tác với công chúng. Trong thời gian dịch COVID-19 căng thẳng, chat-bot đã đảm nhiệm tốt việc trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến thông tin, quy định được cập nhật liên tục theo tình hình dịch COVID-19. Hiện nay, việc giải đáp các thắc mắc trong mùa tuyển sinh sắp tới cũng đang được chat-box đảm nhận.
“Chuyển đổi số góp phần làm đa dạng hóa các hình thức phân phối thông tin báo chí. Từ một sản phẩm báo chí gốc được chuyển thể sang nhiều hình thức thể hiện để tiếp cận tốt hơn đến công chúng qua việc phân phối thông tin dưới nhiều hình thức trên các trang thông tin điện tử (website), ứng dụng (app), nền tảng xã hội… Như vậy, thông tin chính thống của TTXVN sẽ được lan tỏa nhanh hơn và TTXVN hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình,” bà Vũ Việt Trang cho biết.
Nói về thói quen người dùng trên nền tảng số, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus cho rằng từ truyền hình thụ động, công chúng đã chuyển sang xu thế video theo yêu cầu (video on demand – VOD).
“Trước đây, nhà đài phát gì người dân xem nấy. Giờ với những OTT (over the top – dịch vụ truyền thông trên internet) được cài sẵn trên TV thông minh hay các thiết bị cầm tay, người xem có thể lựa chọn chương trình mình thích ở mọi lúc mọi nơi, có thể tua hay tạm dừng, không còn có chuyện bỏ lỡ một phân đoạn nào thú vị,” ông Nhật nói.
Nêu một ví dụ khác dễ hình dung hơn, ông Nhật nhắc đến phóng sự truyền hình gây chấn động mang tên “Ranh giới.” Thực tế, nhiều người không trực tiếp xem phóng sự đó trên TV, nhưng theo hiệu ứng truyền miệng, họ đã xem lại trên YouTube, Facebook, hay thậm chí là các trích đoạn được phát trên Tiktok, trang chia sẻ video ngắn đang làm mưa làm gió trên toàn cầu.
“Tôi đã thực hiện một khảo sát nhỏ và nhận thấy rằng số lượng view của ‘Ranh giới’ trên các nền tảng này rất cao. Đó là lý do mà các cơ quan báo chí không thể chậm chân trong chiến lược phát triển nội dung video trên nền tảng số,” ông Nhật nói.
Tại tọa đàm, các chuyên gia nêu ra quan điểm rằng việc phát triển nội dung video trên các nền tảng số không chỉ giúp lan tỏa thông tin, mà còn giúp tối ưu hoá lợi nhuận, nhờ chương trình chia sẻ doanh thu quảng cáo với các đối tác của Google hay Facebook.
Hướng tới giới trẻ
Bàn về giải pháp phát triển video trên nền tảng số, tiến sỹ Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số, Đài truyền hình Việt Nam cho biết nhiều nội dung của đài hiện nay hướng tới giới trẻ.
“Hôm nay họ là Gen Z, ngày mai họ sẽ trở thành những người đưa ra quyết định xã hội sẽ vận hành như thế nào. Thêm nữa, họ là công dân số, họ ưu tiên dùng mobile và thích những trải nghiệm mới. Do đó, chúng tôi xây dựng một tầm nhìn lâu dài cho sự phát triển của mình bằng cách ra mắt những sản phẩm, chương trình phục vụ giới trẻ,” ông Chiến cho biết.
[Đi tìm lời giải cho bài toán tăng doanh thu của báo chí Việt Nam]
Đồng tình với quan điểm trên, nhà báo Vũ Thu Hà, Trợ lý Tổng biên tập Báo Việt Nam News cho hay kể từ năm 2018, tờ báo đã bắt đầu sản xuất video để phát trên các nền tảng xã hội. Cùng một nội dung video, đội ngũ thực hiện đã sản xuất theo nhiều định dạng khác nhau, chẳng hạn 16:9 cho YouTube, dạng vuông cho Facebook và dạng dọc cho Tiktok.
“Việt Nam News là tờ báo bằng tiếng Anh, có mục tiêu hoạt động là phản ánh tình hình chính trị-xã hội cho bạn đọc người nước ngoài. Tuy nhiên, ở mảng video, chúng tôi hướng tới những câu chuyện đời sống, văn hóa, giải trí nhiều hơn và thực tế là những sản phẩm đó thu hút nhiều lượt xem hơn là các video về chính trị-xã hội,” nhà báo Vũ Thu Hà cho hay.
Dẫn chứng cho phát biểu đó, bà Vũ Thu Hà cho biết những video ấn tượng như “Bạn trẻ tự chế xe Batman” hay “Một năm sau thảm kịch xe tải Essex” đã đạt rất nhiều lượt views. Đặc biệt, video phóng sự về vụ thi thể 39 người Việt di cư được phát hiện trong một xe tải ở Essex (Anh) đã giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế.
“Các sản phẩm video góp phần khẳng định uy tín, quảng bá thương hiệu của báo. Ngoài ra, chúng tôi cũng phát triển các hình thức quảng cáo thông qua video, sản xuất video theo đơn đặt hàng, qua đó tăng thêm doanh thu,” bà Hà cho biết.
Phát triển video trên nền tảng số là “mảnh đất” giàu tiềm năng khai thác đối với các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, vấn đề kỹ thuật và bản quyền cũng rất cần được quan tâm để có thể đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.
Bà Đỗ Phương Chi, Giám đốc bản quyền Next Media, đơn vị nắm bản quyền nhiều giải bóng đá, cho hay Next Media xác định mình là một đơn vị tư nhân, cần phát triển trên “lưng của những người khổng lồ” như Facebook, YouTube, TikTok…
“Next Media luôn làm việc với YouTube chặt chẽ từ trước khi phát sóng một trận đấu. Chúng tôi dự đoán số lượng người theo dõi vào khoảng 2 hay 3 triệu cùng lúc. Từ đó, hai bên lên phương án kỹ thuật thật tốt để đảm bảo chất lượng,” bà Chi cho biết.
Với sức hút lớn từ các trận cầu đỉnh cao, việc Next Media bị vi phạm bản quyền là không thể tránh khỏi. Trung bình, mỗi trận bóng đá quan trọng sẽ phát sinh 2.000-3.000 link lậu. Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị tốt, có công cụ và cả sự huy động nhân lực một cách nghiêm túc, Next Media chỉ mất trung bình khoảng 3 phút để hạ một link./.