Thời gian vừa qua, các bộ phim chiếu trên các nền tảng trực tuyến (online) xuyên tạc lịch sử, vi phạm về quan điểm chính trị Việt Nam đã khiến dư luận trong nước lên tiếng phản đối một cách mạnh mẽ. Điều đáng nói là sự việc chỉ được người xem phát hiện ra khi “chuyện đã rồi,” trong khi đây lại là trách nhiệm của các cơ quan có chức năng thẩm định, kiểm duyệt phim.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu quy trình sàng lọc phim có sự lỏng lẻo? Bên cạnh đó, doanh nghiệp phát hành phim cũng chưa làm tròn “nghĩa vụ” của chính mình cũng như với khán giả và môi trường mạng mà mình đang khai thác, kiếm lời.
Phim chiếu online – không thể bỏ ngỏ
Trong những năm gần đây, người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đã liên tục phát hiện vi phạm đối với phim trên môi trường trực tuyến.
Đơn cử như loạt phim truyền hình Mỹ “Bà ngoại trưởng” (Madame Secrectary, phát sóng trên Netflix) có hình ảnh Hội An nhưng lại chú thích là Phú Lăng, Trung Quốc. Đáng chú ý là phim đã lên sóng từ 2014 và đóng máy từ năm 2019, nhưng đến 2020 sai sót này mới được phát hiện ra. Hay loạt phim truyền hình Trung Quốc “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta” (WeTV, 2020) bị người xem phát hiện có hình bản đồ “đường lưỡi bò” và vi phạm tương tự tiếp tục xuất hiện trong sê-ri phim “Một đời một kiếp” (iQiyi Việt Nam, 2021).
Gần đây nhất, vào tháng 8/2022, khán giả cũng phát hiện phim Hàn Quốc “Ba chị em” (Little Women, Netflix) xuyên tạc lịch sử, trong đó chi tiết gây bức xúc nhất là lời thoại “một người lính Hàn Quốc có thể tiêu diệt 20 lính Việt Cộng” đã xuất hiện một cách “hồn nhiên” trên phim.
Thông tin sau đó được lan truyền rộng rãi gây nên làn sóng người Việt phản đối và kêu gọi tẩy chay bộ phim trên mạng xã hội. Tiếp nhận phản ánh, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã gửi văn bản yêu cầu Netflix gỡ phim khỏi kho phim Việt Nam hoặc xử lý cắt cảnh…
Nhà sản xuất của phim – Studio Dragon đã phải đưa ra lời hứa “sẽ cẩn thận với chủ đề nhạy cảm về văn hóa, xã hội ở các nội dung trong tương lai.”
Theo cơ quan chức năng, những vi phạm phim online này chủ yếu đến từ các dịch vụ OTT không có giấy phép hoặc từ nước ngoài vào. Về cơ bản, với các doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp đã được cấp phép cung cấp dịch vụ, việc xảy ra vi phạm tượng tự để khán giả phát hiện là rất hãn hữu và được chấn chỉnh ngay.
Tên cơ sở đó, Nghị định 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP quản lý và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình đã được ban hành vào đầu tháng 10 nhằm tạo môi trường công bằng, không “bảo hộ ngược” cho những OTT xuyên biên giới, vốn đã phát triển mạnh mẽ, lấn án OTT non trẻ trong nước.
[Thêm quy định pháp luật để tránh ‘bảo hộ ngược’ doanh nghiệp OTT ngoại]
Nội dung nghị định yêu cầu OTT nước ngoài buộc đăng ký cấp phép hoạt động kinh doanh, tuân thủ các nghĩa vụ tài chính và quy định hành chính tại Việt Nam đồng thời tự đảm bảo về kiểm duyệt đối với nội dung của mình.
Cùng với đó, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết cục đang áp dụng hai phương pháp rà soát: Thứ nhất là kết hợp song song giữa kiểm tra-giám sát định kỳ với việc kiểm tra-giám sát đột xuất; thứ hai là tiếp tục quan tâm đầu tư về mặt công nghệ, triển khai song song, phối hợp với cơ quan quản lý phim trên mạng là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong các năm gần đây, mọi báo cáo vi phạm và yêu cầu gỡ đối với phim trực tuyến đều được Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp nhận, thực hiện. Tuy nhiên theo ông Yên, trong thời gian sắp tới, đây sẽ không còn là nhiệm vụ của cơ quan này mà là của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ quản lý các nội dung trực tuyến về báo chí và giải trí, thể thao. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Điện ảnh vốn phụ trách về phim chiếu rạp, sẽ tiếp tục phụ trách cả phim chiếu trên mạng.
[Đề xuất duyệt và phân loại độ tuổi phim bằng trí tuệ nhân tạo]
Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông tư hướng dẫn phân loại phim (dán nhãn độ tuổi, lọc bỏ phim vi phạm), các quy chế về quản lý doanh nghiệp phổ biến phim trên mạng đang được Cục Điện ảnh xây dựng và hoàn thiện. Đây là bước tiếp theo sau khi Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 vừa được thông qua vào tháng Sáu năm nay.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng một trung tâm chuyên giám sát phim trên không gian mạng, qua đó hiện thực hóa các quy định, thế chế cụ thể đối với doanh nghiệp, hướng đến môi trường mạng trong sạch, doanh nghiệp-nội dung đều tuân thủ pháp luật.
Nâng cao nhận thức về nội dung xấu, độc
Bên cạnh quy trình và cơ chế quản lý của chính các cơ quan chức năng, bản thân người dân cũng cần tự nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bài trừ nội dung xấu, độc.
Nói về những phát hiện của khán giả thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận xét khán giả và các diễn đàn về phim ảnh đã rất chủ động phát hiện, báo cáo về các phim vi phạm pháp luật. Như vậy, khán giả vừa hưởng thụ văn hóa vừa đóng một vai trò quan trọng trong quản lý xã hội.
Theo ông, đây là điều rất đáng hoan nghênh và là yếu tố thúc đẩy quản lý, ngăn chặn triệt để phim có sai phạm. “Những yêu cầu đến từ khán giả cũng là những yêu cầu đối với cơ quan quản lý, để vừa tăng cường hiệu lực giám sát kiểm tra, hạn chế và ngăn chặn hoàn toàn, xử lý các vi phạm; vừa xây dựng một văn hóa hưởng thụ trên không gian mạng có trách nhiệm, mà ở đây là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ,” ông Lâm nói.
Trước thực tế đó, một số nhà quan sát điện ảnh trong nước cho rằng người dân cần được tiếp cận với những chương trình giúp nâng cao nhận thức về nội dung xấu-độc. Song song với đó là một quy trình giúp việc báo cáo vi phạm hiệu quả hơn, việc xử lý diễn ra nhanh hơn.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, phóng viên mảng văn hóa tại Đài Tiếng nói Việt Nam đề xuất: “Các cơ quan chức năng nên đưa ra các chương trình tuyên tuyền giúp khán giả nâng cao nhận thức để hiểu rõ những tác động tiêu cực của các sản phẩm giải trí chứa nội dung vi phạm pháp luật. Người dân cũng cần được hướng dẫn để báo cáo vi phạm theo một quy trình thuận lợi, làm sao để nội dung sai trái được thông báo nhanh, trực tiếp tới đơn vị quản lý nhà nước, tránh gây rùm beng, phát tán hình ảnh trên mạng xã hội.”
Từ phía khán giả, nhiều người cho rằng ngay cả khi phim đã bị chặn ngay từ khâu kiểm duyệt, họ vẫn muốn biết đó là vi phạm như thế nào, có ảnh hưởng ra sao để từ đó có ý thức, thái độ đúng đắn.
[Việt Nam cấm chiếu phim ‘Thợ săn cổ vật’ vì có ‘đường lưỡi bò’]
Là một người xem đồng thời là người tham gia trong các ê-kíp làm phim trên không gian mạng, biên kịch Tạ Tư Vũ (phim “Container 39,” “All in”… trên ứng dụng Galaxy Play) cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng đây là điều cần thiết.
“Với phim chiếu trên môi trường mạng, rõ ràng là không có biên giới, ví dụ người Việt tại Mỹ vẫn xem được phim cấm tại Việt Nam. Vấn đề cốt lõi là khán giả phải nhận thức được lý do bị cấm. Chính họ sẽ phán xét quyết định đó và cả nhà sản xuất nội dung đó. Điều quan trọng ở đây là khán giả phải tiếp nhận một cách có ý thức vì không có lý lẽ nào lớn hơn sự thật lịch sử cả,” ông Tạ Tư Vũ cho hay./.
Không chỉ phải cẩn thận với phim chiếu mạng, phim chiếu rạp cũng cần được kiểm tra cẩn thận, kỹ lưỡng để tránh những sự cố “lọt phim” đáng tiếc từng xảy ra. Ví dụ như trường hợp Cục Điện ảnh để lọt hai phim có hình bản đồ “đường lưỡi bò” là “Everest: Người tuyết bé nhỏ” (Abominable, 2019) và “Điệp vụ Biển Đỏ” (Operation Red Sea, 2018) – xuất hiện trên rạp tại Việt Nam. Sau khi khán giả đi xem và phát hiện ra, phim mới bị gỡ, dù hội đồng duyệt phim là Cục Điện ảnh. Cơ quan này đã phải rút kinh nghiệm và có thay đổi nhân sự cấp lãnh đạo… Gần đây nhất trong năm 2022, Cục Điện ảnh đã cấm phổ biến, không cho ra rạp đối với phim “The Roundup 2” (tạm dịch: Ngoài vòng pháp luật 2, Hàn Quốc) vì có mô tả sai lệch về xã hội và công an tại Việt Nam; phim “Uncharted” (Thợ săn cổ vật, Mỹ) xuất hiện hình bản đồ “đường lưỡi bò.” Thông tin sau đó đã được báo chí xác nhận và phổ biến rộng rãi đến người dân, được dư luận quan tâm và ghi nhận về nỗ lực của cơ quan quản lý. |