Ngày 22/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2022-Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 65 điểm cầu khắp cả nước.
Một trong những yêu cầu mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt ra tại hội nghị là ngành văn hóa phải “quan tâm thật,” quan tâm nhiều hơn nữa đến giới văn nghệ sỹ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Cần giải pháp đột phá cho văn hóa
Phó Thủ tướng bày tỏ sự cảm thông với những vất vả đặc thù của ngành nghề, chẳng hạn như xiếc nói riêng và nghệ thuật biểu diễn nói chung, các nghệ sỹ phải khổ luyện từ nhỏ, khi tiết mục hoàn thành cũng chỉ có vài người được công chúng biết đến có thêm thu nhập, còn nhiều người ở phía sau chỉ biết cần mẫn với nghề mà đời sống thì bấp bênh.
[10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch: Vinh danh tuyển bóng đá nữ]
“Văn nghệ sỹ có danh tiếng, có thu nhập khá chỉ chiếm một bộ phận ít ỏi. Phía sau cánh gà, còn nhiều người có kinh tế rất khó khăn. Lên sân khấu thì hào nhoáng, thăng hoa nhưng ít ai biết rằng cuộc sống của họ chật vật như thế nào,” Phó Thủ tướng phát biểu.
Theo Phó Thủ tướng, vấn đề chế độ đãi ngộ văn nghệ sỹ đã được nói đến nhiều. Nhà nước cũng đã có quy định về đặt hàng sáng tác, vậy cơ quan quản lý cần phải tận dụng cơ chế, chính sách cho hiệu quả.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong năm qua, đặc biệt biểu dương kết quả 1 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình phát triển bền vững, nếu chúng ta tập trung tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm đến môi trường thì sẽ mất hàng chục năm để khác phục hậu quả nhưng nếu không chú trọng bồi đắp văn hóa thì sẽ mất nhiều thế hệ để sửa sai.
“Xây dựng văn hóa có thể ví như việc phù sa bồi đắp, là một quá trình có diễn biến dần dần, không phải là vấn đề cấp bách có thể nhìn thấy ngay thành tựu hay hậu quả,” Phó Thủ tướng chia sẻ.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu toàn ngành tiếp tục kiên trì, theo đuổi mục tiêu, muốn đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có giải pháp đột phá.
Chuyển biến về nhận thức và hành động
Tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định toàn ngành sẽ tiếp tục vận hành “cỗ xe tam mã” – văn hóa, thể thao và du lịch để đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
Năm 2022 là năm đầu tiên mà cả hệ thống chính trị triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 bằng những hành động thiết thực, cụ thể, đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế-xã hội.
Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bằng một phương châm “Quyết liệt hành động-Khát vọng cống hiến” được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát động từ đầu nhiệm kỳ, với mục tiêu đưa văn hóa thực sự thấm sâu, lan tỏa vào các hoạt động kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân trên khắp cả nước, ngành tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo chủ đề công tác năm 2022: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” bằng nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Đáng chú ý, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, cùng với Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương, ban, ngành đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược và thực hiện kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Kế hoạch đã cụ thể hóa 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp nêu trong Kết luận của Tổng Bí thư và các nhiệm vụ trong Chiến lược thành các chương trình, đề án, dự án, quy hoạch và các hoạt động phát triển sự nghiệp ngành văn hóa.
Nhiều hội nghị, hội thảo bàn về các vấn đề phát triển văn hóa được triển khai từ cấp Trung ương đến các địa phương. Đầu tư ngân sách cho văn hóa ở nhiều địa phương có sự chuyển biến, gia tăng rõ rệt.
Từ góc độ thể chế chính sách, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước khi trong 2 kỳ họp liên tiếp, Quốc hội đã thông qua hai bộ Luật là Luật Điện ảnh và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong đó, Luật Điện ảnh vừa tạo điều kiện cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy phát triển, góp phần vào đời sống vật chất tinh thần nhân dân ngày càng phong phú, coi điện ảnh là một trong những điểm nhấn của công nghiệp văn hóa.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với một cách tiếp cận thể chế hóa chủ trương của Đảng trong vấn đề xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.
Đây đều là những bộ Luật quan trọng, giúp cho ngành từng bước cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng “chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật.”
Nhân dịp này, Chủ tịch nước ra quyết định trao Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương và Thứ trưởng Tạ Quang Đông./.