Với lợi thế về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nhân văn mang đậm dấu ấn của Thăng Long – Hà Nội và nằm ở vị trí trung tâm, quận Hoàn Kiếm được coi là “trái tim” của Thủ đô.
Nhiều năm qua, bên cạnh hoạt động thương mại, quận Hoàn Kiếm đặc biệt chú trọng bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, vừa gìn giữ vốn quý di sản, vừa phục vụ hoạt động du lịch.
Trong bối cảnh thành phố Hà Nội đang phát triển công nghiệp văn hóa, địa phương này đang tiến tới hình thành một trung tâm sáng tạo của Thủ đô.
Những sắc màu văn hóa mới
So với các quận, huyện, thị xã khác trên địa bàn thành phố, quận Hoàn Kiếm là nơi xuất hiện các không gian sáng tạo sớm nhất và nhiều nhất. Trong số đó, các không gian sáng tạo cộng đồng đã tạo dấu ấn đặc biệt, thậm chí được coi là khuôn mẫu trong xây dựng không gian sáng tạo của Hà Nội.
Cụ thể như Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận kết nối với không gian đi bộ trong khu Phố cổ Hà Nội, Phố bích họa Phùng Hưng, Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Hưng, Trung tâm nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Phố sách 19/12… đã tạo nên sắc màu mới cho Hoàn Kiếm, hình thành điểm vui chơi, giải trí cho người dân, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết nhận thấy sự cần thiết về tái thiết không gian công cộng, quận đã linh hoạt, sáng tạo trong công tác tổ chức tạo điểm tĩnh kết hợp không gian công cộng với sự cởi mở, thiên về các hoạt động cộng đồng.
Các không gian sáng tạo ra đời vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân và phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
[Phát triển giáo dục sáng tạo xây dựng Hà Nội là Thành phố Sáng tạo]
Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được hình thành đã tạo bước đột phá cho quận Hoàn Kiếm và cả thành phố Hà Nội. Không gian này có sức hút lớn đối với người dân Thủ đô và du khách khi mỗi ngày thu hút hàng vạn người đến vui chơi, giải trí.
Nơi này cũng trở thành không gian quảng bá văn hóa, du lịch các vùng miền; không gian hợp tác quốc tế. Năm 2022, quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các sở, ngành thành phố tổ chức hơn 200 sự kiện vào các ngày cuối tuần tại các không gian đi bộ trên địa bàn quận thu hút hơn 1 triệu lượt người tham gia.
Phố bích họa Phùng Hưng đã chuyển tải ký ức của thành phố được nối dài và cộng hưởng cùng sắc màu của nhịp sống hiện đại, qua 19 bức bích họa khổ lớn. Trong tương lai, đoạn phố đó sẽ được kéo dài hơn khi toàn bộ 131 vòm cầu cạn từ Phùng Hưng tới chân cầu Long Biên đã được quận lên kế hoạch tái thiết để trở thành không gian nghệ thuật phục vụ cộng đồng.
Môt dự án khác là Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân khi hình thành đã có thêm một điểm hấp dẫn mới để “check in,” tận hưởng nghệ thuật và tìm lại lịch sử thành phố qua nghệ thuật. Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân không chỉ đơn thuần mang bóng dáng nghệ thuật, mà có bóng dáng môi trường, cộng đồng trong đó.
Ngoài các không gian sáng tạo cộng đồng, Hoàn Kiếm còn là nơi hội tụ của nhiều không gian sáng tạo do các tổ chức, cá nhân làm chủ. Cụ thể như Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh, Six Space, AGO hub, Zó Projet, The Learning Hub, Toong, Printopia… Đây là những địa điểm ươm mầm sáng tạo thông qua các lớp đào tạo, hội thảo, triển lãm, hỗ trợ các dự án sáng tạo…
Thúc đẩy không gian sáng tạo phát triển công nghiệp văn hóa
Tại Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đền năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
Thành phố sẽ xây dựng, củng cố, kết nối, đầu tư cho các không gian sáng tạo, tạo hệ sinh thái phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định quận đang thực hiện các giải pháp để quản lý, phát huy giá trị các không gian sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp hóa trên địa bàn.
Bên cạnh việc quản lý, tổ chức các không gian đi bộ, không gian nghệ thuật công cộng, quận Hoàn Kiếm tiếp tục phối hợp với các nghệ sĩ, nghệ nhân tổ chức các hoạt động tại các không gian văn hóa như: Ngôi nhà Di sản-87 phố Mã Mây, đình Đồng Lạc-38 phố Hàng Đào, đình Kim Ngân-42 phố Hàng Bạc, đền Quan Đế-28 phố Hàng Buồm, Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ-50 phố Đào Duy Từ, Trung tâm thông tin văn hóa hồ Gươm-2 phố Lê Thái Tổ… phục vụ người dân và du khách.
Quận đang nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn.
Theo Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, khai thác tốt quỹ đất bãi bồi, bãi giữa để phục vụ vui chơi, giải trí cộng đồng, không gian đó sẽ “đánh thức” những nguồn lực và lợi thế của sông Hồng, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô và du khách. Đồng thời, hệ sinh thái tiềm năng tại khu vực này được khai thác toàn diện, phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như xu hướng phát triển hiện nay.
Dự án cải tạo Vườn hoa Diên Hồng (Vườn hoa Con Cóc) là một mô hình kiểu mẫu với lối thiết kế mang tính đương đại, đảm bảo gìn giữ và phát huy được các giá trị di sản nhưng vẫn đáp ứng được những nhu cầu hiện tại của người dân Hà Nội về không gian công cộng văn minh, hài hòa, chất lượng cao.
Với cách tiếp cận dự án này, quận Hoàn Kiếm nghiên cứu áp dụng rộng rãi trong các dự án cải tạo, chỉnh trang các vườn hoa công cộng khác trên địa bàn.
Những không gian sáng tạo trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là một phần trong hệ sinh thái sáng tạo của thành phố, góp phần xây dựng thành phố sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn. Tiềm năng, lợi thế về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan ít nơi nào có được, đang là chất liệu dồi dào để Hoàn Kiếm từng bước xây dựng, trở thành trung tâm sáng tạo của Thủ đô./.