Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ra đời tròn 5 năm.
Quá trình triển khai Chiến lược cho thấy khung chính sách đã thể hiện được khả năng bảo vệ, phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, từng bước quảng bá hình ảnh, bản sắc cũng như gia tăng sức hấp dẫn của văn hóa Việt Nam.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài 3 viết phản ánh những thành quả bước đầu của việc triển khai Chiến lược, đồng thời nêu lên những vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ để các giá trị văn hóa mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho đất nước, nâng cao đời sống người dân.
Bài 1: Hướng đi mới tạo nên đột phá
Công nghiệp văn hóa sử dụng tài nguyên đầu vào là sự sáng tạo, các giá trị văn hóa, tạo ra sự phát triển bền vững.
Các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa đã tạo cơ hội, khuyến khích các lực lượng sáng tạo, nhất là giới trẻ khai thác, biến tài nguyên văn hóa thành sản phẩm, dịch vụ có giá trị.
Có thể nói là công nghiệp văn hóa đang góp phần tạo ra sức mạnh mềm thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước ta.
Mũi nhọn kinh tế trên thế giới
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, từ những năm 2000, coi trọng yếu tố sáng tạo – nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển của quốc gia – là xu thế lớn trên thế giới.
Các ngành kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế thế giới.
Văn hóa được quan tâm nhiều hơn khi là tác nhân kích thích sự hình thành, tạo ra giá trị cho sáng tạo.
[5 năm thực hiện công nghiệp văn hóa: Chưa đủ bột để gột nên hồ]
Các ngành công nghiệp văn hóa trở thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Bản đồ toàn cầu đầu tiên về Công nghiệp văn hóa và sáng tạo của UNESCO năm 2015 công bố: Năm 2017, công nghiệp văn hóa và sáng tạo (Cultural and Creative Industries – CCIs) có tổng doanh thu lên đến 2.250 nghìn tỷ USD; tạo công ăn việc làm cho 29,5 triệu lao động trên toàn cầu.
Ðặc biệt hơn, đây là ngành công nghiệp trẻ khi có tới gần 20% thành phần lao động ở độ tuổi từ 15-29 (nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nghề nghiệp nào).
Công nghiệp sáng tạo được xem là chìa khóa phát triển của nhiều quốc gia, nhất là các nước châu Á.
Thống kê của UNESCO, châu Á với nhiều quốc gia mà công nghiệp văn hóa và sáng tạo như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ đã trở thành thị trường công nghiệp sáng tạo lớn nhất thế giới, vượt cả châu Âu và Bắc Mỹ.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu văn hóa cũng nằm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia.
Theo Ngân hàng thế giới, năm 2019, tỷ lệ đóng góp doanh thu của công nghiệp văn hóa (bao gồm cả du lịch văn hóa) trong tổng doanh thu toàn cầu là khoảng 4,04%; đem lại việc làm chiếm tỷ trọng 2,21% tổng số lao động trên thế giới, lao động có thu nhập cao gấp 2,44 lần so với mặt bằng chung.
Tiến sỹ Lê Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ khu vực Đông Bắc Á, tiêu biểu là Nhật Bản và Hàn Quốc, công nghiệp văn hóa đóng góp nguồn thu nhập lớn cho tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Cụ thể, Nhật Bản đầu tư trọng điểm vào các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu hằng năm khoảng 7%, thu hút 5% nhân công lao động.
Nước này tập trung vào các lĩnh vực nổi bật là truyện tranh (manga, anime), phim hoạt hình với doanh thu hợp đồng bản quyền và các sản phẩm có liên quan.
Còn tại Hàn Quốc đã nổi tiếng với chiến lược xuất khẩu văn hóa đại chúng, phim ảnh và ca nhạc từ những năm 1990.
Sau đó, nước này tạo ra hiệu ứng thu hút phát triển du lịch mạnh mẽ cùng các sản phẩm văn hóa liên quan như ẩm thực, trang phục, mỹ phẩm… mang thương hiệu Hàn Quốc. Đóng góp của công nghiệp văn hóa cho GDP là hơn 6%.
Đặc biệt, công nghiệp văn hóa Hàn Quốc được đánh giá cao về khả năng tiếp cận, lan tỏa sâu rộng, đa chiều đến người dùng trong và ngoài nước, đóng góp lợi nhuận cao…
Từ 25 năm nay, truyện tranh Pháp đã tạo ra sức sống nghệ thuật to lớn, nhờ sự đa dạng hóa về hình thức và thể loại.
Là một trong những ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa năng động nhất, truyện tranh được đông đảo người Pháp đón nhận.
Truyện tranh là mảng xuất bản đã và đang phát triển mạnh mẽ, giá trị tăng 30% chỉ trong 10 năm, từ năm 2008-2018.
Truyện tranh đặc biệt năng động, đứng thứ 3 về số lượng bản bán ra trên thị trường xuất bản, cứ 7 cuốn sách bán ra ở Pháp thì có hơn 1 cuốn là truyện tranh.
Qua các ví dụ cụ thể này có thể thấy công nghiệp văn hóa có khả năng đem lại nguồn thu lớn, lượng việc làm đáng kể, là ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam là: Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 3% cho GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Cụ thể điện ảnh đạt 150 triệu USD. Nghệ thuật biểu diễn đạt 16 triệu USD. Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt 80 triệu USD. Quảng cáo đạt 1.500 triệu USD. Du lịch văn hóa chiếm 10-15% trong số 18.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch…
Hướng đi mới ở Việt Nam
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã nêu rõ ngành nghề, công nghiệp văn hóa gồm ngành sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật, dịch vụ tin tức, vui chơi giải trí, đào tạo văn nghệ sỹ và kinh doanh tác phẩm nghệ thuật, phát hành, xuất bản, phát thanh truyền hình, điện ảnh, video, quảng cáo…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Nhiều bộ phim ra đời như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh,” “Bố già,” “Mắt biếc”… thậm chí có doanh thu hơn hẳn so với những bộ phim bom tấn của Mỹ.
Nhiều bài hát của các ca sỹ như Sơn Tùng MTP, Hoàng Thùy Linh… cũng nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả thông qua việc khai thác giá trị văn hóa Việt Nam.
Mới đây, tại hội thảo khoa học đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thông tin nếu năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP thì sau 3 năm triển khai, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương với 3,61% với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018.
Điều đó có nghĩa là Việt Nam đang ở mức trung bình của thế giới và dư địa phát triển vẫn còn nhiều.
Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa là hướng đi mới, thậm chí tạo nên hướng đột phá trong phát triển kinh tế tri thức, kinh tế văn hóa để phát triển kinh tế theo chiều sâu.
Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp văn hóa đang từng bước tạo nên sự gắn kết bền vững trong phát triển đất nước thông qua việc góp phần tái tạo các thành phố, cải thiện cuộc sống đô thị; giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng và khu vực.
Số lượng các không gian văn hóa, sáng tạo và nghệ thuật ngày càng nhiều, tăng lên về cả chất lượng và số lượng các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân nhiều thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt…
Theo nghiên cứu của Hội đồng Anh, từ năm 2014-2018, số lượng không gian sáng tạo ở Việt Nam tăng từ 60-140 trung tâm.
Đáng chú ý là nhiều khu vực nhà máy cũ, khu công nghiệp, khu vực kém phát triển tại nhiều đô thị được nghiên cứu, đề xuất và thử nghiệm chuyển đổi công năng thành các trung tâm sáng tạo, không gian văn hóa nghệ thuật.
Các không gian này góp phần quan trọng trong việc phát triển bối cảnh văn hóa sáng tạo đương đại của thành phố nói chung và giới trẻ yêu nghệ thuật, văn hóa nói riêng. Có thể kể đến trường hợp của tổ hợp Complex 01 ở phố Tây Sơn (Hà Nội), điểm đến yêu thích hiện nay của giới trẻ, vốn là một xưởng in cũ.
Không gian sáng tạo về thiết kế 282 Design ở phố Phú Viên (Gia Lâm, Hà Nội), trước là nhà máy sản xuất mũ cối hiện đã là một địa điểm tổ chức các sự kiện thiết kế, triển lãm nghệ thuật, tọa đàm về thiết kế nội thất gỗ.
Hanoi Creative City trên thực tế được vận hành ở một tòa nhà xây trên nền tòa nhà Kim khí Thăng Long…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng phát triển công nghiệp văn hóa còn là con đường để thúc đẩy sự “tiến bộ và phồn vinh của văn hóa dân tộc.”
Ngành công nghiệp văn hóa tạo cơ hội học tập cho nhiều người, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền.
Bởi lẽ, Việt Nam có 54 dân tộc anh em với kho tàng di sản vô giá về di tích, nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian, thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, truyền thuyết, hình tượng anh hùng…
Tất cả đều có thể trở thành chất liệu sáng tạo, mang đến sản phẩm văn hoá nghệ thuật vừa tôn vinh văn hoá dân tộc, vừa tạo ra sự khác biệt, giá trị riêng cho các sản phẩm văn hóa nghệ thuật./.
Bài 2: Nỗ lực để hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo