Trang mạng thediplomat.com ngày 20/7 đăng bài viết nhấn mạnh chuyến đi đầu tiên của bà Penny Wong trên cương vị tân Ngoại trưởng Australia tới Hà Nội mới đây cho thấy Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của Australia ở Đông Nam Á.
Theo lời của nữ ngoại trưởng này, “quan hệ đối tác giữa Australia và Việt Nam dựa trên sự tin cậy.”
Ở một mức độ nhất định, các thông điệp của bà Wong và cam kết của cựu Thủ tướng Morrison trong việc củng cố mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam vào năm 2019 là giống nhau.
Hiện có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy quan hệ Australia-Việt Nam, trong đó thương mại và đầu tư là hai lĩnh vực hàng đầu.
Hợp tác kinh tế đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ song phương trong những năm qua. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Australia, trong khi quốc gia châu Đại Dương này đứng thứ 10 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Bất chấp đại dịch COVID-19, thương mại song phương đã tăng gần 50% vào năm 2021, giá trị cao nhất được ghi nhận cho đến nay.
Trong quý 1/2022, hai nước tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế, với thương mại tăng thêm 32,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến cuối năm ngoái, các nhà đầu tư Australia đã có 550 dự án tại Việt Nam, với giá trị ròng là 2 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đa dạng về chủng loại. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam và nhu cầu cao về năng lượng, hàng tiêu dùng, máy móc và dịch vụ chuyên nghiệp, Hà Nội đã trở thành một địa điểm lý tưởng cho các nhà xuất khẩu Australia.
[‘Việt Nam luôn coi trọng, củng cố và phát triển quan hệ với Australia’]
Thông qua việc tăng cường thương mại và đầu tư, Hà Nội và Canberra cũng cố gắng giảm dần sự phụ thuộc kinh tế vào đối tác thương mại lớn nhất của hai nước là Trung Quốc và tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu, như đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine.
Cả Australia và Việt Nam đều đã có những động thái thiết thực để tăng cường quan hệ. Vào tháng 3, hai nước đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hỗ trợ lao động Việt Nam tham gia Chương trình thị thực nông nghiệp Australia.
Biên bản ghi nhớ tạo tiền đề cho khoảng 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Australia mỗi năm.
Tháng trước, Canberra và Hà Nội đã khai trương Trung tâm Việt Nam-Australia để “tăng cường kỹ năng nghiên cứu và đào tạo lãnh đạo của Việt Nam” dựa trên chuyên môn của Australia trong một số lĩnh vực.
Hơn nữa, Việt Nam và Australia đã mở rộng hợp tác kinh tế và tăng cường gắn kết khu vực thông qua một số khuôn khổ đa phương quan trọng.
Việt Nam và Australia có thể có nhiều không gian hơn cho việc hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại công bằng, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, giảm khí thải cacbon, cơ sở hạ tầng và chống tham nhũng.
Với việc áp dụng chủ nghĩa đa phương trong hoạt động kinh tế, Việt Nam đã nỗ lực theo đuổi hai mục tiêu quốc gia đầy tham vọng gồm chuyển sang nền kinh tế thị trường và nâng cao chất lượng lực lượng lao động.
Về phần mình, Australia khẳng định “ủng hộ mạnh mẽ” Việt Nam tham gia các thể chế đa phương khu vực. Chủ nghĩa đa phương tiếp tục đóng vai trò là hạt nhân thúc đẩy mối quan hệ Australia-Việt Nam.
Cũng theo bài viết, Việt Nam có thể là một lựa chọn phù hợp cho chiến lược của Australia củng cố vị thế trong khu vực và tăng cường quan hệ với Đông Nam Á và tương lai của Australia ở Đông Nam Á phụ thuộc vào mối quan hệ với Việt Nam.
Mặc dù nhiệm kỳ của Thủ tướng Anthony Albanese mới bắt đầu, nhưng đã có tín hiệu lạc quan cho thấy tương lai hứa hẹn về sự gắn bó của Australia với Đông Nam Á.
Với quỹ đạo phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ như hiện nay, đặc biệt là quan hệ kinh tế, việc thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện sẽ là một bước quan trọng để đưa mối quan hệ Australia-Việt Nam lên một tầm cao mới./.