Theo nhiều nhà nghiên cứu phê bình, thơ ca hiện nay đang có sự cách tân mạnh mẽ, mang đậm dấu ấn cá tính của các nhà thơ trong thời đại mới. Bên cạnh những ý tưởng mới mẻ, người ta cũng bắt gặp những hiện tượng “thơ dở.” Từ đó, người yêu thơ cũng đặt ra câu hỏi rằng tốc độ đổi mới của thơ liệu có song hành, tỷ lệ thuận với giá trị của thơ hay không?
Nhân Ngày Thơ Việt Nam 2023, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” để bàn về sự mới mẻ trong diện mạo của thơ ca đương đại.
Xã hội ‘bội thực’ thơ dở
Bàn về thực trạng thơ ca Việt Nam hiện nay, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng thực tế là số lượng nhà thơ chuyên nghiệp và không chuyên đang tăng lên không ngừng, thơ in ra rất nhiều nhưng thiếu tác phẩm hay, hay nói cách khác là xã hội đang “bội thực” thơ dở, bạn đọc đang dần “quay lưng” với thơ.
Lý giải nguyên nhân, ông cho rằng bất cứ ai có tiền là có thể in thơ, khâu biên tập dễ dãi, thậm chí công tác phê bình lý luận cũng không đảm bảo chất lượng.
“Nhiều nhà phê bình viết bài giới thiệu tập thơ do được nhờ vả, do có mối quan hệ thân thiết với tác giả, dần dần dẫn đến việc nhầm lẫn giữa việc giới thiệu và phê bình thơ,” ông Vũ Quần Phương nêu vấn đề.
Từ hiện trạng các câu lạc bộ thơ “mọc lên như nấm,” nhà thơ Vũ Quần Phương cũng cảnh báo tình trạng nghiệp dư hóa, phong trào hóa các hội sáng tác văn học nghệ thuật. Ông đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Hội nhà văn cần nâng chuẩn chuyên nghiệp của một hội nghề nghiệp để nâng uy tín của mình.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng thơ-Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng nước ta hiện nay có rất nhiều các câu lạc bộ thơ ra đời liên tiếp, người làm thơ có tiền là in, bất chấp thơ hay, thơ dở.
“Người làm thơ ngày càng đông, thơ in ra ngày càng nhiều nhưng bạn đọc lạnh nhạt với thơ. Về chất lượng, nhiều tác phẩm nông cạn, thiếu các tác phẩm đi vào chiều sâu nhân tính. Tôi cho rằng đó là trách nhiệm của những người viết, những tờ báo in thơ, nhà xuất bản, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật đã dễ dãi trong khâu tuyển chọn, xuất bản,” nhà thơ Trần Anh Thái chia sẻ.
Nói về sự cách tân trong thơ, ông Thái cho rằng sự đổi mới chưa bao giờ tự do, sôi động như hiện nay, tuy nhiên nhiều tác phẩm phá cách đến mức “loạn thẩm mỹ”, gây khó hiểu chứ không mang lại giá trị nghệ thuật.
Sứ mệnh ‘vị nhân sinh’
Tại tọa đàm, các nhà thơ, nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều giải pháp để “cứu” thơ. Nhiều ý kiến cho rằng thơ ca dù có cách tân đến đâu cũng phải mang giá trị tư tưởng, phải đi theo con đường “vị nhân sinh,” “vị nhân tính.”
[Hà Nội: Người yêu thi ca đội mưa đón Ngày thơ Việt Nam 2023]
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội cho rằng thơ ca đã song hành cùng lịch sử dân tộc qua những giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến gian khổ, dường như trong mỗi người dân Việt Nam đều có một bài “thơ thần”, một “Hịch tướng sỹ” trở thành động lực, sức mạnh để vươn lên.
Do đó, nhà thơ Nguyễn Bình Phương cho rằng thơ ca luôn phải hướng về ánh sáng của cái thiện, phải phản ánh cái đẹp trong một xã hội ngày càng ích kỷ, thực dụng.
Cùng chung quan điểm đó, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khẳng định giá trị của thơ ca là đi vào tận cùng đau khổ của con người để khơi lên niềm hy vọng. Ông cho rằng thơ hiện đại phải hướng tới nhân sinh và tình yêu quê hương đất nước. Về cách biểu đạt, tứ thơ phải tạo nên một trường thẩm mỹ mới về thanh âm, ngữ điệu, ngôn từ, hình ảnh nhưng hình thức, vần luật chỉ là phương tiện để truyền tải tư tưởng.
“Cách tân không có nghĩa là mang lại sự mù mờ, rắc rối đến không thể cắt nghĩa nổi cảm xúc. Cái mới trong thơ không cần đến sự trình diễn cầu kỳ bằng cấu trúc lạ mà là phát hiện mới trong suy tưởng, làm sao để người đọc soi vào đấy thấy mình, thấy những vấn đề của con người trong nhiều chiều kích,” nhà thơ nêu quan điểm.
Chia sẻ với phóng viên, nhà thơ Đoàn Văn Mật cũng cho rằng câu chữ sáng tạo, độc đáo có thể tạo ra những “khoái cảm” nhất thời cho bạn đọc nhưng giá trị văn chương nghệ thuật vốn không nằm trong những “khoái cảm nhất thời” mà nó nằm ở sự vĩnh hằng là hướng con người đến những điều tốt đẹp nhất của đời sống.
“Bất kỳ thời đại nào thì thơ ca cũng có những bến bờ được tạo dựng bằng hiện thực đời sống. Dù phản ánh hiện thực đời sống trực tiếp hay gián tiếp, dù hiện đại hay truyền thống thì điều cốt yếu mà thơ ca mang lại cho người đọc chính là làm tôn lên mọi vẻ đẹp cho con người và vì con người, cho đời sống và vì đời sống. Chỉ có như thế chúng ta mới tạo nên sự vững bền cho thơ ca và nhà thơ mới hoàn thành được sứ mệnh của mình,” nhà thơ bày tỏ.
Đó là những đóng góp dành cho người làm thơ, còn đối với trách nhiệm của cơ quan quản lý và các hội văn học-nghệ thuật, ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng các cấp hội cũng cần nâng cao chất lượng chuyên môn.
Cụ thể, ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu thơ. Việc làm thơ, in thơ là quyền tự do của mỗi người, không thể ngăn cản hay phê phán vì sẽ khiến những người sáng tác không chuyên chạnh lòng.
“Người làm thơ không sai, tôi cho rằng thơ khiến người ta yêu đời, yêu người hơn. Nhu cầu in thơ cũng là vấn đề cá nhân, không thể cấm cản. Tuy nhiên, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cần lựa chọn kỹ càng và cẩn trọng trong công tác biên tập, tránh tình trạng in thơ tràn lan,” ông Nguyễn Thế Kỷ đề nghị./.