Ngày 24/2, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023).
Theo đó, các tác phẩm dự thi tập trung tuyên truyền, cổ động các phong trào thi đua yêu nước trong 75 năm, nhất là các phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi; phong trào “Xóa đói giảm nghèo,” “Đền ơn đáp nghĩa,” “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…
Ban tổ chức cũng khuyến khích các tác phẩm cổ động cho các nhân tố mới và điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội: phát hiện nhân tố mới, xây dựng, bồi dưỡng điển hình tiến tiến, phổ biến kinh nghiệm và cách làm hay của các điển hình tiên tiến, trên cơ sở đó tổng kết và nhân rộng; tôn vinh hình ảnh gương điển hình anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sỹ thi đua.
Phát biểu tại lễ phát động, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho hay mục đích cuộc thi là tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định giá trị và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; từ đó củng cố và bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
[Cùng nhìn lại tranh cổ động ra đời trong giai đoạn 1967-1978]
Chia sẻ với báo chí, họa sỹ Trịnh Bá Quát, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc thi. Ông khẳng định tranh cổ động có tính tuyên truyền, cổ vũ rất mạnh mẽ, góp phần không nhỏ trong thành tựu cách mạnh qua hai cuộc kháng chiến.
“Tranh cổ động đề tài chính trị là thể loại khó, đòi hỏi người sáng tác phải có độ nhạy cảm chính trị, phải có những tư duy dự báo. Lực lượng sáng tác tranh cổ động đề tài này ngày càng ít đi, nên tôi hy vọng các cuộc thi như thế này sẽ có sức lan tỏa để ngày càng nhiều nghệ sỹ quan tâm đến tranh cổ động,” họa sỹ Trịnh Bá Quát chia sẻ.
Đối tượng tham gia cuộc thi gồm các họa sỹ chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp, là công dân Việt Nam đang sinh sống trong nước và nước ngoài.
Về cơ cấu giải thưởng, Ban tổ chức sẽ trao 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng; 2 giải Nhì, mỗi giải trị giá 8 triệu đồng; 3 giải Ba trị giá 5 triệu đồng/giải; 10 giải Khuyến khích trị giá 2 triệu đồng/giải; 1 giải Phong trào trị giá 8 triệu đồng cho đơn vị vận động được nhiều tác giả, nhiều tác phẩm tốt tham dự cuộc thi.
Ban Tổ chức sẽ chọn một số tác phẩm có chất lượng tốt để phục vụ cho công tác triển lãm. Tác phẩm được trưng bày tại triển lãm được cấp giấy chứng nhận và trả nhuận treo 600.000 đồng/tác phẩm.
Theo yêu cầu của Ban Tổ chức, tác phẩm dự thi phải là những sáng tác thời gian gần đây, chưa gửi tham gia các cuộc thi khác, chưa được phổ biến dưới bất cứ hình thức nào và đảm bảo kích thước 54cm x 79cm. Mỗi tác giả được gửi một hoặc nhiều tác phẩm tham gia cuộc thi.
Tác phẩm dự thi gửi về Ban Tổ chức theo hòm thư điện tử: [email protected]; gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới địa chỉ: Phòng Quản lý hoạt động Quảng cáo và Tuyên truyền, Cục Văn hóa cơ sở – Số 86A, ngõ Lê Văn Hưu 3, Phường Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thời gian nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 7/4/2023.
Dự kiến lễ tổng kết, trao giải sẽ diễn ra vào tháng 6/2023./.
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc nhằm triển khai một cách sâu rộng Chỉ thị của Trung ương Đảng về phong trào thi đua ái quốc và chuẩn bị Ngày Toàn quốc kháng chiến. Cho đến nay, những lời dạy của Bác Hồ về vấn đề thi đua vẫn mang nhiều ý nghĩa về giá trị thực tiễn sâu sắc. Đặc biệt trong công cuộc đổi mới và phát triển trước xu thế hội nhập hiện nay, lời kêu gọi thi đua yêu nước của Bác vẫn luôn là nền tảng, là động lực lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, ban, ngành trong xã hội hưởng ứng tham gia. |