Thu gần 256 tỷ tiền bản quyền tác giả âm nhạc trong năm 2022

Xem bài viết

Thu gần 256 tỷ tiền bản quyền tác giả âm nhạc trong năm 2022Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết trong năm 2022, tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc trung tâm thu được là gần 256 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2021. Như vậy, số tiền tác quyền thu được trong năm 2022 tương đương con số 10 triệu USD/năm, chạm mục tiêu mà trung tâm đã đề ra.

Theo nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, số tiền tác quyền trên thu được từ các hoạt động biểu diễn; sử dụng nhạc nền (tại nhà hàng, khách sạn, siêu thị, quán càphê, bar, karaoke…); phát sóng (trên các đài phát thanh-truyền hình, truyền hình cáp, truyền hình trực tuyến); media (nhạc chuông, nhạc chờ); website, ứng dụng nhạc; sao chép (bản ghi âm-ghi hình, phim ảnh, quảng cáo, sản xuất chương trình, demo…) và tiền bản quyền nhận từ quốc tế (CMOs).

Bên cạnh đó, Trung tâm đã tăng cường nhân sự, biện pháp kỹ thuật, công nghệ, tập trung xử lý dữ liệu, thu thập bằng chứng, xử lý vi phạm, làm việc với các đối tác trong nước và quốc tế nhằm đối soát để truy thu các nguồn tiền tác quyền thuộc các thành viên đang ủy quyền còn tồn đọng từ các năm trước ở các đơn vị sử dụng trực tuyến (các năm 2018-2021) là trên 260 tỷ đồng. Số tiền này trung tâm đã và đang tiến hành phân phối đến các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn cũng chia sẻ trong năm 2022, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thực hiện bốn kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả là trên 160 tỷ đồng, tăng 51% so với năm trước.

[Việt Nam-Hàn Quốc ‘bắt tay’ bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc]

“Dự kiến, tháng 1/2023, Trung tâm sẽ tổ chức một đợt chi trả tiền tác quyền trên 90 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền Trung tâm đưa vào phân phối chi trả cho các chủ sở hữu đạt trên 250 tỷ đồng. Đây cũng là năm có số tiền phân phối chi trả cao nhất so với các năm trước,” nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn nói.

Bên cạnh các hoạt động thu và chi trả tác quyền âm nhạc, năm 2022, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã hỗ trợ và tư vấn pháp lý, giải quyết khiếu nại của các tác giả thành viên; thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý hành vi xâm phạm ở các lĩnh vực sử dụng âm nhạc, cảnh báo vi phạm, áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền theo quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của tác giả thành viên.

Đến nay, Trung tâm đã đưa nhiều vụ việc xâm phạm quyền tác giả ra tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết bằng biện pháp dân sự hoặc hành chính.

Trong tổng số 30 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng mà trung tâm tiến hành, hiện đã giải quyết xong 14 vụ, còn lại 16 vụ đang trong quá trình giải quyết; một số vụ đang thu thập, hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện.

Trong năm 2022, Ban lãnh đạo Trung tâm đã tham dự và tham gia góp ý tại các hội thảo lấy ý kiến các Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, nghị định hướng dẫn, nghị định về nhuận bút, thù lao…

Cùng với đó, Trung tâm cũng tăng cường các hoạt động đối ngoại thông qua việc tham gia nhiều sự kiện quốc tế như hội thảo, hội nghị, diễn đàn về bản quyền, gặp gỡ và giữ liên lạc thường xuyên với các tổ chức quản lý tập thể quyền, nhà sản xuất, nhà xuất bản có cùng lĩnh vực ở các các quốc gia, vùng lãnh thổ có ký thỏa thuận, hợp tác song phương để trao đổi tình hình cấp phép, lưu trữ, thanh toán, xác nhận dữ liệu tác phẩm-tác giả.

Trung tâm tiến hành xử lý xâm phạm quyền tác giả, tham dự các cuộc họp trực tuyến với tổ chức quốc tế; làm việc, trao đổi với Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời CISAC đàm phán hợp đồng hợp tác, góp phần xây dựng và thúc đẩy hoạt động bảo vệ quyền tác giả trong nước.

Nhân dịp tổng kết cuối năm 2022, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã dành tặng nhiều phần quà tri ân các nhạc sỹ lão thành, các nhạc sỹ ảnh hưởng của COVID-19 và thân nhân các nhạc sỹ qua đời vì COVID-19./.

Phương Hà (TTXVN/Vietnam+)