Ngày Văn học Ireland sẽ diễn ra vào ngày 18-19/6 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm. Sự kiện nhằm giới thiệu cuộc đời và các tác phẩm của nhà văn nổi tiếng James Joyce cũng như nền văn học Ireland nói chung. Đây cũng là dịp để quảng bá văn hóa Ireland tới công chúng tại Hà Nội.
Sự kiện do nhóm Những người bạn Ireland (Friends of Ireland in Vietnam – FOI) tổ chức với sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland.
Điểm nhấn trong chương trình là triển lãm về cuộc đời và sáng tác của James Joyce. Bên cạnh đó, triển lãm cũng có không gian trưng bày tác phẩm của các nhà văn Ireland đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, phần giới thiệu thông tin về đất nước, văn học, văn hóa và giáo dục Ireland cũng như các hoạt động giao lưu, đọc sách, trò chơi dành cho mọi lứa tuổi. Người tham dự còn có cơ hội được nhận miễn phí sách văn học Ireland.
Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng ra mắt sách nói “Người Dublin” – tuyển tập 14 truyện ngắn đầu tiên của Joyce, được ứng dụng sách nói Voiz FM chuyển thể từ bản dịch của Vũ Mai Trang.
[Giải thưởng Văn học Baileys tôn vinh nữ văn sỹ người Ireland]
Joyce bắt đầu viết vào mùa hè năm 1904 khi còn sống ở Dublin và tiếp tục thực hiện cuốn sách trong những năm đầu ở Pola, Rome và Trieste, hoàn thành truyện ngắn cuối cùng “Cái chết” ở Trieste năm 1907. Cuốn sách mô tả chân thực về những mặt tối của cuộc sống đương đại.
James Joyce được biết đến là một trong những nhà văn lớn nhất của Ireland, một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất đối với văn học thế giới thế kỷ 20. Ông chỉ viết 4 tác phẩm chính trong toàn bộ cuộc đời sáng tác của mình, nhưng tất cả đều là những kiệt tác.
Các tác phẩm của James Joyce được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt gồm “Người Dublin,” “Chân dung chàng nghệ sỹ.”
Theo ông Alan McGreevey, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, trong những năm qua, đã có rất nhiều các tác phẩm của nhà văn Ireland được dịch và xuất bản tại Việt Nam và được đón nhận nồng nhiệt của công chúng.
Ngoài sách của James Joyce, còn có nhiều tác phẩm khác được độc giả Việt yêu thích như “Chàng hoàng tử hạnh phúc,” “Họa mi và hoa hồng,” “Chân dung của Dorian Gray” của Oscar Wilde; “Câu chuyện cuối cùng,” “Nơi cuối cầu vồng,” “Tái bút: Anh yêu em” của Cecelia Ahern; hay “Chú bé mang pyjama sọc” của John Boyne; “Người giao sữa” của Anna Burns…
Ông Alan McGreevey bày tỏ sự vui mừng khi giới trẻ Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn đến văn học nói riêng và văn hóa Ireland nói chung. Sau sách nói “Người Dublin,” sẽ có một loạt tác phẩm văn học Ireland được chuyển thể trên Voiz FM./.