Sản xuất thủy tinh tại đảo Murano, thành phố Venice (Italy), nghề truyền thống nổi tiếng thế giới tồn tại hàng nghìn năm, đang có nguy cơ mai một do những khó khăn nằm ngoài khả năng giải quyết của những người sản xuất như khủng hoảng giá khí đốt và đại dịch COVID-19.
Trong nhiều thế kỷ, nhờ sự sáng tạo và kỹ năng thủ công của các thế hệ gia đình làm nghề thủy tinh, Murano là cái nôi của thế giới về thủy tinh nghệ thuật và ngày nay thủy tinh Murano trở thành một trong những loại hình nghệ thuật thủ công tinh tế nhất trên thế giới, gắn liền với cội nguồn của nó và truyền thống lịch sử đã biến mất ở phần còn lại của Italy.
Venice đã trở thành trung tâm sản xuất thủy tinh cao cấp vào thế kỷ XIII, với bí mật thương mại được cẩn thận bảo vệ, chỉ truyền lại trong các gia đình làm nghề thủ công.
Trong thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, ngoài những sản phẩm truyền thống, các lò sản xuất thủy tinh tại Murano đã chế tác những tác phẩm nghệ thuật của các họa sỹ nổi tiếng, bao gồm Pablo Picasso, Alexander Calder, Jean Cocteau, Jean Arp, Ai Weiwei, Tracey Emin và Laure Prouvost.
Tác phẩm lớn nhất được tạo ra từ thủy tinh Murano là chiếc đèn chùm treo, nặng 2.700 kg và mất vài năm để sản xuất.
[Italy có thêm một di sản thế giới được UNESCO công nhận]
Sản xuất thủy tinh Murano đại diện cho một di sản ngày nay đang có nguy cơ biến mất và cần phải được bảo vệ.
Các nhà sản xuất thủy tinh đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Giá khí đốt tăng nhanh đã buộc hầu hết các nhà sản xuất thủy tinh của vùng đầm phá phải đóng cửa các xưởng sản xuất của họ do giá thành phẩm bị đẩy lên quá cao, đến mức khách hàng khó có thể chấp nhận.
Các lò nung thủy tinh của Murano đòi hỏi một lượng khí đốt tự nhiên lớn để hoạt động ở nhiệt độ cao, ổn định, phải được duy trì 24 giờ một ngày.
Theo tổ chức thương mại Consorzio Promovetro Murano, đại diện cho các công ty sản xuất thủy tinh của đảo này, khoảng 100 nhà máy hiện có của Murano có nhu cầu tiêu thụ khoảng 10-11 triệu m3/năm.
Giá khí đốt đã tăng vọt từ trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, lên đến 3 euro/m3 trong tháng 8/2022, tăng khoảng 1.500% so với mức giá bình thường khoảng 0,20 euro/m3 hồi tháng 9/2021.
Khoảng 80% số thợ làm thủy tinh ở Murano đã ngừng sản xuất, trong khi số còn lại phải tắt bớt lò và giảm số nhân công. Việc giá khí đốt biến động hằng ngày cũng khiến các nhà sản xuất không thể lập kế hoạch sản xuất.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Italy, bà Valentina Rosato, quản lý Xưởng sản xuất thủy tinh 4glassmurano trên đảo Murano, nói: “Tình hình ở đây hiện rất khó khăn vì giá khí đốt tăng chóng mặt. Từ chỗ thanh toán khoảng 3.000 euro/tháng chi phí khí đốt cho 2 lò nung, chúng tôi đã phải trả 33.000 euro chỉ cho một lò nung, trong khi lò còn lại phải tắt bởi vì chúng tôi buộc phải giảm tiêu thụ năng lượng.
Việc tắt lò nung rồi bật lại có nghĩa là mất khoảng 10 ngày sản xuất. Để lò nung đạt đến nhiệt độ tối ưu là 1.100 độ C thì không thể thực hiện được trong 1 ngày mà phải cần 8 ngày từ lúc bật lò, rồi tăng dần mức khí đốt tiêu thụ. Trong thời gian khởi động lại đó, chi phí khí đốt là khoảng 5.000-6.000 euro.”
Cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra sau trận lũ lụt nghiêm trọng ở Venice vào năm 2019 và thiệt hại lớn về thu nhập từ du lịch do đại dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp tại Murano đã phải đóng cửa trong 2 năm COVID-19 và mới mở cửa lại từ tháng 5/2022.
Omar Signoretto, Giám đốc phụ trách thương mại và hành chính của công ty Signoretto Lampadari Murano nói: “Cuộc khủng hoảng khí đốt này là một đòn giáng nặng nề vào các lò nung Murano.”
Hầu hết các công ty đang tiếp tục tình trạng sa thải: đơn đặt hàng giảm, khách du lịch chưa phục hồi và xuất khẩu tiếp tục không có dấu hiệu khởi sắc. Doanh thu trung bình của các công ty trong 10 năm qua đã giảm gần 40%. Các công ty đang phải đối mặt với một tương lai khó đoán định.
Cho đến nay, những lò thủy tinh còn hoạt động tại Murano gần như phụ thuộc hoàn toàn nhờ sự hỗ trợ tài chính của chính quyền. Tháng 11/2021, chính quyền vùng Veneto đã cam kết hỗ trợ 3 triệu euro (3 triệu USD) cho các nhà sản xuất thủy tinh Murano. Sau đó, Chính phủ Italy cũng cam kết hỗ trợ 5 triệu euro (5 triệu USD) cho Murano. Thủy tinh Murano không còn là một loại hàng hóa thông thường, mà đã trở thành đại diện của một di sản lịch sử.
Về tương lai, bà Rosato chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng chính phủ mới thực hiện những điều đã hứa. Chúng tôi tin rằng, ngoài việc bảo vệ việc làm, chúng tôi còn là một trong những lĩnh vực sản xuất tinh túy. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đều đến để chiêm ngưỡng những sản phẩm của chúng tôi. Bởi vậy việc những lò nung bị đóng cửa cũng là sự mất mát hình ảnh của cả Italy. Nếu phải đóng cửa thì chúng tôi sẽ khó có thể mở lại được.”
Hoạt động sản xuất thủy tinh tại đảo Murano đã bị ảnh hưởng sâu sắc do giá khí đốt tăng nhanh – cuộc khủng hoảng không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào mà ngành công nghiệp này đã trải qua kể từ thời La Mã.
Giá khí đốt tăng mạnh và biến động hằng ngày đang đe dọa sự tồn tại của nơi đã trở thành trung tâm sản xuất thủy tinh cao cấp của thế giới vào thế kỷ XIII.
Việc sản xuất thủy tinh tại đảo Murano đại diện cho một di sản hiện đang có nguy cơ biến mất và cần được bảo tồn, điều mà chính quyền, các doanh nghiệp và người lao động địa phương đang nỗ lực cố gắng, nhưng thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố./.